Hãy Là Người Học Phật Có Tư Duy
Đây là thông điệp thứ hai mà Ngạo Thuyết muốn gửi đến tất cả các bạn, những người có dịp qua lại hoặc biết đến kênh Giải Mã Đạo Phật.
Tuy nhiên, nếu bạn chỉ là người muốn thoát ra khỏi những khổ
đau, phiền muộn nhất thời và không còn thời gian để học hỏi Phật pháp thì hãy
bỏ qua việc tư duy học Phật. Bạn hãy giữ lại những tín tâm có được về đạo
Phật! Hãy hành trì pháp mà bạn đang thọ trì điển hình như niệm Phật, niệm Bồ Tát, Tham
Thoại Đầu, Trì chú, hay thực hành pháp Quán Tứ Niệm Xứ,...
Một khi bạn đã tín tâm hoàn toàn, tín tâm đến mức không còn chút
hoài nghi về các pháp mà bạn thọ trì hoặc bạn và người thân không còn thời gian
nữa thì hãy nên tránh xa kênh Giải Mã Đạo Phật. Điều đó là cần thiết, điều
đó giúp bạn hoặc người thân của bạn giữ được chút an tịnh đã góp nhặt được, theo
đó tín tâm giả tạm mà bạn có được sẽ không bị mất đi do sự tư duy lại việc
học Phật.
Với những người học Phật theo lối rộng cầu tri kiến thì cứ tiếp
tục tham khảo những bài viết nơi trang Nikaya & Đốn Ngộ để đến một lúc nào đó
nhận ra rằng bấy lâu nay quá ấu trĩ và thiển cận, kết quả là sẽ có một sự
đột phá trong việc học Phật mà quay về với chánh pháp Phật môn và trở thành một
người hộ trì Tam Bảo hữu ích.
Với những người cảm nhận rằng Ngạo Thuyết có cái ngã to đùng
và ngu xuẩn. Một khi bạn có nhận định như vậy thì bạn đã đúng rồi đấy,
ngay khi lấy nick Ngạo Thuyết thì cái ngã đó đã chạm đến cột mốc sập sàn, điều
này không cần phải bàn cãi hay chỉnh sửa. Vấn đề còn lại chỉ là chọn lựa của
bạn ở việc tiếp tục tham khảo những bài viết hay sẽ rời đi và không làm mất
thời gian của nhau.
...
Hôm nay, Ngạo Thuyết đã đặt tiêu đề bài viết có phần khá ôn
hòa "Hãy Là Người Học Phật Có Tư Duy". Lẽ ra, Ngạo Thuyết sẽ đặt
yêu cầu cao hơn - "Hãy Là Người Học Phật Biết Tư Duy".
Vấn đề Ngạo Thuyết đặt ra có vẻ đụng chạm, có vẻ ngang tàng. Bởi
lẽ có lý nào bấy lâu nay người học Phật không có tư duy, không biết tư
duy.
Nào chúng ta hãy buông thả những định kiến, những bất đồng vừa
sinh khởi, chúng ta hãy chậm rãi xét lại, xét lại bằng sự cởi mở, bằng sự thả
lòng khách quan.
Phải chăng người học Phật xưa nay một khi quy y phần nhiều đều
sẽ mặc định pháp môn ta thọ trì, hệ phái Phật học ta quy y, Tăng Bảo bổn sư
của ta là nhất, là thù thắng hơn cả?
Hay là một sự dễ dãi khỏa lấp theo lối "Dĩ hòa vi
quý" - Phật pháp có đến 84.000 pháp môn, và trăm sông đều sẽ hòa
vào biển lớn. Tuy nhiên, đây là cách hành xử không thành thật.
Bởi lẽ một khi phát khởi tín tâm thông thường người học
Phật sẽ tự trói pháp học, pháp hành vào pháp môn, vào hệ phái, vào vị Thầy danh
tiếng đã quy thuận.
Bên cạnh đó là mặc dù không biết hoặc biết không rành rõ về những
pháp môn, hệ phái, các vị Tăng Bảo khác nhưng để bảo vệ pháp môn, hệ phái và
Thầy Tổ người học Phật nhiều kiến thủ sẽ dễ dàng công kích, bài xích, thóa mạ
từ âm thầm đến công khai những người không cùng Tông môn.
-
Đây có phải là cách hành xử thường thấy ở người học Phật ngày
nay?
Đây cũng chính
là một nét biểu hiện của người học Phật không có sự tư duy học Phật.
Mở rộng vấn đề một chút! Với vị trí là những người học Phật
có tư duy ngày nay, liệu bạn có vượt thoát khỏi giáo điều, những việc học
Phật cứng nhắc được tích góp từ kinh Phật, từ thầy Tổ, từ những thiện tri
thức còn đang lẫm đẫm dò đường,...
Bộ Kinh Kalama viết về Mười Điều Chớ Vội Tin, kinh Kalama được
rất nhiều người học Phật biết, song sau khi biết đến, rất nhiều người
học Phật chỉ mang sự hiểu biết đấy răn dạy người. Đồng thời có không
ít người học Phật sẽ sử dụng kinh Kalama như là một công cụ bảo hộ cho
những định kiến học Phật của bản thân, kinh Mười Điều Chớ Vội Tin bỗng trở
thành một thành trì vô minh vững chắc mà những người học Phật cực đoan ra sức
gìn giữ.
Người học Phật từ xưa đến nay biết đến Mười Điều Chớ
Vội Tin nhưng gần như không có người học Phật nào ứng dụng sự hiểu
biết đó một cách hiệu quả hoặc có tính đột phá. Do đó, sự hiểu
biết của người học Phật từ xưa đến nay từng bước rơi vào sự cứng
nhắc và nặng tính giáo điều. Chính vì thế mà người học Phật mãi
chỉ dừng lại ở giới hạn người học Phật mà không là thể trưởng
thành là người biết học Phật.
Dần dà, người học Phật tụt lùi xuống ở cấp độ Phật
Tử, điều này dần khiến người học Phật trở thành những con chiên
ngoan đạo, là những tín đồ mang danh nghĩa học Phật nhưng lại chịu sự
chi phối của ngoại đạo và rơi vào những tà kiến mê lầm.
Nếu tinh ý một chút mọi người sẽ thấy Ngạo Thuyết rất hiếm
hoi sử dụng cụm từ Phật Tử ở những bài viết. Ngạo Thuyết thường dùng cụm từ
Người Học Phật để chỉ những người tìm về đạo Phật, những người thọ trì pháp
học, pháp hành thuộc về đạo Phật. Điều này thể hiện rằng Ngạo Thuyết không mong
các bạn, những người học Phật tự nhận và nhốt mình vào cái vỏ ốc Phật Tử.
Ở chiếc vỏ ốc Phật Tử, Ngạo Thuyết nhận ra sự yếu đuối, lệ
thuộc, ỷ lại và không thể trưởng thành.
Có thể nhất thời sẽ có nhiều người nhận định gã Ngạo
Thuyết thật tà, đã là người học Phật thì tâm phải vô phân biệt chứ có đâu lại
chấp trước những điều nhăng cuội, vụn vặt. Cớ gì phải nhất thiết là Người
Học Phật mà không chấp nhận là Phật Tử. Ngạo Thuyết là kẻ chấp trước hẹp
lòng như thế, ắt hẳn hắn là kẻ chẳng ra gì.
Người học Phật nên nhận biết sáng rõ rằng Phật Thích Ca chính là
người có sự phân biệt rạch ròi, xác đáng nhất. Nếu không có sự cân phân nặng
nhẹ rõ ràng thì Phật Thích Ca đã dừng lại ở vị trí là một Bà La Môn hữu
danh. Điều này thể hiện rằng Phật Thích Ca là người khéo hay phân biệt, sau khi
sáng rõ rồi mới vượt thoát khỏi những sự đo lường dính mắc ấy; Việc thoát ra
khỏi sự phân biệt không đồng nghĩa với việc không biết phân biệt hay
chết cứng ở tư duy tâm vô phân biệt.
Ngày nay, người học Phật không rõ lý sự chỉ nghe Thầy Tổ chỉ bày
tâm vô phân biệt, sự bình đẳng không hai, lý trung đạo đã vội tán thán rồi đem
chút lý sở đắc đinh ninh khai thị, đinh ninh chỉ dạy người khiến Phật pháp trở
nên lộn tùng phèo, khiến người người rơi vào muôn tà kiến mê lầm. Thật là đã cô
phụ bi tâm của Thầy Tổ, của Phật Thích Ca; Điều này gián tiếp gây ra sự nhiễu
loạn, phá hoại giáo pháp giác ngộ giải thoát.
...
Có bao giờ người học Phật ngày nay dám khởi nghi kinh
Phật không do Phật thuyết không? Kinh Phật mà Ngạo Thuyết đang đề cập
không chỉ dừng lại kinh điển phát triển Bắc Tông mà cả kinh Nikaya -
Nam Truyền.
Liệu có người học Phật nào dám khởi nghĩ kinh Phật
không chỉ do ngài A Nan trùng tuyên sau khi Phật nhập diệt không?
Và có người học Phật nào dám khởi nghi rằng không phải
sau khi chứng ngộ A La Hán rồi ngài A Nan mới được tham gia cuộc kết
tập kinh điển lần thứ nhất và đảm nhận vai trò người trùng tuyên pho
Tam Tạng kinh trước sự chứng thực của 499 vị Tỳ Khưu đều đã chứng
Thánh quả A La Hán không?
...
Hẳn nhiên là không có một người học Phật nào có tư duy
táo bạo, đột phá như thế. Người học Phật từ lâu đã bị trói buộc ở
sự học Phật cứng nhắc, máy móc, giáo điều. Và chính sự không dám
khởi nghi vô hình chung khiến người học Phật phỉ báng sự chân thật
được trình bày ở giáo lý mà Phật Thích Ca trao truyền.
...
Ở Thông điệp thứ nhất Ngạo Thuyết đã từng nói sẽ viết
thông điệp thứ hai trình bày rõ hơn về di ngôn tai hại của vị Tăng
Bảo đáng kính Thích Minh Châu.
Trong lời giới thiệu kinh Trung Bộ của thầy Thích Minh Châu
có đoạn:
“Càng dịch, chúng tôi càng thấy rõ ác ý của các nhà Bà La Môn đã
dùng danh từ Tiểu Thừa để gán vào những lời dạy thực sự nguyên thủy của đức
Phật và khiến cho các Phật tử không dám đọc, không dám học, không dám tu những
pháp môn ấy. Càng dịch, càng thấy rõ dụng tâm hiểm độc của các vị Bà La Môn, đã
khôn khéo xuyên tạc đạo Phật, khiến cho những giáo lý căn bản, những tinh hoa
cao đẹp nhất của tư tưởng nhân loại đã bị những tư tưởng tà giáo xen lẫn, bị
ruồng bỏ, bị che dấu, không được biết đến, không được học hỏi tu hành. Nhưng
chân lý bao giờ cũng là chân lý, mặt trời bao giờ cũng là mặt trời. Những lời ba
hoa của Ma Vương, các cuộc đọ tài của những ngọn đèn lẻ tẻ mù mờ, lời lẽ bập
bẹ của những kẻ mới tập tểnh đi vào con đường Triết lý, tất cả cũng chỉ là
cuồng vọng đen tối, được ánh sáng rực rỡ của chân lý quét sạch”.
...
Và cũng chính thầy Thích Minh Châu là người dịch giải
kinh Nikaya thể hiện rõ tiêu chí Không Có Linh Hồn ở những lời Phật
Thích Ca tuyên thuyết, dù rằng sau đấy thầy Thích Minh Châu đã có sự
thay đổi cụm từ Linh Hồn bằng cụm từ Thần Thức để trám vào những
khoảng trống do việc không dùng cụm từ Linh Hồn để lại.
Tuy nhiên, những việc làm đó không lấp đầy được những
cái đầu học Phật chứa đựng tư kiến hẹp hòi cùng sự bảo thủ, cực
đoan.
Thông qua những câu từ mà thầy Thích Minh Châu để lại những
người học Phật còn trong lưới vô minh đã dấy đại cuộc chia tông, rẽ
giáo đạo Phật giữa hai nhánh Phật học Nam Truyền và Bắc Truyền, từ
đấy tạo ra mối hiềm khích sâu sắc giữa hai hệ phái Phật học lâu đời
ở Việt Nam.
Trong khi thầy Thích Minh Châu ám thị ở lời giới thiệu
kinh Trung Bộ việc tồn tại tư tưởng Bà La Môn len lõi vào kinh Phật
gốc tức kinh Tạng Nikaya thì người học Phật đời sau thuộc hệ phái
Phật học Nam Truyền, và đặc biệt là sự xuất hiện một nhánh học
Phật giả danh Phật giáo nguyên thủy do sư Thích Thông Lạc đã đánh
tráo khái niệm thành kinh điển phát triển Bắc Tông là kinh Phật giả
do Phật Giáo Trung Hoa ngụy tạo nhằm "đè bẹp" đạo Phật
chính thống tức giáo lý gốc Kinh Tạng Nikaya.
Ở đây, ta thấy bằng vào sự cực đoan, bảo thủ cùng chủ
quan sư Thích Thông Lạc đã đánh tráo khái niệm tư tưởng Bà La Môn
bằng Phật giáo Trung Hoa để rồi dấy khởi đại cuộc Phật Giáo Bài
Tàu. Bà La Môn Giáo bị chụp mũ thành Phật Giáo Lai Căng Thần Đạo
Trung Hoa.
Tiếp đến là lối chụp mũ Phật Giáo Bắc Tông gồm Thiền
- Tịnh - Mật đều là Phật Giáo Hàng Tàu, Phật Giáo Trung Quốc.
Kết hợp với tư tưởng Bài Tàu đang lan rộng cùng chiêu
bài Không Có Linh Hồn sư Thích Thông Lạc từng bước vững vàng ở vị
trí Tông sư cho nhánh Phật Học Nguyên Thủy Chơn Như không chính danh là
Phật Giáo Nguyên Thủy.
Sự cực đoan, bảo thủ cùng tính quá khích của sư Thích
Thông Lạc đã tiêm nhiễm vào tín đồ học Phật của Tu Viện Chơn Như và
xâm thực vào cả hệ thống tín đồ học Phật nguyên thủy Thereveda - Nam
Tông.
Sau cùng, khởi từ sự tự tôn hẹp lượng những người học
Phật theo hệ phái nguyên thủy - Nam Tông đã ra sức công kích, bài
xích, đả phá giáo lý kinh điển Phật giáo Bắc Tông một cách quyết
liệt, mặc nhiên cho rằng tư tưởng Phật Giáo phát triển Bắc Tông là tư
tưởng Bà La Môn len lõi vào kinh Phật với mục đích thâm hiểm nhằm
đồng hóa, hủy hoại đạo Phật từ bên trong.
Những người học Phật có tư tưởng cực đoan, quá khích
quên mất một điều rằng Phật Thích Ca đã từng nói với đại ý bất kỳ
một giáo đoàn, một nơi nào có người thực hành Bát chánh đạo, Tứ
diệu đế thì ở nơi đó sẽ có sự giác ngộ giải thoát.
Và thực tế là sự bài xích, đả phá Phật giáo phát
triển Bắc Tông ở người học Phật Nam Truyền vốn không phải vì kinh
sách Phật học Bắc Tông không có Bát chánh đạo, Tứ diệu đế hay thiếu
khuyết pháp hành mà là vì từ lâu Phật Giáo Bắc Tông được tiếng là
Phật Giáo Đại Thừa, còn Phật Giáo Nam Tông bị chụp mũ là Phật Giáo
Tiểu Thừa.
Chính hai chữ Đại Thừa - Tiểu Thừa đã gây ra sự chia rẽ
đạo Phật, tạo ra mối hiềm khích truyền đời giữa Phật giáo hệ phái
Nam Truyền và Phật giáo hệ phái Bắc Truyền.
Do thiếu tư duy, quán chiếu, do thiếu hiểu biết mà rất
nhiều thế hệ học Phật trực thuộc hệ phái Nam Truyền đã cực đoan
chấp thủ giáo lý kinh Phật nguyên thủy, kinh Nikaya là những lời Phật
Thích Ca tuyên thuyết còn kinh điển Bắc Tông không do Phật Thuyết tức
là tà kiến của đạo Bà La Môn.
Song thực tế là ngay cả kinh Tạng Nikaya tức kinh Phật
nguyên thủy cũng không hoàn toàn là những lời Phật Thích Ca thuyết, sự
thật là các vị học trò của Phật Thích Ca cũng đã góp lời cho 5 bộ
kinh Nikaya.
Và do việc học Phật nặng tính giáo điều y tựa lề thói
truyền thống mà người học Phật đã máy móc cho rằng kinh Phật là phải
do chính Phật thuyết, sau đó ngài A Nan đã trùng tuyên lại lời Phật
thuyết và chỉ có lời Phật mới được gọi là kinh Phật.
Phật giáo nguyên thủy Nam Truyền thừa nhận giáo lý đạo
Phật trải qua 6 lần kết tập kinh điển Phật học. Vậy những lần kết
tập kinh điển sau này chỉ là việc nhắc lại những lời kinh mà ngài A
Nan đã từng kết tập ở lần kết tập thứ nhất thôi sao?
...
-
Liệu có người học Phật nào dám khởi nghi kinh Phật vốn
không do Phật thuyết?
Điều này
vốn không trái với 10 điều chớ vội tin được trình bày ở bộ kinh
Kalama.
Tóm lại, thông qua trang Nikaya & Đốn Ngộ và kênh Giải
Mã Đạo Phật, Ngạo Thuyết gửi đến các bạn cùng những người học
Phật thông điệp - "Hãy Là Người Biết Học Phật".
Trân trọng!
- Sự Thật Về Tam Minh - Lục Thông Của A La Hán Và Hơn Thế Nữa...
- Đôi Nét Về Tam Minh - Lục Thông Của A La Hán
- Bạn Biết Gì Về Tứ Quả Thánh Và Tam Minh, Lục Thông?
- Ngạo Thuyết Chứng Ngộ Gì? (Lược trích)
- Có Một Ông Phật Như Thế!
- Đạo Phật Đã Phân Hóa Kể Từ Bao Giờ? (P. 2)
- Trả Lời Cho Ông Robert Bigelow Về Sự Sống Sau Cái Chết
- Có Không Sự Tồn Tại Của Sự Sống Sau Cái Chết?
- Đạo Phật Đã Phân Hóa Kể Từ Bao Giờ (P. 1)
- Mời Các Bạn Tham Khảo Thêm Chút Tư Liệu Về Các Cuộc Kết Tập Kinh Phật
- Những Ngộ Nhận Về Vaccine và Trùm Cuối Tạo Ra Những Antivaccine Covid (P.2)
- Những Ngộ Nhận Về Vaccine và Trùm Cuối Tạo Ra Những Antivaccine Covid (P.1)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét