Đạo Phật Đã Phân Hóa Kể Từ Bao Giờ? (P. 2)
Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021
Ở Phần 1 nội dung bài viết Đạo Phật Đã Phân Hóa Kể Từ Bao Giờ?, Ngạo Thuyết đã trình bày về sự phân hóa, chia rẽ đạo Phật sau mỗi lần kết tập Kinh, Luật, Luận; Điều này cho thấy đạo Phật đã có mầm mống rạn nứt, đổ vỡ kể từ cuộc kết tập Kinh, Luật lần thứ nhất.
Không chỉ vậy. Ngay khi Phật Thích Ca tại thế lịch sử đạo Phật đã ghi nhận đạo Phật có ít nhất hai lần chia rẽ.
- Đáng kể nhất là lần chia rẽ Tăng đoàn do Đề Bà Đạt Đa khởi xướng, Đề Bà Đạt Đa đã chia rẽ Tăng Đoàn do Phật không nhường lại vai trò dẫn dắt Tăng đoàn khi Đề Bà Đạt Đa yêu cầu. Kết quả ở việc Tham - Sân - Si của Đề Bà Đạt Đa đã chia Tăng đoàn đạo Phật lúc bấy giờ ra làm hai phân nhánh chính.
Tương truyền ngài Xá Lợi Phất cùng ngài Mục Kiền Liên đã len lõi vào giáo đoàn khất sĩ do Đề Bà Đạt Đa lãnh đạo diễn nói chánh pháp từng bước thống nhất lại Tăng đoàn đạo Phật.
- Lần chia rẽ nội bộ đạo Phật thứ hai đáng kể đến là việc leo thang tranh cãi giữa hai vị Pháp sư và Luật sư trong hàng ngũ Tăng đoàn. Lần chia rẽ này phát khởi từ sự Sân Si của những người học Phật trong hàng ngũ Tăng đoàn, những người xuất gia thọ trì Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế.
Mặc dù Phật Thích Ca khi biết chuyện đã mở lời khuyên giải nhưng những vị Tỳ kheo Sân Si đã yêu cầu Phật đứng ngoài cuộc tranh chấp. Phật Thích Ca đã thể hiện sự không vừa ý cách hành xử của các vị Tỳ kheo háo thắng, ngã mạn bằng việc một mình, một bát rời khỏi Tăng đoàn, Phật đã bước những bước chân đi để mà đi.
Hữu duyên nói ít, nói nhiều
Vô duyên mặc mặc bỏ liều cũng xong
Kẻ đi chân bước thong dong
Thương người ở lại luống trông muôn chiều.
Ngay thời Phật Thích Ca tại thế đạo Phật đã có những phân nhóm học Phật khác nhau, nhóm Tỳ kheo A Lan Nhã thường sống trong rừng, ngụ cư ở hang động, hốc đá điển hình là Tỳ kheo Kiều Trần Như, Phú Lâu Na,... Có nhóm Tỳ kheo thọ trì giới hạnh đầu đà tiêu biểu như ngài Ca Diếp,... Và cũng sẽ có những phân nhóm Tỳ kheo hư hỏng, không giữ gìn giới luật, không sống đời phạm hạnh,...
Phật Thích Ca là người biết cả những điều đó nhìn thấy được tất cả mầm mống dẫn đến sự chia rẽ nơi đạo Phật về sau nhưng thực tế lịch sử ghi nhận Phật Thích Ca không chủ động cho việc kết tập kinh Phật cũng như việc chọn người kế thừa vai trò dẫn dắt Tăng đoàn.
Điều này cho thấy rằng:
Phải chăng Phật Thích Ca trong quá trình dấn thân truyền pháp, đạo Phật đã trải qua cả 3 thời kỳ - Chánh pháp, Tượng pháp, Mạt pháp?
Và phải chăng Phật Thích Ca đã chấp nhận điều đó như là một sự thật hiển nhiên đồng thời cũng không cố gắng duy trì một tôn giáo được gắn mác là Đạo Phật?
Hẳn là với một sự hiểu biết sáng suốt Phật Thích Ca đã biết việc truyền đạt giáo lý cũng như con đường chứng ngộ giác ngộ giải thoát vào Tam giới đã xong, mọi việc về sau sẽ là sự tùy duyên.
Vài trăm năm sau vị Giác Giả thứ hai ra đời và cũng trải qua một quãng thời gian dài trao truyền chánh pháp nhãn tạng Như Lai, sau cùng vị Giác Giả thứ hai đã nhận diện ra rằng đạo Phật được gìn giữ, truyền thừa là do công trạng của người ở lại, những đệ tử lớn cùng với Tứ chúng học Phật.
Từ đó, vị Giác Giả thứ hai tán thán sự sáng suốt của Phật Thích Ca với "Chánh pháp còn bỏ huống hồ là phi pháp" và đồng thời thừa nhận "Chúng sanh Ta Bà cang cường khó độ".
Tuy nhiên, bằng tất cả tuệ tri sáng suốt vị Giác Giả thứ hai đã "làm mới", đã ấn nút "Refresh" cho đạo Phật bằng những bộ kinh Phật Bắc Tông sách tấn người học Phật phát khởi tánh hạnh đại thừa, dấn thân hành bồ tát đạo.
Những điều Ngạo Thuyết vừa trình bày là khẩu thuyết vô bằng vì lẽ đó mọi người đừng vội tin song cũng đừng vội bác bỏ. Hãy dùng chánh trí, chánh kiến, chánh tư duy để suy nghiệm lại.
...
Lịch sử đạo Phật, lịch sử cuộc đời Phật Thích Ca, kinh sách Phật của cả hai hệ phái Phật học Bắc Tông - Nam Tông đều chứa đựng vô vàn yếu tố hư cấu, hoang đường. Chính vì lẽ đó mà những bậc cổ đức, tiền hiền - những người học Phật sáng mắt thường bi mẫn cảnh tỉnh người học Phật rằng 'Y kinh giải nghĩa Tam thế Phật oan; Ly kinh nhất tự tức đồng Ma thuyết".
Và Ngạo Thuyết tin rằng lời cảnh tỉnh bi mẫn trên xuất phát từ những người học Phật sáng mắt, sáng lòng
...
Thông qua những luận chứng, chứng cứ lịch sử ghi nhận về đạo Phật, Ngạo Thuyết khẳng định rằng Phật Thích Ca không truyền thừa vai trò dẫn dắt Tăng đoàn cho ai cả và Phật Thích Ca cũng không thọ ký cho môn đệ thành Phật hay ấn chứng họ đắc A La Hán cũng như đắc 1 trong 4 quả vị Thánh.
Việc thọ ký, ấn chứng về Tam Minh - Lục Thông,... là sản phẩm của người đời sau.
Vị Giác Giả thông tuệ thứ hai đã phải tùy thuận nương theo những luận giải Phật học lệch lạc ở người học Phật đời sau mà từng bước vá lỗi, và ra sức phổ truyền giáo pháp Phật học đại thừa, sách tấn đại chúng học Phật hành Bồ tát đạo, hàm thụ trí tuệ Bát nhã. Tất cả chỉ là pháp phương tiện để xiểng dương chánh pháp nhãn tạng Như Lai, phát khởi từ tánh hạnh đại thừa ở những vị Giác Giả.
Thực sự là Phật Thích Ca không truyền thừa vai trò dẫn dắt Tăng đoàn cũng như không đặt trọng trách kết tập Kinh, Luật lại cho bất kỳ cá nhân nào cả. Điều này cho thấy rằng sau khi tạo điều kiện cho giáo lý giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra đời Phật Thích Ca đã gửi gió cho mây ngàn bay.
Phải chăng lịch sử đạo Phật được truyền thừa theo lối truyền thống ngày càng lộ rõ những lỗ hổng tri kiến và đến lúc người học Phật cần phải khách quan, tư duy và nhìn nhận lại?
Phải chăng sau khi Phật Thích Ca nhập diệt, những vị đệ tử thượng thủ của Phật mới nghĩ đến việc giáo lý đạo Phật rồi sẽ mai một nếu không được kết tập lại?
Lúc bấy giờ, ngài Ca Diếp mới thỉnh cầu vua A Xà Thế bảo trợ cho cuộc kết tập Kinh Phật. Vốn từng nếm trải pháp vị của giáo lý cứu khổ, giác ngộ giải thoát nên vua A Xà Thế đã chấp nhận lời thỉnh cầu của các vị trưởng lão thuộc giáo đoàn khất sĩ.
Sau đó, việc kết tập Kinh Phật lần thứ nhất được loan báo rộng rãi. Việc loan truyền thông tin kết tập kinh Phật tương đối thuận lợi trong phạm vi lãnh thổ của vua A Xà Thế. Tuy nhiên, những vùng miền xa xôi hoặc nằm ngoài phạm vi lãnh thổ của vua A Xà Thế sẽ khó tiếp cận thông tin.
Qua việc loan truyền kết tập Kinh, Luật các vị đệ tử Phật thông hiểu Phật pháp được vua A Xà Thế mời về điểm kết tập kinh điển đạo Phật. Dù vậy những người đệ tử Phật sống ở trong rừng cũng như những vị đệ tử thuợng thủ hoằng pháp ở phương xa không sớm biết đến cuộc kết tập Kinh, Luật do vua A Xà Thế bảo trợ, thế nên họ đã không về kịp, điển hình như Tỳ kheo Phú Lâu Na.
Lịch sử đạo Phật ghi nhận Phật Thích Ca có 10 vị đệ tử lớn như sau:
1. Xá Lợi Phật: Trí huệ đệ nhất.
2. Mục Kiền Liên: Thần thông đệ nhất
3. Ma - ha Ca Diếp: Đầu đà đệ nhất
4. A Na Luật: Thiên nhãn đệ nhất
5. Tu Bồ Đề: Giải không đệ nhất
6.Phú Lâu Na: Thuyết pháp đệ nhất
7. Ca Chiên Diên: Biện luận đệ nhất
8. Ưu Ba Li: Trì giới đệ nhất
9. La Hầu La: Mật hạnh đệ nhất.
10. A Nan: Đa văn đệ nhất.
Ngạo Thuyết tin rằng Phật Thích Ca không phải là người đã nhận định về 10 vị đệ tử của mình như thế. Người học Phật đời sau thông qua hành trạng, năng lực, sở hành cũng như chấp thủ của những vị đệ tử Phật mà có sự phân định rạch ròi.
Đáng tiếc là sau khi Phật Thích Ca nhập diệt cũng là thời điểm mà những vị đệ tử Phật có trí tuệ cũng không còn được mấy người, chỉ còn lại ngài Ca Diếp chấp thủ hạnh đầu đà, ngài Ưu Ba Li chuyên trì Giới Luật, ngài A Nan thì đa văn theo lối đọc tụng, ghi nhớ,...
Việc kết tập lần thứ nhất đã diễn ra dưới sự chủ trì của ngài Ca Diếp, ngài Ưu Bà Li nên hiển nhiên sẽ đặt nặng ở Giới Luật và hình thức. Đó là kiến thủ thường thấy ở người học Phật chấp trì hạnh đầu đà cùng với người đảm nhiệm vai trò nghiêm trì giới luật ở Tăng đoàn.
Mặc dù Ngài A Nan đảm nhiệm vai trò chính trong việc kết tập Tạng Kinh nhưng trước sau ngài A Nan vẫn giữ tánh hạnh nhu nhược, yếu mềm, thiếu quyết đoán.
Tương truyền cuộc kết tập lần thứ nhất vừa hoàn mãn thì ngài Phú Lâu Na về đến cùng nhiều vị đệ tử Phật thượng thủ khác. Ngài Phú Lâu Na thỉnh cầu việc trùng tuyên lại Kinh, Luật để bổ khuyết lại nội dung Kinh, Luật đã được kết tập.
Có thể nói cuộc kết tập Kinh, Luật lần thứ nhất của đạo Phật là một cuộc kết tập Kinh, Luật kép.
Đã có những cuộc tranh luận sôi nổi đúng chánh pháp về Kinh, Luật giữa các vị đệ tử lớn của Phật Thích Ca trong khoảng thời gian kết tập Kinh Phật.
Có những sự bất đồng chính kiến giữa các vị đệ tử lớn của Phật Thích Ca, thời may sau cùng việc kết tập Kinh, Luật lần thứ nhất của đạo Phật đã hoàn mãn mà không xảy ra một sự chia rẽ đáng tiếc nào.
Ở đây, Ngạo Thuyết muốn nhấn mạnh một chi tiết là việc kết tập Kinh, Luật lần thứ nhất của đạo Phật có sự tham dự của tầng lớp Sát Đế Lợi, Bà La Môn, ngoại đạo cũng như thành phần Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di và đông đảo Tỳ kheo tham dự.
Việc kết tập Kinh, Luật do những con người bình thường, những người học Phật thời Phật Thích Ca đã thực hiện bằng cái tâm gìn giữ giáo lý, giềng mối chánh pháp giác ngộ giải thoát.
Việc kết tập Kinh Phật lần thứ nhất hoàn toàn không chỉ có 499 vị Tỳ kheo chứng A La Hán, đắc Tam Minh - Lục Thông ngồi nghe ngài A Nan trùng tuyên tạng Kinh, ngài Ưu Ba Li đọc tụng Tạng Luật.
...
Trang Nikaya & Đốn Ngộ đã dẫn nguồn bài viết Lịch Sử Kết Tập Kinh Và Luật Của Đạo Phật Lần Thứ Nhất để mở lối cho mọi người nhận thấy rằng đạo Phật vốn đã phân hóa từ rất sớm chứ không phải là mãi đến sau này mới xảy ra hiện tượng chia Tông, rẽ Giáo ở đạo Phật.
Và ở bài viết Đạo Phật Đã Phân Hóa Kể Từ Bao Giờ?, Ngạo Thuyết đã trình bày một thực tế là lịch sử đạo Phật có nguồn gốc truyền thống hoàn toàn không đúng với thực tế lịch sử đạo Phật. Có rất nhiều hư cấu hiện tồn ở lịch sử cuộc đời Phật Thích Ca cũng như đạo Phật mà người học Phật đã cuồng tin; Điều này đã khiến tâm trí người học Phật ngày càng mê mờ, ngộ nhận chánh pháp, dẫn đến việc lấy ngụy làm chân ở người học Phật từ xưa đến nay. Điều này thật nguy hại đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của đạo Phật.
Việc học Phật theo lối truyền thống với đầy dẫy những mê tín, cuồng tin, lối học Phật hạn chế tư duy, bỏ qua việc nhận thức lại sự chân thật của giáo lý đạo Phật nên chăng cần tháo gỡ khỏi tri kiến ở người học Phật đương đại?
Thực tế là hầu hết những bài viết mà Ngạo Thuyết ra sức trình bày và gửi đến mọi người đối với Ngạo Thuyết vốn không có nhiều lợi ích. Thậm chí là trong suốt quá trình tầm đạo, học pháp Ngạo Thuyết không hề để tâm đến những điều thuộc dạng "Bới lông, tìm vết" ấy.
Vì sao?
Vì Ngạo Thuyết không mê huyền, đắm diệu, không theo đuổi thần thông cũng như việc chứng đắc A La Hán.
Và có lẽ với nhiều người những bài viết của Ngạo Thuyết là thừa thải, vô ích và vô vị.
Song Ngạo Thuyết vẫn tiếp tục trình bày một cách không nhàm mỏi những điều tương tự như thế vì Ngạo Thuyết có niềm tin rằng có rất nhiều người học Phật, thậm chí là cả nhân loại đang cần đến những bài viết có nội dung minh định lại sự thật về chánh pháp, về con đường giác ngộ giải thoát hoàn toàn.
Vì sao Ngạo Thuyết cứ bới những đám tro tàn của hàng ngàn năm trước? Ngạo Thuyết đang cố tìm kiếm điều gì chăng?
Ngạo Thuyết ngày nay không còn tâm ý kiếm tìm bất cứ điều gì ở những vệt mờ thời gian nhưng Ngạo Thuyết biết việc bới tung lịch sử đạo Phật, lịch sử các lần kết tập kinh điển đạo Phật sẽ giúp nhân loại nhận ra ánh sáng chánh pháp mà Phật Thích Ca đã từng khêu sáng và truyền trao gieo duyên đến mọi chúng sinh nơi Tam Giới.
Và khi lớp bụi của tàn tro quá khứ được thổi tung, sự thật sẽ được phơi bày, giáo lý chánh pháp do Phật Thích Ca trao truyền sẽ thêm một lần tỏa rạng trong lòng nhân loại.
Khi ấy, những si mê, ngộ nhận, những tà kiến, những mê tín dị đoan,.. đang tạp lẫn vào đạo Phật sẽ được tháo gỡ; Giáo lý đạo Phật sẽ lại trong sáng, tinh khôi và vẹn nguyên như từ thuở ban đầu.
Và Ngạo Thuyết biết rằng nhân loại đang mất phương hướng, nhân loại đang chìm đắm trong lòng tham và sự thực dụng mà không tìm ra lối thoát.
Ngạo Thuyết tin rằng chỉ khi giáo lý giác ngộ giải thoát do Phật Thích Ca bi mẫn trao truyền được "gạn đục, khơi trong", phơi bày ra sự sáng rõ viên dung và được phổ truyền sâu rộng vào trong nhân loại, đặc biệt là ở thành phần quản lý xã hội thì nhân loại mới có cơ may tìm ra lối thoát cho xã hội loài người trong thời đại mới - Thời đại hiện nay và mai sau.
Quay lại việc chia Tông, rẽ giáo ở đạo Phật:
Ngày nay, người học Phật lại dễ dàng nhìn thấy sự chia tông, rẽ giáo ở đạo Phật, thấy người học Phật ở hai hệ phái, ở các Tông chi đạo Phật công kích, phỉ báng lẫn nhau. Điều này đã khiến rất nhiều người học Phật đau xót muốn ngỏ lời khuyên giải và rất nhiều người do thiếu trí tuệ đã rơi vào vùng nước đục rồi đắm chìm với những Tham Sân Si Mạn Nghi.
Chúng ta hãy xét lại Phật Thích Ca, vị thầy sáng suốt của chúng ta đã làm gì khi đạo Phật rơi vào pháp nạn Sân Si do môn đồ vô minh gây ra?
Phật đã mở lời khuyên giải, nếu người học Phật vẫn trì chí ôm giữ vô minh thì Phật đã lặng lẽ rời đi như chưa từng đến bao giờ.
Và Tứ chúng học Phật đúng chánh pháp thời Phật Thích Ca tại thế đã hành xử như thế nào?
Họ không nghiêng ngã vào bên nào cả, giới cư sĩ tại gia vẫn cúng dường đúng pháp cho những vị xuất gia chân tu, những vị đứng bên ngoài vòng xoáy thị phi, những người xuất gia sống đúng và gieo duyên lành giúp chánh pháp giác ngộ giải thoát lan tỏa.
Bài liên quan
- Hãy Là Người Học Phật Có Tư Duy
- Mời Các Bạn Tham Khảo Thêm Chút Tư Liệu Về Các Cuộc Kết Tập Kinh Phật
- Những Ngộ Nhận Về Vaccine và Trùm Cuối Tạo Ra Những Antivaccine Covid (P.2)
- Những Ngộ Nhận Về Vaccine và Trùm Cuối Tạo Ra Những Antivaccine Covid (P.1)
- Những Nhập Nhằng Xoay Quanh Vaccine Covid Và Antivaccine Covid Fan
- Sài Gòn Chừng Nào Mở Cửa?
- Trật Con Tán, Bán Con Trâu Trong Chiến Lược Phòng Chống Dịch Covid Ở Việt Nam
- Giải Pháp Phòng Chống Dịch Covid Cho Hiện Tại Và Tương Lai - Phá Kiến Thức
- Thuyết Âm Mưu Về Chiến Lược Phòng Chống dịch Covid Của Trung Cộng - Thuật Dùng Binh - Kiếm Trung Kiếm
- Những Sự Ngu Người Trong Đại Cuộc Chống Dịch Covid - 19 Ở Việt Nam và Toàn Thế Giới - Đoạn Kiếm, Tàn Cầm
- Ngạo Thuyết Nói Về Sự Sống Sau Cái Chết - Tri Kiến Khởi Tri (P. 1)
- Ngạo Thuyết Nói Về Cái Chết - Tri Kiến Khởi Tri
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét