Quy Luật, Nguyên Tắc, Bản Chất Của Đạo Và Cuộc Sống (P.2)
Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2020
28
Tri kì hùng, thủ kì thư, vi thiên hạ khê; Vi thiên hạ khê, thường đức bất li, phục qui ư anh nhi.Tri kì bạch, thủ kì hắc, vi thiên hạ thức; Vi thiên hạ thức, thường đức bất thắc, phục qui ư vô cực.
Tri kì vinh, thủ kì nhục, vi thiên hạ cốc; Vi thiên hạ cốc, thường đức nãi túc, phục qui ư phác. Phác tán tắc vi khí, thánh nhân dụng chi, tắc vi quan trưởng, cố đại chế thập bất cát.
Người đạt đạo rõ biết là mạnh mẽ, quả cảm,… nhưng xử lý mọi việc lại thể hiện sự mềm mại, uyển chuyển; Giống như là làm khe nước trong trời đất; Như là khe nước cho nên có được cái đức huyền diệu, không rời xa đức thì sẽ trở về hồn nhiên như là đứa trẻ thơ.
Người đạt đạo rõ biết thế nào là tốt, là đẹp nhưng lại kham nhẫn nhận lấy phần xấu xa, thấp hèn, yếu kém, chê bỏ,… của người đời làm nguyên tắc sống trong thiên hạ; Sống theo nguyên tắc đó thì cái đức vĩnh cửu bất biến sẽ không sai lạc, không bị đứt gãy mà trở về với gốc, trở về bản thể đạo.
Người đạt đạo rõ biết vinh quang nhưng lại sống như là nhẫn nhục, chấp nhận làm chỗ thấp trũng của thiên hạ; Làm chỗ thấp trũng của thiên hạ thì cái đức vĩnh cửu bất biến sẽ tự đầy đủ, mà trở về mộc mạc như gỗ chưa đẽo. Gỗ chưa đẽo, tùy thuận mặc người xẻ ra mà làm thành đồ dùng; Người đạt đạo giữ sự thuần phác mà làm chủ mọi vật, không cố làm mà thành toàn được mọi việc. (Diễn theo nghĩa tu thân - tự học)
2
Thiên hạ giai tri mĩ chi vi mĩ, tư ác dĩ; Giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ.
Cố hữu vô tương sinh; Nan dị tương thành; Trường đoản tương hình; Cao hạ tương khuynh; Âm thanh tương hòa; Tiền hậu tương tùy.
Thị dĩ thánh nhân xử vô vi chi sự; Hành bất ngôn chi giáo. Vạn vật tác yên nhi bất từ, sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, công thành nhi bất cư. Phù duy bất cư, thị dĩ bất khứ.
Người đời cho rằng cái đẹp là đẹp, từ đó mà phát sinh ra quan niệm cái xấu; Người đời cũng phân biệt điều thiện là thiện, do đó mà phát sinh ra quan niệm cái ác.
Sở dĩ hình thành nên những quan niệm trên là vì có và không sinh ra nhau; Dễ và khó tạo thành nhau; Ngắn và dài làm rõ nhau; Cao và thấp dựa vào nhau; Sự im lặng và tiếng động hòa lẫn nhau; Trước và sau theo nhau.
Cho nên người đạt đạo xử sự mọi việc tùy thuận như thể là không chú ý, không quan tâm, không làm gì - vô vi; Nhưng lại dùng hành động, việc làm, dùng thuật không nói mà dạy dỗ, chỉ bảo mọi người. Người đạt đạo mặc nhiên, tùy thuận giúp mọi vật, mọi việc,… thành tựu mà không làm chủ, khéo thành toàn mọi việc mà không chiếm làm của mình, làm mà không tự cho rằng hay khéo, việc thành rồi thì không còn quan tâm, để mắt đến. Vì không quan tâm đến những việc đã hoàn thành, không để mắt đến những chuyện đã rồi nên mới có thời gian làm nhiều việc khác, nhờ vậy nên sự nghiệp mới còn mãi. (Diễn theo nghĩa tu thân - tự học)
8
Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh; Xử chúng nhân chi sở ố. Cố cơ ư đạo.
Cư thiện địa; Tâm thiện uyên; Dữ thiện nhân; Ngôn thiện tín; Chính thiện trị; Sự thiện năng; Động thiện thời.
Phù duy bất tranh, cố vô vưu.
Người hiền lành thì như là nước. Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào; Ở chỗ mọi người không thích. Ở chỗ thấp trũng cho nên gần với đạo.
Người có tâm hiền lành thì khéo lựa chỗ khiêm nhường; Lòng thì khéo giữ cho thâm trầm; Cư xử với người thì khéo dùng lòng nhân, yêu thương người; Nói thì khéo giữ lời; Giúp người bằng cả tấm lòng ngay thẳng; Làm việc cần mẫn, có hiệu quả; Có cách sống tùy thuận, hợp thời cuộc.
Chỉ vì không tranh với ai, nên không tạo ra lầm lỗi.
42
(42-2)Nhân chi sở ố, duy “cô”, “quả”, “bất cốc”. Nhi vương công dĩ vi xưng. Cố, vật hoặc tổn chi nhi ích, hoặc ích chi nhi tổn.
Những điều mà người đời không thích, ghét bỏ như là “côi cút”, “ít đức”, “không tốt”, vậy mà các bậc minh quân xưa lại dùng những ngôn từ đó làm danh xưng. Bởi vì các bậc vua hiền rõ biết quy luật của đạo: Mọi việc có khi giảm bớt mà hóa ra lại tăng thêm, ngược lại khi thêm vào mà thành ra bớt đi.
39
(39-2)Cố quí dĩ tiện vi bản, cao dĩ hạ vi cơ. Thị dĩ hầu vương tự vị cô, quả, bất cốc. Thử phi dĩ tiện vi bản dả? Phi dư? Cố trí dự vô dự, bất dục lục lục như ngọc, lạc lạc như thạch.
Không chỉ vậy, sang lấy hèn làm gốc, cao lấy thấp làm nền. Vì những nguyên do trên mà những bậc vua chúa xưa mới khiêm hạ xưng là cô - côi cút, quả - ít đức, bất cốc - không tốt (Dùng danh xưng đều là những lời khiêm tốn, giản dị). Có phải vì những ông vua sáng suốt thuận theo đạo đã rõ biết lấy hèn làm gốc ? Điều này có đúng không? Do đó mà biết khiêm hạ là đức tính cao quý nhất, vì vậy người học đạo không muốn được tôn trọng, trân quý như ngọc mà chỉ muốn được xem như là sỏi đá, là gạch vụn.
70
(70-2)Thị dĩ thánh nhân bị hạt hoài ngọc.
Cho nên người sống thuận theo đạo thà ăn mặc thô tháo, đơn sơ, giản dị mà ôm ngọc quí trong lòng - tức là giữ đạo.
23
(23-2)Tín bất túc yên, hữu bất tín yên.
Người nào không có đủ sự chân thật, thành tâm,… thì sẽ không được mọi người tin tưởng, coi trọng.
38
Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức; Hạ đức bất thất đức, thị dĩ vô đức.
Thượng đức vô vi nhi vô dĩ vi; Hạ đức vô vi nhi hữu dĩ vi.
Thượng nhân vi chi nhi vô dĩ v.
Thượng nghĩa vi chi nhi hữu dĩ vi.
Thượng lễ vi chi nhi mạc chi ứng, tắc nhương tí nhi nhưng chi.
Cố thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ. Phù lễ giả, trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ. Tiền thức giả đạo chi hoa; Nhi ngu chi thủy. Thị dĩ đại trượng phu xử kì hậu, bất cư kì bạc; Xử kì thực, bất cư kì hoa. Cố khứ bỉ thủ thử.
Người có đức thuận theo tự nhiên và không có ý cầu đức, cho nên có đức; Người kém đức không thuận theo tự nhiên, có ý cầu đức, cho nên không có đức.
Người có đức không làm - vô vi mà thật ra là không việc gì không làm, làm mà không có ý thức đang làm vì làm việc tùy thuận theo tự nhiên; Người kém đức thì thật ra không làm - vô vi mà lại tranh công do có ý nghĩ mình đã làm.
Người có lòng thương yêu giúp người thì việc giúp người xuất phát từ tấm lòng thành chứ không vì toan tính cá nhân, không nghĩ mình đã làm việc tốt; Người có lòng nghĩa hiệp thì làm việc nghĩa mà có dụng ý làm vì có sự cân phân nặng nhẹ giữa việc nên làm và việc không nên làm, để tâm đến việc tốt đã làm.
Người giữ lễ - coi trọng hình thức, nguyên tắc,… thì sống theo nguyên tắc, chú trọng thủ tục, lễ nghi,… và áp đặt, buộc người khác phải giữ lễ nghi giống như mình. Việc giữ lễ là sống theo khuôn khổ, lề lối, nguyên tắc,… đôi khi quá mức gây mất hết tình.
Thực tế là đạo mất rồi sau mới có đức, đức mất rồi sau mới có nhân, nhân mất rồi sau mới có nghĩa, nghĩa mất rồi sau mới có lễ. Lễ là biểu hiện cho sự suy vi trung hậu, thành tín, là đầu mối của sự hỗn loạn, rối ren cho xã hội. Lễ giống như là việc dùng sự tính toán để sắp xếp, toan tính mọi việc từ trước, làm mất đi sự chất phác, tự nhiên, là biểu hiện của sự giả tạo, gượng ép; Điều đó chỉ làm rối đạo do sự bày vẽ màu mè, rườm rà, phiền phức của lễ nghi, hủ tục; Lễ nghi, hủ tục chính là nguồn gốc của sự ngu ngốc và mê muội. Cho nên người hiểu đạo chỉ giữ sự trung hậu thành tín mà không trọng lễ nghi, hình thức; Giữ đạo chất phác, tự nhiên mà không dùng đến sự hào nhoáng, hoa mĩ của lễ nghĩa. Giữ gốc, giữ đạo mà không lệ thuộc vào tục lệ, lễ nghi của người đời.
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét