Lý Giải Hiện Trạng Các Lão Thiền Sư Bị Đột Quỵ… (P.1)
Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019
Ở bài viết có link:
https://www.facebook.com/groups/1584059648562689/permalink/2032785350356781/,
thành viên Kim Khanh Rosenfeld có đặt câu hỏi:
- Tại sao một Thiền Sư như Thích Nhất Hạnh cuối đời lại thế? Đúng ra Thiền thì bộ não phải lành mạnh chứ?
Cảm ơn Kim Khanh Rosenfeld đã có câu hỏi phá nghi rất hay!
Để trọn vẹn nội dung bài viết Ngạo Thuyết sẽ kể Kim Khanh
cùng các bạn một câu chuyện khá dài về nhân duyên của Ngạo Thuyết đối với các
vị Tăng Bảo danh tiếng đương thời.
Như đã từng nói nhiều lần, cách đây gần 10 năm Ngạo Thuyết
mới biết đến kinh sách nhà Phật. Thuở ấy Ngạo Thuyết khờ nhiều nên vào chùa
làng định bụng sẽ xuất gia. Chùa làng – sư quê, sư xuất gia nửa đường do yêu
cầu cấp bách phải giữ chùa nhà nên tri kiến Phật học của sư thầy hạn chế rất
nhiều. Cũng may Ngạo Thuyết có quen một vị cư sĩ tại gia có khá nhiều kinh
sách, đặc biệt là kinh sách Bắc Tông; Kinh điển Nam Tông vị cư sĩ này sau khi
tham cứu qua có phần xem nhẹ, thế là Ngạo Thuyết mượn được 1, 2 quyển kinh
thuộc bộ Trường A Hàm – Nam Tông, Kinh Đại Bát Niết Bàn, Kinh Địa Tạng – Bắc
Tông,…
Ngạo Thuyết xem kinh mà không có người chỉ dạy cũng có cái hay, cái dở của nó. Khi đó, Ngạo Thuyết rất sợ phạm thượng nên xem kinh cẩn thận không dám bỏ chữ, kinh sách nhà Phật luôn để trên cao, kính cẩn uy nghi. Tuy nhiên, mỗi khi xem kinh sách Nam Tông Ngạo Thuyết rất ngán sự lập lại 3 lần cho mỗi câu hỏi, câu đáp (Có thể xem đây là thủ pháp Tam Đoạn Trùng Tuyên của kinh điển Nam Tông). Ở chùa giai đoạn dòm ngó “chân cẳng”, Ngạo Thuyết ít nhiều có sự hạn chế về thời gian nên Ngạo Thuyết dần phát chán lối Tam Đoạn Trùng Tuyên và chuyển qua lối xem thoáng. Kinh điển Nam – Bắc Tông gì ít nhiều đều có những yếu tố siêu hình, Phật Thích Ca được khắc họa ra với rất nhiều quyền phép, thông thiên, triệt địa, biết cả 3 thời. Thật vi diệu!
Sau đấy, Ngạo Thuyết rời chùa với chút hoài nghi về quyền
phép của những vị Phật, song Ngạo Thuyết cũng không để tâm đến điều đó là mấy.
Rồi một dịp tình cờ Ngạo Thuyết được nghe một chương trong quyển Đường Xưa Mây
Trắng do thầy Thích Nhất Hạnh phóng tác, lối viết gần gũi, rất thơ về cuộc đời
Đức Phật. Ngạo Thuyết đã nghe tác phẩm Đường Xưa Mây Trắng rất nhiều lần và
chia sẻ cho nhiều người cùng nghe.
Qua ngòi bút của Thiền sư Nhất Hạnh, Đức Phật trở nên rất
hiền hòa, rất gần gũi, những siêu hình, huyễn hóa về một vị Phật Quyền Năng vô
hình chung đã chết trong lòng Ngạo Thuyết.
Lúc bấy giờ, Ngạo Thuyết rất thần tượng thầy Thích Nhất Hạnh
và có dịp tìm hiểu phân định rõ ràng hơn về Nam Tông – Bắc Tông, Thiền – Tịnh –
Mật,… biết rằng mình thích sự tĩnh lặng của thiền định nên Ngạo Thuyết lưu tâm
đến Thiền Tông nhiều hơn.
Cũng như phần đa người học Phật chân chính, Ngạo Thuyết
hướng đến kinh sách, hành trạng của những Thiền sư danh tiếng đương thế, khi
ấy, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thích Thanh Từ là hai danh sư mà Ngạo Thuyết mong
mỏi được gặp và tham vấn về những gút mắc việc hành thiền, về những gút mắc tâm
linh.
Ngạo Thuyết được biết sau biến cố Làng Mai – Lâm Đồng, Thiền
sư Nhất Hạnh bị cấm đoán việc về nước; Thiền sư Thanh Từ thì Ngạo Thuyết còn
lưỡng lự nên chưa ghé viếng thăm.
Qua tham khảo một ít kinh sách, giáo lý, lời tự sự của hai
vị danh sư đương thế Ngạo Thuyết đã từng có lúc tin rằng hai vị Tăng Bảo danh
tiếng này đã chứng ngộ, đã đắc pháp. Tuy nhiên, trải qua mấy phen sương buốt
lạnh cùng thiền định tri kiến Phật học của Ngạo Thuyết đã thoát thai và chợt
nhận ra các bản dịch giải kinh sách của hai vị danh sư không có sự thanh thoát,
có một sự ứ trệ, bế tắc ở sở hành, sở đắc của hai vị danh sư. Thầy Nhất Hạnh bị
trói chân ở tỉnh thức, ở thực tại hiện tiền; Thầy Thanh Từ bị chững lại ở cái
hằng thấy, hằng biết chẳng có ngày ra.
Xem sách của hai vị đương thế danh sư còn có ít nhiều sự
thoát đạt, song khi tham cứu các bản dịch kinh của hai ngài sẽ dễ dàng thấy ý
từ chẳng thoát tục, rất cứng nhắc, tù túng. Có dịp Ngạo Thuyết xem bản dịch
Kinh Dấu Chân Voi (Đạo Bụt Nguyên Thủy) do thầy Nhất Hạnh dịch giải Ngạo Thuyết
có một sự đượm buồn – nuối tiếc, lại xem bản dịch Kinh Kim Cang, Bát Nhã Ba La
Mật Đa Tâm Kinh của thầy Thanh Từ để Ngạo Thuyết biết rằng có lẽ mình phải tự
đốt đuốc mà đi thôi, bởi lẽ hai danh sư đương thế, đặc biệt là Thần tượng thầy
Nhất Hạnh đã để lại trong ta một sự ngậm ngùi.
…
Lúc bấy giờ Ngạo Thuyết tập tành viết sách và đã cho ra đời
quyển sách đầu tay – Hãy Là Đường Xưa Mây Trắng Bay… Đã có những chướng ngại về
việc phát hành sách, Ngạo Thuyết phải mấy phen ra bắc, vào nam.
Nghe lời khuyên của một người bạn Ngạo Thuyết tập tành viết
blog để truyền tải chút hiểu biết Phật học của mình, do nhân duyên đó Ngạo
Thuyết mới lọ mọ vào các trang mạng tham khảo những thông tin cần thiết. Một
dịp tình cờ được biết thầy Nhất Hạnh lập ra những Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan
Cầu Siêu Chiến Sĩ Trận Vong và thầy xúng xính trong những bộ lễ phục sặc sỡ, xa
hoa, Ngạo Thuyết biết rằng thần tượng một thời trong ta giờ đã chết. Cầu siêu,
giải hạn, cúng sao… những việc làm đó Như Lai chưa bao giờ tán thán, xiểng
dương; Áo lộng xênh xang, chuông khánh ru hồn,… đó là những việc làm của người
chưa ngộ.
…
Có một dịp, một người em nhờ Ngạo Thuyết cùng đi Thiền Viện
Trúc Lâm Phụng Hoàng ở Đà Lạt, thâm ý của người em là muốn xuất gia theo hệ
phái Thiền Trúc Lâm. Khi đó, Ngạo Thuyết cũng thầm mong có dịp lễ bái sư ông
Thanh Từ, tùy duyên hỏi đáp Phật pháp. Song lên đến nơi chỉ gặp các thầy Tri
Khách, Trị Sự, Tăng Tu,… người em hỏi việc xuất gia tại chùa nhưng xem ra rất
khó khăn. Muốn xuất gia ở lại Thiền viện phải có người quen biết giới thiệu,
khi ấy, học nhân mới được công quả tập tu. Duyên gặp sư ông nghe chừng rất khó,
trong khi chờ đợi Ngạo Thuyết đi lại viếng cảnh chùa, ghé sang nhà bảo tàng của
Thiền viện, tình cờ bắt gặp tượng bán thân của sư ông Thanh Từ chợt nghe trang
Kinh Kim Cang vỡ vụn – Phàm Sở Hữu Tướng Giai Thị Hư Vọng.
Tăng Bảo đã chứng ngộ hiển nhiên phải chi trì hộ pháp. Lời
nói phải đi đôi với việc làm, đó là điều mà giới Tăng Bảo phải bảo nhậm.
Người tại gia có thể tùy tiện một chút; Người xuất gia với
vị trí đặt để là thầy của Trời – Người nên không thể buông lung bởi lẽ ở trên
trông xuống, người bên trông vào.
…
Người em trai ấy không có duyên với Thiền Phái Trúc Lâm, đã
có lúc “để mắt” đến Pháp Truyền Tâm Ấn của bà Thanh Hải Vô Thượng Sư, nhưng sau
đã theo về pháp hành của vị thầy Thích Thông Lạc, và từ đó cũng chìm đắm trong
những cực đoan, kiến thủ.
Ngạo Thuyết lại được nghe rằng sư Thông Lạc cũng lưu lại
khối tượng bán thân. Cái chết của vị sư này cũng có nhiều điều khuất tất, thật
giả khó phân. Chỉ nghe nói lại rằng sư tịch rất nhẹ nhàng, sư Thông Lạc mất non
nửa ngày thì chư Tăng Ni nơi Tu Viện Chơn Như mới được biết phong phanh. Và có
thông tin nội bộ rằng sư Thông Lạc gần như bị quản thúc - nội bất xuất, ngoại
bất nhập trong một khoảng thời gian ngắn mấy mươi ngày trước khi mất, dự là sư
Thông Lạc đã không chế định ra việc này.
Sau khi sư Thông Lạc mất, tờ giấy tạm xem như bản di ngôn
chế định người ngộ, kẻ thông trong số môn đồ, đệ tử của thầy Thông Lạc đã được
tuyên đọc cùng với sự cắt đặt ngôi vị trụ trì Chùa Am, việc làm đã tạo ra ít
nhiều sóng gió trong tông môn. Và rồi… người đi, kẻ ở. Chốn Tòng lâm xưa nay
không từng vắng những ưu phiền.
…
Thầy Thông Lạc mất rồi, Thiền sư Nhất Hạnh, Thiền sư Thanh
Từ lần lượt gặp sự cố về sức khỏe; Người bị đột quỵ, người bị xuất huyết não,
bệnh trạng diễn ra không chỉ một lần.
Quả thật là trong lòng Ngạo Thuyết luôn tôn quý, kính trọng
những vị Tăng Bảo xưa nay bởi lẽ họ là một trong ba viên ngọc quý giá Tam Bảo.
Ngạo Thuyết kính trọng Tăng Bảo không vì danh tiếng hay việc họ chứng ngộ mà vì
Tăng Bảo là những người đã hy sinh cuộc đời thế tục, dũng mãnh “cắt ái, ly
gia”, dấn thân học đạo, hoằng pháp, Tăng Bảo là những người có công rất lớn
trong việc giữ gìn Chánh Pháp Nhãn Tạng Như Lai – Pho Tam Tạng Kinh. Và Ngạo
Thuyết đã từng nhờ đến những trang kinh góp nhặt mà khêu sáng được những tăm
tối, vô minh của riêng mình.
Tuy nhiên, Ngạo Thuyết rất minh bạch trong việc tôn kính chư
Tăng, lẽ đúng sai nơi giới Tăng Bảo, Ngạo Thuyết luôn rạch ròi minh định. Đây
là việc không cô phụ người, không cô phụ chính ta; là báo đáp Phật ân của Người
muôn năm cũ.
Do đó, khi nghe tin các vị Thiền sư tôn kính gặp vấn đề về
não bộ dẫn đến những năm tháng cuối đời mất dần sự tự chủ nơi bản thân, lòng
Ngạo Thuyết đã chùn xuống. Những nỗi xót xa, những niềm thương cảm miên man…
Giá như… Đáng tiếc! Lẽ ra…
Việc đột quỵ, xuất huyết não của các vị Thiền sư đã mang lại
một tổn thất không dễ bù đắp đối với pháp môn Thiền Tông. Danh sư Thiền Tông
cuối đời lại không thể tự chủ đến đi, Cận Tử Nghiệp nặng nề khắc khoải… Biết sư
thầy 100 tuổi sẽ về đâu?
Những bài giảng, những công sức nỗ lực hoằng pháp của các
danh sư bị mai một ít nhiều bởi hiện tướng bệnh ở cuối đời mỗi người. Và với
pháp môn Thiền Tông thì yêu cầu đến đi tự tại còn khắt khe hơn nữa.
Việc hiện tướng bệnh ở Thiền sư đã làm ảnh hưởng rất nhiều
đến sự tôn nghiêm, tông phong của bản môn.
Do hiện tướng bệnh nơi tâm nên việc chứng ngộ hay chưa chứng
ngộ ở Thiền sư lẽ ra sẽ phải được xét lại, đây là việc đáng làm và nên làm để
chứng nghiệm lại hành trạng, pháp ngữ của Danh sư có khế hợp lời Phật, Ý Tổ hay
không? Nếu pháp ngữ Thiền sư để lại khế hợp lời Phật, Ý Tổ thì xác lập Tổ vị
cho Danh sư, và pháp ngữ của Người sẽ được gìn giữ, nghiêm cẩn lưu lại cho muôn
đời sau. Bởi lẽ pháp ngữ của Thiền sư chứng ngộ chẳng khác với lời Phật thuyết.
Nếu thật sự là Tông phong Thiền Tông thì rất nên làm như thế. Và đây chính là
sự khác biệt cứu cánh giữa Thiền Tông so với Mật Tông, Tịnh Độ Tông. Người học
Phật chân chính hướng đến vô tâm phải chạm đến khéo hay phân biệt chẳng sinh
lòng yêu ghét.
…
Lẽ ra … các vị danh sư (nói chung), danh sư Thiền Tông (nói
riêng) ngày nay khi tuổi hạc đã cao phải ý thức được việc giao lại việc dẫn dắt
Tăng sinh, quản trị Tự viện cho môn đồ có tâm, có tầm, đủ sức phục chúng gánh
vác. Việc tiếp đến danh sư cần làm là bế quan, ẩn tu ngõ hầu làm chủ việc xả bỏ
báo thân. Giả như … công phu tu tập vẫn chưa thành khối nhưng cũng không đến
nỗi hiện tướng bệnh gây hoang mang đồ chúng và người học Phật rất đổi kính tin
mình. Và việc bế quan, tạ khách cùng với việc không hiện tướng bệnh ngặt nghèo
sẽ không làm ảnh hưởng tôn nghiêm, đạo pháp của Tông môn.
…
Việc bế Quan – Tạ Khách, trước đây danh gia Phật môn lẫn Đạo
gia rất ưa dùng để bảo toàn sự oai nghiêm của Tông phong bản môn, đặc biệt
thường gặp ở lối Tu Tiên. Chỉ có những Thiền sư thực thụ hành trì đắc pháp Nhị
Thừa mới hiên ngang hoằng pháp, cho đến lúc hết duyên thì an nhiên thị tịch.
…
Thời Phật Thích Ca tại thế, việc Bế Quan – Tạ Khách, ẩn nhẫn
hành trì xả bỏ báo thân không được khuyên dùng. Và chính Phật Thích Ca cũng
không dùng việc xả bỏ báo thân theo pháp nhị thừa mà an nhiên sống đến cuối đời
thị hiện tất cả nỗi khổ của sinh già bệnh chết. Phật an nhiên sống với đại định
cùng với trí tuệ sáng tỏ muôn duyên.
Tại sao thời Phật Thích Ca tại thế không dùng đến pháp Bế
Quan – Tạ Khách mà ngày nay danh sư Tăng Bảo nên dùng?
Bởi lẽ tri kiến Phật học mỗi thời, mỗi khác. Khi Phật Thích
Ca tại thế tâm phân biệt Tông phong hệ phái, đạo giáo chưa nhiều, chưa sâu sắc;
Giáo lý Phật pháp sơ khai lại mộc mạc, giản đơn, gần gũi, không chú trọng, xét
nét đến yếu tố siêu hình; Trình độ mặt bằng chung của người học đạo thời ấy
không cao, do đó tính phân biệt thủ xả cũng không quá khắt khe, quyết liệt;
Việc tự chủ sinh tử vì thế cũng không bị đặt để ở thước đo chứng ngộ của hành
nhân. Và trên tất cả Phật Thích Ca đã là Giác Giả đắc pháp vô sanh với đại định
bất khả tư nghì thì đâu cần đến pháp xả báo thân của hàng nhị thừa.
Ngược lại, tri kiến Phật học ngày nay đã chế định, người
chứng ngộ phải tự chủ việc đến đi – sinh tử, người đắc pháp rồi tội diệt,
nghiệp tiêu, phước huệ viên mãn. Tất nhiên là những chế định ở người học Phật
sẽ không thật đúng vì đã là chế định thì lập tức rơi vào biên kiến Đoạn –
Thường, việc đánh mất lý trung đạo liền cách biệt với sự đúng mực của chánh pháp.
Tuy nhiên, do hành nhân – Thiền sư chưa chứng ngộ nên khó
biện biệt lẽ ngụy chân cho môn đồ, người học Phật tín tâm được rõ. Do vậy, với
những danh sư Tăng Bảo uy chấn Tông môn, việc sinh tử tồn vong của cá nhân sẽ
ảnh hưởng rất lớn đến đạo nghiệp hoằng pháp độ sinh của hệ phái Tông môn. Trước
việc “sống còn” của đạo pháp truyền thừa ở hệ phái bổn môn, danh sư Tăng Bảo
chân chánh hộ pháp phải ý thức được việc nên làm, cần làm.
- Một là khi tuổi hạc đã cao danh sư phải “Bế Quan – Tạ
Khách”, ẩn nhẫn hành hạnh tri túc, thiểu dục, hành trì viên mãn việc xả bỏ báo
thân, sống trọn vẹn cho chánh pháp.
- Hai là trong quá trình truyền đạo, hoằng pháp phải sắp xếp
được thời gian hành trì hợp lý ngõ hầu thành tựu cho được Pháp Diệt Tận Định
của hàng nhị thừa. Và sẽ tuyệt vời hơn nếu Thiền sư hành trì chứng ngộ pháp vô
sanh, nghiễm nhiên thành Giác Giả hộ pháp chốn tòng lâm, việc sinh tử tùy duyên
tụ tán.
(Còn
tiếp)
Bài liên quan
- Rác Rưởi Phật Môn – Thiền Tông Tân Diệu
- Phật A Di Đà sẽ độ sinh ở những đâu khi Phật Di Lặc hạ sinh?
- Luận bàn về việc sát sinh ở Đạo Phật
- Hỏi đáp cùng người em về việc "cắt ái, ly gia, học Phật" (P.1)
- Trả lời câu hỏi của một người bạn...
- Mở cửa tâm linh
- Nhân quả chẳng lầm
- Vì Sao Tăng Bảo Ngày Càng Đổ Đốn Đến Tệ?
- Vì Sao Giới Tăng Bảo Ngày Nay Phơi Bày Hiện Tướng Khuyết Tật, Bệnh Hoạn?
- Vì Sao Tăng Đoàn Trực Thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Rúng Động, Hoảng Loạn...?
- Chiết Giải Trực Luận Phật Đà
Không thể vì những hiện tượng nơi thân mà đánh giá trình độ giác ngộ của người tu...
Trả lờiXóaCho dù là Đức Phật thì vẫn phải chịu cái khổ của thân... Người tu hành giác ngộ giải thoát là thoát khỏi các kiết sử, thoát khỏi cái khổ nơi Tâm chứ không phải thoát khổ nơi thân xác... :)
Long Vương tin rằng mình biết đúng, biết đủ chứ?
XóaMỗi lần đọc là thấy rất gần gũi tác giả,cho dù bản thân chỉ là phàm phu nhỏ, chỉ hay góp nhặt hiểu biết thế gian,chứ tự thân chưa rõ. gần đây có sự kiện Chùa Thiền Tông Tân Diệu - nhờ tác giả một phen nữa giúp học giả có cái nhìn khách quan về vấn đề này
Trả lờiXóaCảm ơn Tuệ Vân đã đồng hành cùng blog Một thoáng phương Đông! Liên quan đến Thiền Tông Tân Diệu ở blog có bài viết Rác Rưởi Thiền Tông Diệu.
XóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Xóa