Hỏi đáp cùng người học Phật
Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018
Hỏi:
Kính anh, email
này tôi có gửi đến anh nhưng có lẽ không đến do sai địa chỉ email. Nay tôi xin
viết lại. Như một bệnh nhân đang khai rõ bệnh mình, có những triệu chứng gì để
thầy thuốc bắt mạch chẩn đoán và tiện ghi đơn thuốc. Xin anh dành chút thời
gian quý báu để tôi trình bày quá trình tìm đạo của tôi:
- 30 năm
trước, tôi có tập phương pháp của Ông Tám, Lương sĩ Hằng và tôi có được hiện
tượng xuất hồn. Sau khi tôi ngồi thiển hơn 30 phút, lúc nằm xuống tôi thấy tôi
vượt ra khỏi cơ thể. Lúc đó tôi có quan sát lại cơ thể mình đang nằm, chỉ thấy
một hình dạng như cơ thể con người, có màu tối đen. Thời gian trước tôi có đọc
sách Thông thiên Học và biết linh hồn có thể đi xuyên qua bức tường. Và tôi thử
khi xuất hồn, tôi không đi ra ngoài phòng bằng lối cửa, mà tôi đi xuyên tường.
Lạ thật tôi vượt qua bức tường dễ dàng. Sau đó tôi nhìn xuống đất (lúc đó đang
ở trên lầu 1), thấy cảnh vật, cây cối trong một ánh sáng mờ mờ như lúc 6, 7 giờ
chiều. Tôi đi một lúc và khi trở lại gần thân thể. Lúc ấy cái tạm gọi là linh
hồn bị hút mạnh vào thể xác. Lúc đó tôi tỉnh lại và tôi cố gắng nhớ
tư thế lúc ngủ để hy vọng rằng sẽ chủ động xuất hồn lần nữa. Nhưng từ đó hiện
tượng xuất hồn không trở lại nữa. Đây là một hiện tượng lạ nhưng tôi nghĩ là do
sự hoạt động của óc não nên có thể xảy ra những ảo giác, mặc dù ảo giác này rất
thật.
- Thời gian sau
nữa, tôi không nhớ rõ. Tôi có quen một anh bạn. Tôi nói với anh ấy là tôi không
tin có thế giới vô hình. Và anh bạn dẫn tôi đến một anh bạn khác dạy ở Đại học
Mỹ thuật Sài gòn. Anh này tên Nhựt, anh có một ông Lục người Miên theo. Khi anh
làm chuyện gì không phải, ông Lục nhập vào và anh tự đánh đập vào cơ thể mình.
Khi tỉnh lại anh mới biết. Một lần, tôi và bạn tôi cùng anh Nhựt đi đến nhà một
người bạn khác. Anh bạn này thứ Ba, làm nghề chữa bệnh tà ma… Anh Ba và anh
Nhựt gặp nhau lần đầu. Khi tôi, bạn tôi và anh Nhật vào nhà. Sau khi chào hỏi,
giới thiệu. Anh bạn tôi nói với anh Ba, đây là anh Nhựt có ông Lục người Miên
theo, ông Lục này có thể nhập vào bất cứ lúc nào. Lúc này, anh Ba nói: nhập ở
đâu chớ tại đây thì không thể nhập vào xuất ra tùy ý được. Ngay lúc đó anh
Nhựt thay đổi tư thế, anh khệnh khạng đi đến bàn thờ thắp nhang cặm vào lư
hương rồi nói bằng thứ tiếng lạ, tôi không hiểu được ý nghĩa. Anh Ba cũng ngạc
nhiên vì ông Lục vẫn nhập vào anh Nhựt dù ngay tại lãnh địa của anh. Định thần
lại, anh Ba cũng đối đáp bằng thứ tiếng lạ đó. Hai người vẫn nói năng bằng
những âm thanh mà chúng tôi không hiểu nghĩa được. Rồi anh Ba nói với anh Nhật:
thôi mình nói bằng tiếng Việt đi, chớ như vầy thì anh em có ai biết được gì
đâu. Bấy giờ hai anh nói bằng tiếng Việt, anh Nhựt thì nói giọng lơ lớ như
người Miên nói tiếng Việt!.. Bây giờ những anh bạn đó mỗi người một nơi, có anh
đã sống ở nước ngoài, còn anh ba Nhựt đã mất do tai nạn giao thông.
- Cạnh nhà tôi
có một cô gái khoảng 18 tuổi. Cô này có bà ngoại chết cách đây vài năm. Một lần
tôi đi làm về, thấy nhà bên cạnh rất đông người, ồn ào. Hỏi ra mới biết bà lão
đã mất nhập vào cô gái 18 tuổi. Cô gái nói chuyện y hệt như một bà già. Cô nhắc
chuyện xưa, hỏi thăm những người lối xóm. Cô đòi ăn bánh da lợn. Khi người nhà
mua bánh về, bà lão (trên thân xác cô gái 18 tuổi khỏe mạnh) cầm miếng bánh da
lợn và ăn miếng bánh da lợn như một bà lão. Cô gái này nói tụi bây cho tao ăn
bánh da lợn gì mà dai quá! Sau khoảng một giờ, người nhà nói thôi ngoại nghỉ
nói chuyện một lát đi để tụi con ăn cơm. Sau khi gia đình ăn cơm xong, thì cuộc
đàm thoại giữa người âm kẻ dương lại tiếp tục!
- Vài sự việc
trên đã cho riêng tôi một bài học vô cùng quý báu. Hơn 20 năm trước, khi đọc
kinh Thủ lăng nghiêm, sau khi Phật chỉ rõ ông A nan là ông không phải là thân
xác, mắt, óc não mà ông chính là tánh Biết thường hằng, bất sinh, bất biến, bất
diệt. Lúc đó tôi còn nghi hoặc, tôi không tin. Vì tôi nghĩ đâu là thân, đâu là
vọng tâm, đâu là chân tâm. Theo tôi chỉ có óc não là chủ đạo. Khi còn óc não
thì còn hai trạng thái: một là tĩnh lặng, sáng suốt tạm gọi là chơn tâm và hai
là sự nhận xét phân biệt khen chê, nghĩ quá khứ, tưởng đến tương lai, hạnh
phúc, khổ đau… Nếu thân này chết đi óc não hư hoại thì còn đâu cái gọi là chân
tâm, vọng tâm nữa??? Và nếu kinh sách hay người nào giải thích có lẽ tôi sẽ
không bao giờ tin được.
Nhưng vài
sự việc xảy ra mà tôi đã kể ở trên, đủ cho tôi thấy sau khi con người chết
đi, thân thể, trí não này dù bị hư hoại đi, tánh Biết vẫn còn tồn tại và vẫn có
sự sống sau khi con người chết đi, sau khi thân này, óc não này hư hoại.
- Vài năm sau,
tôi đọc quyển Pháp bảo đàn kinh của Lục tổ Huệ Năng và suy tư về ý nghĩa của
kinh. Câu mà tôi hay nhớ là: Tổ Huệ Năng bảo Huệ Minh: "Không nghĩ thiện,
không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là Bản lai diện mục của Thượng tọa
Minh?" Đột ngột, một lần tôi rơi vào một trạng thái lạ lùng. Tôi vẫn sinh
hoạt như ngày thường, tôi vẫn đi làm việc, vẫn đang sống với vợ tôi. Tôi có cảm
giác trong lòng hạnh phúc, thơ thới không tả được. Cảnh vật bên ngoài hình như
sáng rỡ, lung linh. Trong thời gian rơi vào trạng thái này, hầu như tôi không
còn suy nghĩ, phân biệt gì. Toàn bộ bộ máy suy nghĩ như dừng lại. Tôi cảm giác
không một chút phiền muộn, thân thể như nhẹ nhàng hơn nhiều. Nếu suốt cuộc đời
như ba ngày mà tôi trãi nghiệm có lẽ không thể dùng bất cứ gì để đánh đổi.
Tôi nghĩ rằng mình đã rơi vào trạng thái ngộ đạo hay gì gì đó rồi. Nhưng sau ba
ngày tôi trở lại bình thường như mọi ngày!
…
- Kính anh, còn
những chuyện lạ khác, tôi xin được không kể ra. Nhưng tất cả sự việc xảy ra,
cuối cùng cho tôi cảm nhận, tin tưởng tuyệt đối là có một đấng, hay một lực vô
hình toàn tri, toàn năng. Và cũng có những vị phò trợ vô hình, họ có thể theo hướng
dẫn cho mỗi người suốt một kiếp người. Vì tin như thế, tôi thường đứng thành
tâm khấn nguyện Ơn Trên cho tôi gặp được một phương pháp có thể theo đó mà hòa
với Ơn Trên sống với bản chất thực của mình… Đồng thời cho tôi gặp những bạn
đạo cùng ý hướng… Trong hơn năm nay tôi có đọc được những trải nghiệm và bài
giảng của đạo sư Duy Tuệ, và ba quyển sách của ông Eckhart Tolle (sức mạnh của
hiện tại, sức mạnh của sự Tĩnh lặng, Một thế giới mới). Gần đây tôi
biết được nhiều đạo hữu khác. Tất cả đều đem lại cho tôi những bài học,
kinh nghiệm hữu ích.
Thưa anh, bây
giờ tôi xin được nói về ý kiến cá nhân của tôi:
- Phật và Ơn
Trên ai hơn ai? Tôi nghĩ, trước khi đức Phật Thích Ca sinh ra thì đã có chư
Phật, vô số Phật đã thành rồi. Phật Thích Ca cũng là người như chúng ta. Nhưng
ngày đã nhận lại và sống với bản lai diện mục, sống lại với tánh Vô Cùng sẵn
có. Và vũ trụ từ vi mô đến vĩ mô, khoảng không gian bao la không ngằn mé này đã
có trước lâu lắm rồi. Nhưng khi tôi tin có Thượng Đế ( tạm gọi là vậy ) hoặc lực
tối cao, hoặc thái cực hay gì gì đó thì có một câu hỏi trong tôi lại xuất hiện:
Ai sinh ra Thượng đế đây? Đây là điều không thể hiểu nổi. Con người với trí óc
hạn hẹp không thể trả lời câu hỏi này được.
- Không thể phân
chia đạo Phật làm Phật giáo nguyên thủy hay Đại thừa hay gì gì nữa. Vì Phật
Thích Ca đã nói “Đạo ta chỉ có một vị duy nhất là giải thoát”.
- Phật giáo có
vô số (84.000 pháp môn) được chia ra làm 3 tông: Thiền, Tịnh, Mật . Chúng sinh
tùy chỗ chấp của mình mà chọn một trong 3 tông. Nhưng đích đến cũng là một. Như
trong đời thường, bệnh về thể xác có nhiều loại từ bệnh nhẹ là cảm cúm đến bệnh
các tạng phủ, bệnh do vi trùng… Mỗi bệnh phải dùng một số thuốc đặc hiệu. Nhưng
đích đến vẫn là một: là sự khỏe mạnh. Do đó nếu tôi đau đầu do cảm, tôi uống
loại thuốc này rất hay. Nhưng tôi không thể chỉ cho một người bị đau đầu do bị
bệnh cao huyết áp được. Một thí dụ khác, hai người đi trên cầu khỉ. Người hướng
dẫn không thể bảo hai người là phải cùng nghiêng bên phải hay bên trái được. Vì
nếu 1 người đi trên cầu có khuynh hướng nghiêng phải thì anh hướng
dẫn phải yêu cầu người ấy nghiêng về bên trái để được thăng bằng. Còn
người đi trên cầu có khuynh hướng nghiêng trái thì anh hướng dẫn không thể
nghiêng thêm bên trái được. Tôi nghĩ Phật Pháp là bất định pháp. Tùy chỗ chấp,
chỗ sai lầm của chúng sinh mà có một phương cách thích hợp. Trong y dược, Sâm
Nhung vô cùng tốt với người suy nhược cơ thể, huyết áp thấp. Nhưng sâm nhung
lại tối kỵ cho người bị bệnh cao huyết áp!
- Những
phương pháp tôi đã biết đã hành tôi tin rằng đều do các vị phò trợ vô hình
hướng dẫn. Có những phương pháp áp dụng rồi không còn áp dụng nữa. Tôi cho đó
là sự ôn tập những gì đã tu tập ở kiếp trước. Mọi việc xảy ra đều là bài học
cho mình. Mọi bạn đạo đã quen biết đều có nhân duyên từ những kiếp trước và từ
họ có thể có lợi ích cho mình và ngược lại.
- Trong đạo
Phật không có người nhỏ tuổi hay lớn tuổi hơn mình. Cũng như bây giờ tôi (64
tuổi) và một ông lão 100 tuổi. Năm sau ông lão chết và tái sinh trở lại. Lúc
này thì tôi đã già hơn ông lão (vì lúc này ông mang thân xác của một em bé).
Cuộc đời ví như một tuồng hát. Tôi thí dụ có thể hiện giờ anh đóng vai đạo sư.
Tôi đóng vai bác sĩ. Hoặc ai khác đóng vai kẻ ăn xin… thì cũng chẳng qua là vai
diễn. Và ai cũng có sẵn Phật tính (Chơn như, Bản lai diện mục, tánh Giác, tánh
Biết thường hằng bất sinh bất diệt). Nếu chúng ta chấp vào vai diễn tạm trong
kiếp này mà quên đi Phật tánh sẵn có thì chúng ta bị trôi lăn theo sinh tử vô
thường. Còn chúng ta sống với tánh Biết vốn có thì chúng ta đã sống với cái bản
chất Vô cùng của mình rồi.
- Bản chất
của vũ trụ (Phật tánh) là bất sinh bất diệt tròn đầy. Dù dưới hình hài của
người trí, kẻ ngu, con vật… cũng mang bản chất của vũ trụ, cũng hàm chứa Phật
tánh từ lúc mới sanh. Như nước biển, dù ở biển rộng bao la, hoặc dù rót vào
bình, vào chai, vào lu thì đều là nước biển chớ không khác nhau do chúng được
chứa vào vật đựng! Bản chất này không cần làm gì hết cũng là nước biển, cũng là
Phật tánh sẵn có. Như vậy chỉ cần nhận lại và sống với Phật tánh có sẵn chớ
thật ra không cần phải động thủ, chẳng cần phải tu (đó là ý riêng của tôi).
- Tôi tin
lời đức Phật Thích Ca nói: Chúng sinh ai cũng có Phật tánh (bản chất của cái vô
cùng, điểm linh quang của Thượng đế theo đạo Cao Đài, bản lai diện mục, Chơn
Tâm…). Do đó chỉ cần nhận lại Phật tánh và sống với Phật tánh là đạt được ý
nguyện của kiếp nhân sinh. Nhưng đó chỉ là sự hiểu biết bằng trí óc (vẫn là dựa
trên sinh diệt) chứ thật ra bấy lâu tôi vẫn cứ loay hoay. Tôi như con côn trùng
cứ cố sức bay ra khỏi phòng nhưng không tìm được cửa mà cứ đâm đầu vào vách!
Tôi lại nghe nói
tâm yên thì Phật tánh hiển lộ. NHƯNG LÀM CÁCH NÀO TÂM YÊN??? Tôi không biết tu
có cần phải ngồi thiền hay không. Ngồi là ngồi bao lâu và khi ngồi phải làm gì,
để tâm yên hay quán xét một vấn đề gì. Còn lúc không ngồi (đi, đứng, nằm) thì
phải tu như thế nào. Lúc đối diện với sắc (hình ảnh, màu, nam nữ, tiền bạc…),
thanh (tiếng xe cộ, chửi rủa, khen chê, tiếng nhạc êm đềm, âm thanh chát
chúa…), hương (mùi thơm, thối, mùi tóc, mùi thức ăn…), vị (mặn, ngọt, chua,
cay, đắng…), xúc (sự tiếp xúc của thân này với tất cả các đối tượng )… thì phải
tu như thế nào, phải sống như thế nào mới có thể trực nhận được chân lý??? Thật
sự đây là một vấn đề quá hóc búa cho con người. Và với cá nhân tôi dù đây là chuyện
tôi đã lưu tâm từ lâu vẫn không thể bước thêm một ly nào! Cho nên nghe anh
viết, trình bày và xác nhận rằng anh đã đến nơi Phật Thích Ca đến, tôi hết sức
vui mừng. Xin anh chẩn bệnh và bốc thuốc cho tôi để được tỉnh mộng thực sự,
tỉnh mộng hoàn toàn. Tôi nguyện khi tỉnh thức sẽ đem mọi khả năng để tìm người
thực tâm muốn trở về nhà, tìm mọi cách để họ có thể về được quê xưa như mình.
Thành tâm mong
được sự khai ngộ của anh. Kính chúc anh luôn vui khỏe.
Trả lời:
Chào chú! Cháu
là Tuấn, cũng là Vô Ưu,… những tên gọi đó chỉ là giả danh nó không thật cũng
như bản chất vô thường của vạn pháp. Về những sự trải nghiệm của chú như việc
xuất hồn, cảm giác thăng hoa thơi thới 3 ngày hay việc biết đến những người bị
vong nhập thì với cháu không có gì đáng ngạc nhiên bởi cháu đã từng chạm đến
không chỉ 1 lần…
Hẳn là chú không
ngồi thiền theo phương pháp xuất hồn lâu rồi... Nói về phương pháp của thầy
Lương Sĩ Hằng thì cháu khách quan đánh giá “ Đó không phải là pháp hành của
Phật mà là pháp tu đã chịu sự ảnh hưởng của đạo Lão, gốc của việc xuất hồn là
tạo thánh thai, hình thành huyễn thân, xuất huyễn thân rong chơi tiêu diêu, tự
tại”. Với pháp tu này thì nếu người có định lực yếu dễ rơi vào hoang tưởng do
bị tâm ma nhiễu loạn hoặc do bị các vong mượn nhà, đoạt xác. Còn trường hợp
người định lực vững mà không rõ biết pháp tu thì sẽ tự nâng cao bản ngã, cái
tôi. Điều này sẽ chướng ngại cho sự giác ngộ, giải thoát hoàn toàn. Có thể xem
đây là một dạng của phép tu tiểu thừa. Nếu hành pháp tinh chuyên, thông suốt mà
không kịp phá bỏ cái tôi trước khi nhắm mắt thì người hành pháp sẽ đạt 1 trong
4 quả vị thánh hoặc tự tạo ra tiên cảnh mà thọ dụng. Với trường hợp tạo ra tiên
cảnh thì lâu về sau nhàm chán sẽ quay lại luân hồi nơi 3 cõi…
Cảm giác thảnh
thơi, thoát tục là cảm giác thường thấy của người tu bên dòng thiền. Nó giúp
người tu tin rằng cảm giác an lạc, tự tại là thật có khi con người thoát ra
khỏi những dính mắc lợi danh, tiền của, mê đắm,… Và có lẽ mỗi người chỉ có cơ
may nếm trải 1 lần cảm giác đó trong đời. Điều này giúp người học Phật tin sâu
vào sự giải thoát hoàn toàn. Việc thần thức rời khỏi thân xác thì người hành
pháp có thể chạm đến nhiều lần nhưng việc làm đó không hẳn là rất cần thiết cho
việc giải thoát hoàn toàn. Vấn đề quan trọng nhất của đạo giải thoát là dùng sự
hiểu biết để phá bỏ cái tôi mà mỗi người chấp giữ đã bao đời nay. Đây mới thật
là vấn đề khó cho người hành pháp. Do chấp ngã, chấp vô ngã, chấp có, chấp
không, chấp tâm, chấp cảnh, chấp việc đạt pháp, việc xuất hồn, việc kỳ đặc khi
ngồi thiền, chấp giữ sự hiểu biết của mình là cùng tột,… mà người học Phật
không thể chạm đến nguồn an lạc, tự tại ngay trong hiện kiếp. Và… đến khi rơi
vào luân hồi, (Nếu duyên tốt nhập vào thai người) việc nhập thai ngục 9 tháng
10 ngày, quá trình trưởng dưỡng tuổi thơ, rồi việc học hỏi, giáo dục thiên
lệch, chủ quan thì “người trở lại” đã quên công phu hành pháp tiền kiếp mà mãi
không thoát ra được 3 cõi 6 đường.
Phật và Ơn Trên ai hơn ai? Tôi nghĩ, trước khi đức
Phật Thích Ca sinh ra thì đã có chư Phật, vô số Phật đã thành rồi. Phật Thích
Ca cũng là người như chúng ta. Nhưng ngài đã nhận lại và sống với bản lai diện
mục, sống lại với tánh Vô Cùng sẵn có. Và vũ trụ từ vi mô đến vĩ mô, khoảng
không gian bao la không ngằn mé này đã có trước lâu lắm rồi. Nhưng khi tôi tin
có Thượng Đế ( tạm gọi là vậy ) hoặc lực tối cao, hoặc thái cực hay gì gì đó
thì có một câu hỏi trong tôi lại xuất hiện: Ai sinh ra Thượng đế đây? Đây là
điều không thể hiểu nổi. Con người với trí óc hạn hẹp không thể trả lời câu hỏi
này được.
Xem ra chú phải bỏ hết cái biết của mình thì mới có
thể liễu nghĩa Tam tạng kinh. Hay nói cách khác chú phải bỏ cái biết của chú
thì cháu mới có thể chọn thuốc giúp chú được. Chú có đồng ý không?
Vì không có điều
kiện tiếp xúc chú nhiều nên cháu cần chú “gác” cái biết của chú sang 1 bên. Cho
đến khi chú tham khảo sách và những giải trình của cháu xong thì chú hãy khách
quan đánh giá. Nếu những điều cháu nói là vô ích, không có giá trị thì chú “vất
đi” và dùng lại cái biết chú đã góp nhặt và cho rằng đúng hơn.
Chú đã tham khảo
khá nhiều giáo lý các tôn giáo khác nhau. Trong đó có cả đạo Cao Đài. Có những
sách viết đúng, có những sách viết không ổn nhất là những sách do những người
chưa thực chứng viết hoặc dịch giải ra. Bởi do có câu “Y kinh giải nghĩa Tam
thế Phật Oan, Ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết - y kinh giải nghĩa thì oan
cho cả 3 đời chư Phật, còn bằng rời kinh dù chỉ là một chữ tức là lời ma nói;
cái chữ rời kinh mà thuyết để thành lời ma nói chính là chữ Tâm, rời Tâm mà nói
thì là lời hư dối, lời ma mị”. Vì biết nhiều nên chú sẽ rối. Bây giờ cháu sẽ gỡ
rối từ từ xem chú có vừa ý không trước đã.
Cháu khẳng định
“Không ai hơn Phật Thích Ca”. Ơn trên, thánh Ala,… chỉ là một cụm từ chung
chung và cũng là một dạng chúng sinh nơi 6 đường. Đó chính là nẻo Trời mà giáo
lý nhà Phật đã chỉ ra. Cháu cũng không là đệ tử Phật, không còn là người học
Phật, người bảo vệ Phật nên không có lý do gì để tâng bốc Phật Thích Ca. Chú
còn nhớ câu “Thiên thượng, thiên hạ duy ngã độc tôn - chỉ có cái ngã là cao quý
hơn cả; cái ngã đó là cái ngã trùm khắp, là Tâm, là Phật chứ không phải là cái
tôi nhỏ bé mà mỗi người đang chấp giữ. Và … Vạn Pháp Quy Tâm hay nói cách khác
là vạn pháp do tâm sinh đã lý giải những gút mắc về sự tồn tại của thượng đế,
thánh Ala, chúa Jesu mà chú đề cập và nó cũng lý giải được câu “Ai là người
sinh ra thượng đế đây?” của chú. Vấn đề thượng đế chú đã “hiểu nổi” chưa? Chỉ
do tâm tạo. Tâm của ai tạo? Tâm của người tạo chứ không phải tâm Phật. Tâm Phật
chỉ tạo ra duy nhất Tam tạng kinh và do chúng sinh, vì chúng sinh 3 cõi mà Phật
Thích Ca đã lập ngôn. Chú đừng bận tâm về những vị Phật quá khứ vì những vị
Phật đó không tồn tại; chú chỉ cần biết 2 vị Phật là đủ. Đó là vị Phật Thích Ca
và vị Phật là chú. Con người với trí óc phân biệt dính mắc sẽ không thể trả lời
rốt ráo những vấn đề nơi sự sống, vũ trụ nhưng người nào sống với cái biết sáng
rõ, khách quan, không dính mắc sẽ rõ mọi sự việc trên như giữa ban ngày. Vấn đề
này chú đã thông chưa? Nếu chú thấy chưa thỏa đáng thì cứ nói chỗ không thỏa
đáng cháu sẽ lý giải tường tận vì vấn đề này cháu rõ biết.
Không thể phân chia đạo Phật làm Phật giáo nguyên
thủy hay Đại thừa hay gì gì nữa. Vì Phật Thích Ca đã nói: đạo ta chỉ có một vị
duy nhất là giải thoát.
Nói không chia
cũng không được chú à. Vì lẽ người ta đã chia rồi, vạn pháp do tâm sinh mà
nhưng người đạt sự giác ngộ sẽ không chấp vào điều đó. Đại thừa, nguyên thủy,
tiểu thừa,… rõ biết rồi không dính mắc nữa. Dù vậy, nếu người nào tin nhận mà
chưa thông suốt thì vẫn nên tỏ bày không dính mắc, đền trả từ bi Tâm của Phật;
còn những người u mê, tự phụ thông minh hơn người, không đủ duyên đành tùy
thuận im lặng như người chết. Vì nói không đúng thời sẽ gây ra điều chống trái,
hiềm khích,…
Phật giáo có vô số (84.000 pháp môn) được chia ra
làm 3 tông : Thiền, Tịnh, Mật. Chúng sinh tùy chỗ chấp của mình mà chọn một
trong 3 tông. Nhưng đích đến cũng là một. Như trong đời thường, bệnh về thể xác
có nhiều loại từ bệnh nhẹ là cảm cúm đến bệnh các tạng phủ, bệnh do vi trùng…
Mỗi bệnh phải dùng một số thuốc đặc hiệu. Nhưng đích đến vẫn là một: là sự khỏe
mạnh. Do đó nếu tôi đau đầu do cảm, tôi uống loại thuốc này rất hay. Nhưng tôi
không thể chỉ cho một người bị đau đầu do bị bệnh cao huyết áp được. Một thí dụ
khác, hai người đi trên cầu khỉ. Người hướng dẫn không thể bảo hai người là
phải cùng nghiêng bên phải hay bên trái được. Vì nếu 1 người đi trên cầu có
khuynh hướng nghiêng phải thì anh hướng dẫn phải yêu cầu người ấy nghiêng
về bên trái để được thăng bằng. Còn người đi trên cầu có khuynh hướng nghiêng
trái thì anh hướng dẫn không thể nghiêng thêm bên trái được. Tôi nghĩ Phật Pháp
là bất định pháp. Tùy chỗ chấp, chỗ sai lầm của chúng sinh mà có một phương
cách thích hợp. Trong y dược, Sâm Nhung vô cùng tốt với người suy nhược cơ thể,
huyết áp thấp. Nhưng sâm nhung lại tối kỵ cho người bị bệnh cao huyết áp!
Phật giáo có
84000 pháp môn. Cái này bỏ đi vì đó chỉ là một lời nói nó không có nhiều giá
trị, nó chỉ mang tính ước lệ rằng có rất nhiều cách để đạt được sự giải thoát
hoàn toàn dù rằng không cần tỏ ngộ hết tất cả vạn pháp mà chỉ cần tỏ ngộ về sự
giải thoát hoàn toàn. Vì nó và sự tỏ ngộ không đúng mực mà đệ tử Phật đã chia
tông, rẽ giáo Thiền, Tịnh, Mật làm rối mắt nhân gian, khiến người học Phật rơi
vào lối rẽ, đường cùn. Thử hỏi đã có mấy ai nhờ Thiền, Tịnh, Mật mà thành Phật?
Phật pháp là bất định pháp là đúng nhưng phải nói thêm sự giải thoát hoàn toàn
là định pháp thì mới đủ nghĩa về pháp Phật. Vậy nên Phật pháp là là định pháp
và cũng là bất định pháp. Giáo lý nhà Phật lẽ ra là sống nhưng vì người học
Phật tự trói mình vào Tam tạng kinh khiến kinh điển chết vì thế đạo Phật mới
rơi vào thời mạt pháp. Trong giáo lý, kinh điển các tôn giáo thì chỉ có kinh
điển đạo Phật là kinh điển mở nhưng vì kém hiểu biết người học Phật đã khiến
kinh điển nhà Phật chết và mất dần giá trị. Việc tùy bệnh mà cho thuốc là việc
làm rất đúng mực, có ý nghĩa.
- Những phương pháp tôi đã biết đã hành tôi tin
rằng đều do các vị phò trợ vô hình hướng dẫn. Có những phương pháp áp dụng rồi
không còn áp dụng nữa. Tôi cho đó là sự ôn tập những gì đã tu tập ở kiếp trước.
Mọi việc xảy ra đều là bài học cho mình. Mọi bạn đạo đã quen biết đều có nhân
duyên từ những kiếp trước và từ họ có thể có lợi ích cho mình và ngược lại.
Mong rằng chú bỏ
qua niềm tin các vị vô hình hướng dẫn. Cháu không nói họ không tồn tại vì cháu
đã từng tiếp xúc họ. Trên thực tế họ không biết đường thì làm sao có thể hướng
dẫn chú cho đặng. Họ còn đang không rõ lối đi cho chính họ thì sao có thể giúp
chú. Những người rõ biết đường thì đều nhập niết bàn tịch diệt cả rồi. Lời này
cháu nói không hư dối chú à. Nếu chú tỏ ngộ thì chú còn phải giúp ngược lại họ,
khuyên họ giải thoát khỏi thể không hư dối hoặc tìm lấy một hình người tu tập
thoát luân hồi…
- Trong đạo Phật không có người nhỏ tuổi hay
lớn tuổi hơn mình. Cũng như bây giờ tôi (64 tuổi) và một ông lão 100 tuổi. Năm
sau ông lão chết và tái sinh trở lại. Lúc này thì tôi đã già hơn ông lão (vì
lúc này ông mang thân xác của một em bé). Cuộc đời ví như một tuồng hát. Tôi
thí dụ có thể hiện giờ anh đóng vai đạo sư. Tôi đóng vai bác sĩ. Hoặc ai khác
đóng vai kẻ ăn xin… thì cũng chẳng qua là vai diễn. Và ai cũng có sẵn Phật tính
(Chơn như, Bản lai diện mục, tánh Giác, tánh Biết thường hằng bất sinh bất
diệt). Nếu chúng ta chấp vào vai diễn tạm trong kiếp này mà quên đi Phật tánh
sẵn có thì chúng ta bị trôi lăn theo sinh tử vô thường. Còn chúng ta sống với
tánh Biết vốn có thì chúng ta đã sống với cái bản chất Vô cùng của mình rồi.
Thực ra có lớn,
có nhỏ vì ông cụ 100 tuổi khi trở thành một em bé đã không còn nhận biết về
tiền kiếp của mình, bảo họ là 1 e rằng không phải lẽ; Dù vậy họ cũng chẳng phải
2. Tuy nhiên, với giao tiếp thông thường thì gặp người lớn gọi ông, gặp em bé
kêu cháu thì ổn hơn.
Cháu sẽ nói rõ
một chút về đạo Phật. Đạo Phật là đạo giác ngộ, giải thoát hoàn toàn. Giác ngộ
đơn giản chính là sự hiểu biết; giác ngộ giải thoát hoàn toàn là sự hiểu biết
sáng rõ đúng thật về sự giải thoát hoàn toàn. Thế nên sự hiểu biết đúng mực, đủ
đầy về sự giải thoát là điều kiện tiên quyết giúp con người vượt khỏi luân hồi.
Là chìa khóa để buông bỏ cái tôi mà mỗi người đang chấp giữ. Cái tôi mà mỗi con
người đang chấp giữ chính là nguyên nhân khiến con người nhào lên, lộn xuống
trong 3 cõi 6 đường.
Vì vậy cháu sẽ
chỉnh sửa lại khái niệm Phật tính của chú. Phật tính chính là tánh giác, tánh
biết về sự giải thoát hoàn toàn, là phần động, có tích lũy, gom góp; còn chân
như, bản lai diện mục thì tạm gọi là Tâm, là phần tĩnh. Dù rằng cái biết sau
cùng cũng phải buông bỏ nhưng phải biết rõ đúng sai, chẳng sinh lòng yêu ghét
thì việc buông bỏ mới dễ dàng.
- Bản chất của vũ trụ (Phật tánh) là bất sinh bất
diệt tròn đầy. Dù dưới hình hài của người trí, kẻ ngu, con vật… cũng mang bản
chất của vũ trụ, cũng hàm chứa Phật tánh từ lúc mới sanh. Như nước biển, dù ở
biển rộng bao la, hoặc dù rót vào bình, vào chai, vào lu thì đều là nước biển
chớ không khác nhau do chúng được chứa vào vật đựng! Bản chất này không cần làm
gì hết cũng là nước biển, cũng là Phật tánh sẵn có. Như vậy chỉ cần nhận lại và
sống với Phật tánh có sẵn chớ thật ra không cần phải động thủ, chẳng cần phải
tu đó là ý riêng của tôi).
Bản chất vũ trụ
không là Phật tánh mà là tâm, là vạn pháp. Thế nên lập ngôn của chú có điều
không ổn. Chúng sinh 3 cõi đều có Phật tánh là đúng nhưng chỉ có chúng sinh nẻo
người đang tìm và đi trên con đường giác ngộ giải thoát may ra mới nhận biết
Phật tánh mà thôi. Và ngày nay rất ít trong số họ sống bằng Phật tánh mà đạt
được giải thoát hoàn toàn. Vì vậy hiện có rất ít người thoát khỏi luân hồi dù
rằng có nhiều hơn điều kiện tiếp xúc kinh điển nhà Phật. Do có Phật tính mà
không thể nhận biết thì khác gì không có Phật tính. Hơn nữa, nhận biết đã khó,
sống đúng bằng Phật tánh càng không dễ. Thế nên bảo chỉ cần nhận lại và sống
bằng Phật tánh sẵn có mà không cần động thủ, không cần tu e rằng hơi mạo hiểm
trừ phi liễu ngộ vạn pháp, liễu ngộ Phật tánh. Nếu muốn làm được điều đó thì
hãy tự xét lại căn cơ xem tự thân là người tiệm tu hay đốn ngộ. Người tiệm tu
cần hành trì miên mật bảo nhậm bản tâm; người tu đốn ngộ sau khi nhận diện được
bản tâm tự tu, tự hành cho đến khi liễu ngộ hoàn toàn thì tu mà không tu, hành
mà không hành, không hành mà hành.
- Tôi tin lời đức Phật Thích Ca nói: Chúng sinh
ai cũng có Phật tánh (bản chất của cái vô cùng, điểm linh quang của Thượng đế
theo đạo Cao Đài, bản lai diện mục, Chơn Tâm…) .
Chú bỏ cái hiểu
của đạo Cao Đài đi. Tôn giáo này là một bản photo, góp nhặt giáo lý các tôn
giáo khác 1 cách không hoàn chỉnh, rơi vào đó càng rối trí thêm. Nếu liễu ngộ
thì họ đã không đem thánh thần, thiên địa, Phật,… đặt cả lên bàn thờ và đưa
thượng đế làm chủ tể của muôn vật; Rồi vẽ bày Phật tánh là điểm linh quang của
thượng đế, còn trói con người với thượng đế thì việc giải thoát quá xa vời.
Do đó chỉ cần nhận lại Phật tánh và sống với Phật
tánh là đạt được ý nguyện của kiếp nhân sinh. Nhưng đó chỉ là sự hiểu biết bằng
trí óc (vẫn là dựa trên sinh diệt) chứ thật ra bấy lâu tôi vẫn cứ loay hoay.
Tôi như con côn trùng cứ cố sức bay ra khỏi phòng nhưng không tìm được cửa mà
cứ đâm đầu vào vách!
Và đến đây thì
chú đã tự khẳng định về điều chú nói trước đó “chỉ cần nhận lại và sống bằng
Phật tánh mà không cần phải hành trì” là có điều chưa ổn. Phải chăng chú tin
mình có Phật tánh mà chưa sống được? Thế nên pháp xuất thế gian chẳng thể dùng
cái hiểu biết, tư duy chủ quan mà thâm nhập được, chú Hải à! Chú đã hội đủ rất
nhiều yếu tố để vượt khỏi luân hồi như sự tín tâm Phật tánh, tin nhận có thế
giới vô hình,… Tuy nhiên, chính cái biết chưa thông suốt đang trói chú. Trong
cái biết của chú có những cái đúng, có những cái sai, chú cứ thong thả gạn lọc
lại, khi nhận ra những cái sai là chú sẽ có được cái đúng. Và với một sự khách
quan chú hãy xem sách của cháu rồi cho cháu biết chú tìm được gì hay không thấy
có gì mới so với những gì chú đã biết. Những điều gì chú cảm thấy chưa ổn,
những gút mắc chú cứ trao đổi thẳng thắn với cháu. Cháu sẽ cùng chú mở những
nút thắc đó. Đạo Phật là đạo hiểu biết vì thế hãy dùng sự hiểu biết để khai mở
những điều chưa rõ về con đường giác ngộ giải thoát hoàn toàn.
Tôi lại nghe nói tâm yên thì Phật tánh hiển lộ.
NHƯNG LÀM CÁCH NÀO TÂM YÊN?
Đây là câu nói
đúng nhưng hơi vụng. Nó tựa như câu tâm bình thường thị đạo nhưng thế nào là
tâm bình thường thì lại không nói rõ khiến người chẳng biết đường hành.
Tôi không biết tu có cần phải ngồi thiền hay không.
Ngồi là ngồi bao lâu và khi ngồi phải làm gì, để tâm yên hay quán xét một vấn
đề gì. Còn lúc không ngồi đi, đứng, nằm)
thì phải tu như thế nào. Lúc đối diện với sắc (hình ảnh, màu, nam nữ, tiền
bạc…), thanh (tiếng xe cộ, chửi rủa, khen chê, tiếng nhạc êm đềm, âm thanh chát
chúa…), hương (mùi thơm, thối, mùi tóc, mùi thức ăn…), vị (mặn, ngọt, chua,
cay, đắng…), xúc (sự tiếp xúc của thân này với tất cả các đối tượng )… thì phải
tu như thế nào, phải sống như thế nào mới có thể trực nhận được chân lý??? Thật
sự đây là một vấn đề quá hóc búa cho con người. Và với cá nhân tôi dù đây
là chuyện tôi đã lưu tâm từ lâu vẫn không thể bước thêm một ly nào…
Lục Tổ Huệ Năng
đã từng nói tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền,… là nhị pháp còn Phật pháp là
pháp bất nhị. Dù vậy Lục Tổ không khiến người tu không ngồi thiền mà là đừng
quá chấp chặt việc ngồi thiền. Thế nên việc ngồi thiền là tùy thuận, có điều
kiện thì ngồi, ít nhiều, thời gian là tùy thuộc vào hoàn cảnh mỗi người. Việc
ngồi thiền giữ tâm lặng lẽ, lắng tâm sẽ giúp trí não khỏe mạnh, thân thể máu
huyết cân bằng sẽ góp phần khai mở cái biết sáng rõ, đúng mực về con đường giải
thoát hoàn toàn. Những lúc không ngồi thì “Tâm bình thường là đạo”, sắc thanh
hương vị xúc là cảnh, cảnh vốn vô thường thì đừng tham đắm cảnh mà khiến tâm
cũng vô thường, vọng tâm làm chủ, thường sống bằng vọng tâm sẽ hiển bày tham
sân si mạn nghi là những tánh biết dính mắc khiến con người trôi nổi trong lục
đạo… Chú cứ giữ tâm bình thường, an nhiên thì về sau chú sẽ nhận biết mình đã
tiến xa chứ không chỉ là bước thêm vài ly. Điều quan trọng ở cái biết, trí tuệ
khai mở và phải hằng sống với cái biết đúng mực, sáng rõ - Tâm bình thường là
đạo.
Cho nên nghe anh viết, trình bày và xác nhận rằng
anh đã đến nơi Phật Thích Ca đến, tôi hết sức vui mừng. Xin anh chẩn bệnh và
bốc thuốc cho tôi để được tỉnh mộng thực sự, tỉnh mộng hoàn toàn. Tôi nguyện
khi tỉnh thức sẽ đem mọi khả năng để tìm người thực tâm muốn trở về nhà, tìm
mọi cách để họ có thể về được quê xưa như mình.
Cháu rất trân
trọng tâm nguyện của chú. Vì thế cháu sẽ làm mọi cách có thể những mong chú đạt
thành sở nguyện nhưng chính chú mới là người tự giải thoát cho chính mình. Tuy
nhiên, cháu lại thêm một lần nữa khiến chú rối trí 1 chút. Thật không có nhà,
không có quê xưa để về. Vì nếu còn muốn tìm về quê xưa, nhà cũ thì còn trôi nổi;
vấn đề chỉ là sự dừng lại hay tiếp tục đi trong luân hồi mà thôi.
Không sai, cháu
có nói đã đến nơi Phật Thích Ca đã đến. Đó là khi cháu nhận lại tánh giác. Khi
rõ biết và sống với tánh giác thì có nơi nào người học Phật không đến được, 3
cõi ra vào tự tại, thường sống nơi niết bàn. Dù vậy niết bàn không phải là cảm
giác thăng hoa, thoát tục, thơi thới mà chú đã từng tiếp xúc. Đó chỉ đơn giản
là thường an lạc tịnh.
Cháu chỉ mới 35
tuổi thôi, chú cứ xem gọi cháu là con hay cháu gì cho phải lẽ. Chúc chú khỏe
mạnh và sớm khai mở nguồn tâm, sống được nơi chân như.
…
Phải chăng chú
đã 64 tuổi? Thế thì chú càng nên quen dần với việc buông bỏ thì sẽ tốt hơn.
Cánh cửa cuối đường hầm và Dứt Phàm Thành Thánh có lẽ sẽ có chút ít giá trị đối
với chú.
Thật ra con
người còn sống là còn vướng cảnh là việc rất bình thường. Có điều vướng nhiều
hay vướng ít, biết đến Phật tánh là phải biết buông bỏ, buông bỏ từ từ, từng
chút một và rồi đời sống ngày càng thảnh thơi, an lạc hơn. Việc chú bị trôi
theo những suy nghĩ viển vông là điều dễ hiểu vì chú đang sống kia mà. Nhưng
chú hãy rèn luyện sự tỉnh thức đừng dính mắc vào những suy tư viễn vông đó, cái
nào làm được thì làm; không làm được thì bỏ đi. Sự hiểu biết tự tánh vạn pháp
sẽ có ích cho chú. Chú cứ tham khảo sách của cháu qua 1 lượt rồi xác định lại
“cháu có chỗ để dùng không?” và trao đổi thêm. Nếu chú thấy cháu có chỗ không
ổn thì chú cứ thẳng thắn chỉ rõ. Cám ơn chú đã liên lạc!
Bài liên quan
- Lật ngửa quân bài ở Ván bài Biển Đông
- Làm sao mua nỏ thần hay việc bán rẻ lòng tin? (P.3)
- Làm sao mua nỏ thần hay việc bán rẻ lòng tin? (P.2)
- Làm sao mua nỏ thần hay việc bán rẻ lòng tin? (P.1)
- Lạm bàn về biểu tượng lá cờ
- Không mở lời, người bảo “Đồ Câm” (P.2)
- Không mở lời, người bảo “Đồ Câm” (P.1)
- Khoa học bệnh hoạn
- Kẻ rao bán linh hồn (P.6)
- Kẻ rao bán linh hồn (P.5)
- Kẻ rao bán linh hồn (P.4)
- Kẻ rao bán linh hồn (P.3)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét