Chúng Ta Cầu Nguyện Đã Quá Lâu Rồi!
Thứ Ba, 2 tháng 2, 2021
Khi loài người vừa ra đời, loài người nào biết đến nguyện cầu. Như bao loài thú hoang loài người tìm kiếm cái ăn, chốn ở tạm bợ qua ngày. Thế thôi cũng một kiếp người.
Khi loài người khôn ngoan hơn, con người trở nên rụt rè hơn, hèn yếu hơn trước tự nhiên loài người bắt đầu biết đến những nguyện cầu.
Tín ngưỡng dân gian ra đời dần dần định hình thành các hệ thống tôn giáo khác nhau. Khi tôn giáo ra đời loài người được rao giảng rằng có những Đấng quyền năng như Thượng Đế, Thần Mặt Trời, Thần Sông, Thần Núi,...
Các Thần Linh sẽ can thiệp đến cuộc sống loài người, họ sẽ thưởng thiện, phạt ác, luận công ban đặc ân và đọa đày loài người với muôn vàn hình phạt ở chốn địa ngục, hỏa ngục tối tăm...
Loài người lúc bấy giờ chưa có đủ đầy sự hiểu biết về vụ trụ, về nguồn gốc con người cùng muôn vật; Lúc bấy giờ do suy lường loài người đã "ép" cho ra đời những Đấng quyền năng vô hình cái chức năng sáng tạo ra loài người cùng muôn loài và rồi thả mọi loài xuống trần gian để học khôn. Về sau... chỉ có những người có tâm hướng thượng, thánh thiện làm những điều lành và năng nguyện cầu, tín thành lễ lạy sẽ được các Đấng quyền năng đón về cùng ngụ cư có cuộc sống đời đời phú túc.
Như bao hệ thống tôn giáo cổ xưa khác, tín ngưỡng dân gian ở các nước quanh lưu vực sông Hằng thuở thời Thái tử Tất đạt đa sinh ra cũng có những niềm tin rằng việc làm lành, lánh dữ, tín thành cầu nguyện, sám hối, lễ lạy và tham gia các buổi lễ Thánh tẩy, ngâm mình trên dòng sông Hằng, uống nước của dòng sông linh thiêng này và phải là giai cấp Bà La Môn thì mới có cơ may hợp thể cùng Đấng Đại Phạm Thiên - Brahma, chấm dứt đời sống luân hồi đầy đau thương của những linh hồn bất định.
Thái tử Tất đạt đa xuất thân ở giai cấp Sát đế lợi quyền quý nhưng giai cấp Sát đế lợi không có được đặc ân hợp thể cùng Brahma. Thái tử Tất đạt đa là người sớm thấu hiểu nỗi đau của loài người, cái chết của hoàng hậu Ma da ngay sau khi sinh đã ám ảnh cả cuộc đời Thái tử Tất đạt đa kể từ khi Thái tử Tất đạt đa nhận biết con người rồi sẽ sinh già bệnh chết. Cái chết của người mẹ, hoàng hậu Ma da là một đả kích rất lớn đối với Thái tử Tất đạt đa khiến Người trở nên rất nhạy cảm trước những khổ đau, Người móng cầu việc thoát khỏi luân hồi bằng việc tìm tòi, học hỏi mọi giáo lý tôn giáo đương thời. Thái tử Tất đạt đa đã tham gia những buổi lễ Thánh tẩy cùng chí thành cầu nguyện, Thái tử Tất đạt đa đã từng ngâm mình hàng giờ trên dòng sông Hằng linh thiêng nhưng giềng mối xác thực việc chứng ngộ hợp thể Brahma vẫn là sự mông lung - những nỗi niềm vô vọng.
Từ bỏ giai cấp Sát đế lợi vương giả, Tất đạt đa hòa mình vào giai cấp Bà la môn, Sa môn,... để đi tìm lối thoát khỏi luân hồi. Tất đạt đa tín thành thọ trì và chuyên tâm thực hành những pháp hành được cho rằng lợi lạc, thù thắng nhất cho việc chứng ngộ giải thoát nhằm tìm lối hợp thể cùng Brahma. Song mọi nỗ lực hành trì của Tất đạt đa đều bế tắc ngay chính vị trí Đấng Đại Phạm Thiên Brahma - Brahma là ai vì sao lại có thể sống đời trường cửu và có những quyền năng dường như vô hạn? Brahma dường như không có thật, Đấng Brahma dường như chỉ tồn tại trong tâm tưởng của những tín đồ cũng như của các vị giáo chủ dẫn dắt tâm linh loài người.
Lặng người vì những phát kiến táo bạo, Tất đạt đa đi tìm dấu Đấng Brahma, tìm dấu mọi sự vật, hiện tượng - vạn pháp ngõ hầu xét lại có phải Brahma đã tạo ra vạn pháp. Công trình thiền quán vĩ đại của Tất đạt đa mở ra một chân trời mới - Một sự hiểu biết mới mẽ, sáng rõ - Không có một Đấng Phạm Thiên hay một Đấng Quyền Năng nào đã tạo ra loài người và muôn vật cả. Mọi sự vật, hiện tượng trong trời đất bao gồm cả loài người và muôn vật chỉ do đất nước gió lửa hợp thành, đủ duyên thời hợp, hết duyên thời tan. Dẫu tan hay hợp thì đất nước gió lửa vẫn vẹn nguyên là đất nước gió lửa. Chẳng có gì sinh ra, chẳng có gì là mất đi cả, vì ta mắc kẹt ở ý niệm sinh ra và mất đi nên ta mãi hoài trôi lăn trong luân hồi sinh tử với vô vàn muộn phiền, đau khổ, vui sướng trả vay... Tất đạt đa tiếp tục hành trình tìm lối thoát ngõ hầu vượt thoát sinh tử luân hồi.
Sau khi thành tựu việc chứng ngộ viên mãn Tất đạt đa vì đoái thương muôn chúng sinh đọa lạc trong vòng lẩn quẩn luân hồi sinh tử đã gióng lên hồi trống chánh pháp chỉ bày cho nhân loại biết đến việc chứng ngộ vô sanh. Tất đạt đa lúc bấy giờ rõ biết việc cầu nguyện, lễ lạy, tế tụng, sám hối,... của loài người sẽ không mang lại sự bình yên cho nhân loại, không làm đá cuội nổi lên, không làm bơ sữa chìm xuống.
Trong Phẩm Thôn Trưởng, Kinh Tương Ưng Bộ IV, Phật đã chỉ dạy tín đồ rằng:
"Có người lấy một tảng đá lớn ném xuống một hồ nước sâu. Rồi một hôm quần chúng đông đảo tụ họp lại cầu khẩn, tán dương, chắp tay đi cùng khắp và nói rằng: “Hãy đứng lên, tảng đá lớn! Hãy nổi lên, hãy trôi vào bờ, này tảng đá lớn!”. Ông nghĩ tảng đá lớn ấy do nhân cầu khẩn, tán dương, chắp tay đi cùng khắp của họ mà có thể trồi lên, nổi lên hay trôi dạt vào bờ không?”
Lại nữa, Phật Thích Ca lại chỉ bày:
"Có người nhấn chìm một ghè sữa đông hay một ghè dầu trong hồ nước sâu rồi đập vỡ ghè ấy. Ghè ấy vỡ thành từng miếng vụn và chìm xuống nước còn sữa đông hay dầu thì nổi lên. Rồi một hôm quần chúng đông đảo tụ họp và cầu khẩn: “Hãy chìm xuống này sữa đông và dầu!”. Ông nghĩ sữa đông và dầu ấy do nhân cầu khẩn của họ mà có thể bị chìm sâu xuống tận đáy không?”.
...
Phật đã dạy như thế để cho người đời cùng người học đạo thấu tỏ rằng việc cầu nguyện để thành tựu những điều vô lý là việc làm vô ích và đó là việc làm của những người u mê, hoang tưởng.
...
Về sau có bậc trí giả dụng phương tiện nhằm dẫn dắt nhiều người hơn biết đến đạo lý giác ngộ giải thoát đã loan truyền với đại ý rằng:
Việc cầu nguyện sẽ có thể làm cho tảng đá, mảnh vụn của cái ghè bị đập vỡ nổi lên khi ta đặt tảng đá, những mảnh ghè vỡ lên trên một chiếc bè.
Phương tiện dẫn dụ người mê tìm về chánh pháp đấy đã dẫn dụ được rất nhiều người tìm đến đạo lý giác ngộ giải thoát. Đáng tiếc là lẽ ra thông qua phương tiện người học Phật sẽ tiếp cận được giáo lý giác ngộ giải thoát và rồi dần sáng ra, phát khởi chánh trí,; Đằng này phương tiện chiếc bè lẽ ra trợ duyên giúp người qua sông lại trở thành sợi dây trói gô cổ những con bò. Đáng buồn hơn nữa là những người mang danh nghĩa truyền nối, gìn giữ pháp Phật - Những vị Tăng Bảo cũng ngộ nhận, không hiểu thấu đáo phương tiện đã tự đưa đầu mình vào thòng lọng bỗng chốc hóa hiện thành những con bò ngu ngơ. Và chiếc thòng lọng đang thắt chặt dần.
Do lầm mê mà người học Phật lẫn người truyền pháp đã không nhận ra rằng không phải khi đặt chiếc bè trên sông và con người tín thành cầu nguyện thì tảng đá, những mảnh ghè vỡ nổi lên và nằm trọn trên chiếc bè. Vì thế vốn dĩ tảng đá và những mảnh ghè vỡ muốn nổi được trước đã được đặt trên chiếc bè chứ không phải do công năng chú nguyện, lễ lạy, làm phước, phóng sanh mà tảng đá, những mảnh ghè vỡ chìm tận đáy sông đã nổi lên. Phật lại nói "Phật không thể ban phước, giáng họa cho bất kỳ ai", cớ sao người học Phật ngày nay ngày càng vô minh quá đỗi.
...
Chúng ta cầu nguyện đã rất lâu lắm rồi. Thực vậy, không phải mãi đến khi Phật ra đời con người mới biết đến việc cầu nguyện mà thực tế là ngay từ thời cổ xa xưa hơn nữa, khi những tín ngưỡng dân gian manh múng định hình thì con người đã biết quỳ mọp, lễ lạy và cầu nguyện.
Và trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của loài người, con người đã miệt mài cầu nguyện. Con người không chỉ cầu nguyện ở Ông Trời, ở Thần Linh, ở Phật, Bồ tát mà con người còn cầu nguyện tất cả Thánh, Thần, Chúa,... nhẫn đến ma quỷ, A tu la....
Và loài người đã cầu nguyện rất tín thành, không chỉ tín đồ đạo Phật năng lễ lạy, cầu nguyện mà tín đồ Kì Na giáo, Hindu giáo, Hồi Giáo, Do Thái giáo, Kito giáo,... đều đã rất tín cẩn lễ bái cầu nguyện trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của loài người.
Kết quả thì sao? Việc cầu nguyện không ngừng của loài người ở mọi loại hình tôn giáo, tín ngưỡng dân gian đã mang lại những hiệu quả đáng kể gì?
Loài người tín tâm tâm linh, tín tâm Trời, Phật, Quỷ, Thần, Thánh, Chúa,... ngày càng u mê, ngu muội, si ngốc hơn. Thực tế là việc cầu nguyện tín thành của loài người không làm cho băng ngừng tan chảy, không làm cho trái đất ngừng nóng lên, không làm cho những ngọn núi trọc, khô cằn bỗng trở nên phủ xanh màu xanh của cây rừng bạt ngàn, màu xanh của hy vọng,... Bão tố, lốc xoáy, bệnh dịch, núi lửa, sóng thần, động đất, mặt đất vẫn sụt lún,... ngày càng nặng nề, ngày càng nghiêm trọng cho dù loài người không ngừng cầu nguyện, lễ lạy, van xin.
Lòng tham của con người đã hủy hoại thiên nhiên, hủy hoại trái đất tất yếu sẽ hủy hoại loài người và muôn loài. Đời sống con người ngỡ được nâng cao lên nhờ những tiện nghi vật chất nhưng đồng thời con người đã đang và sẽ chìm sâu vào những lo toan, phiền muộn cùng với những bất toàn khó đoán,...
Chúa Jesus, Phật Thích Ca, Thánh Alah, Thượng Đế, và cả Ma, Quỷ, thậm chí đến Cái Chết, Sự Diệt Vong nhân loại cũng không thể ngăn chặn lòng tham của loài người thiếu hiểu biết, nông nổi nhưng tự phụ. Nhân lòng tham của con người không được giải trừ thì quả tan tác, đau thương và tàn hoại cho loài người, cho trái đất chẳng thể giải trừ.
Thiên địa bất nhân dĩ vạn vật vi sô cẩu - Trời đất không có tình người xem vạn vật như chó rơm, không thương không ghét. Việc cầu nguyện há lại có thể khiến vật đổi, sao dời ư?
Phản giả đạo chi động, nhược giả đạo chi dụng; Thiên địa vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô - Luật vận hành của đạo là trở lại lúc đầu [trở về gốc], diệu dụng của đạo là lặng lẽ mà tiếp vật; Vạn vật trong thiên hạ từ “Có” mà sinh ra; “Có” lại từ “Không” mà sinh ra.
...
Nhân quả chuyển dời chẳng do cầu nguyện, phóng sanh, làm phước mà được. Nhân quả khách quan tự xưa đến nay theo lẽ đạo mà thành tựu.
...
Có câu "Một câu niệm Phật phước báu vô lượng"; Lại có câu "Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa". Chúng ta cầu nguyện, chúng ta niệm Phật, chúng ta lạy Phật đã rất lâu rồi, đã bao đời, bao kiếp và chúng ta đều biết nhân loại cùng muôn loài đang chìm sâu vào những khốn cùng, những nghiệt ngã đến đau thương.
Lẽ nào hà sa người học Phật bao đời nay niệm Phật chưa đủ, lạy Phật chưa đúng, hay việc tín thành cầu nguyện ở người học Phật chưa trọn vẹn?
Lại nói sám hối không phải ở môi miệng mà là miệng trì, thân tâm chuyển. Khi đấy, nhân thay tất quả đổi. Ngay cả việc sám hối người học Phật ngày nay còn chưa thấu tỏ, miệng tụng; thân tâm chẳng hành lại cầu nguyện đông tây; Người học Phật ngày nay quả thật là quá ư mê muội.
...
Thôi được! Em vẫn ngồi đó nguyện cầu. Đã rất lâu rồi Ngạo Thuyết không cầu nguyện. Hôm nay, Ngạo Thuyết sẽ ngồi xuống nguyện cầu cùng em. Nào chúng ta hãy cùng chắp tay cầu nguyện. Nhưng em ơi! Ngạo Thuyết biết rằng những lời cầu nguyện suông sẽ không thể đẩy lùi thiên tai, dịch bệnh vậy nên chúng ta hãy nguyện cầu rằng "Nguyện cho người học Phật sớm hiểu thấu nhân quả trả vay, biết được rằng quả mà nhân loại và muôn loài đang hứng chịu những tổn thất, những đau thương, tang tóc hiện nay chính do bởi nhân là lòng tham, là tâm tà vạy, si mê của loài người. Nguyện cho loài người sẽ sớm tiếp cận được chánh trí Như Lai ngõ hầu nhận ra, rõ biết những mê lầm kịp thời sửa sai hiệu quả, giảm trừ tham đắm những mong nhân thay, quả chuyển - Sự sống trên hành tinh rồi sẽ vãn hồi, bền vững hơn; Loài người và muôn vật rồi sẽ ít đau thương, ít khốn cùng hơn".
Bài liên quan
- Ngạo Thuyết Nói Về Sự Sống Sau Cái Chết - Tri Kiến Khởi Tri (P. 1)
- Ngạo Thuyết Nói Về Cái Chết - Tri Kiến Khởi Tri
- Ngạo Thuyết Mạn Đàm Về Cái Chết - Tri Kiến Khởi Tri (P. 2)
- Ngạo Thuyết Mạn Đàm Về Cái Chết - Tri Kiến Khởi Tri (P. 1)
- Giải Mã Ngoại Đạo
- Thực Tướng Như Lai
- Tất Đạt Đa Đã Hành Thiền Như Thế Nào Để Chạm Đến Sự Giác Ngộ...
- Câu Chuyện Hoằng Pháp - Tình Cờ Gieo Duyên
- Bóc Tách Pháp Môn Khán Thoại Đầu
- Tham Vấn Về Tâm Bình Thường Thị Đạo
- Thêm Một Chút Về Thiền Quán
- Thêm Một Chút Về Thiền Định
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét