
Bạn Biết Gì Về Tứ Quả Thánh Và Tam Minh, Lục Thông?
Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021
Thông qua phim ảnh, kinh sách Phật học và truyền miệng những người quan tâm đến đạo Phật sẽ biết được đệ tử Phật có rất nhiều vị có thần thông, huyễn thuật.
Đơn cử như việc vị tỳ kheo Tân Đầu Lư Phả La Đọa dùng thần thông lấy cái bát đặt trên một cột trụ cao, việc ngài Mục Kiền Liên dùng thần thông xuống thăm mẹ, bà Thanh Đề ở dưới địa ngục,...
Nói đến đạo Phật người học Phật thường kể cho nhau nghe những câu chuyện tiền kiếp của Phật và những môn đệ,...
Nào hay... Chuyện trúng thì ít, chuyện trật thì nhiều. Hầu hết chỉ là những giai thoại, những truyền thuyết hư cấu, phần lớn chỉ là những pháp dẫn dụ của người trí. Tiếc rằng người học Phật trong lưới vô minh chẳng rõ gốc ngọn nên thường lấy ngụy làm chân. Thật quá hư vọng!
Nhiều người học Phật xưa nay đều cho rằng người thọ trì pháp Phật nghiêm cẩn hạ thủ công phu đến một lúc nào đó sẽ phát sinh thần thông cho dù người hành trì không có mong cầu việc chứng đắc thần thông. Những người tin nhận điều đó cho rằng thần thông là hoa trái của việc tu hành pháp Phật nghiêm túc. Vì lẽ đó đương nhiên các vị đắc 1 trong 4 quả vị Thánh nhất thiết phải có thần thông mầu nhiệm.
Hẳn nhiên là phần đa người học Phật đều ít nhiều biết đến Tứ Quả Thánh, đến quả vị A La Hán. Bên cạnh đó cũng sẽ có không ít người học Phật không biết chút gì về Tứ Quả Thánh, nguyên nhân dẫn đến sự không biết về Tứ Quả Thánh ở người học Phật thì nhiều đơn cử như do thất học, lại không được nghe pháp hoặc người lười biếng tìm hiểu đến Phật pháp,…
Ngoài ra, một số người khác khi tìm đến đạo Phật chỉ là nhằm vào việc cúng bái, nguyện cầu, lễ lạy,... để trốn chạy khổ đau, phiền muộn, để giàu sang, phú quý, con đàn, cháu đống,... họ sẽ không bận tâm nhiều đến giáo lý Phật môn, về các quả vị,tầng bậc chứng ngộ ở người học Phật
....
Hôm nay, ta gặp nhau ở trang Nikaya & Đốn Ngộ cũng là hữu duyên, vạn nhất hữu duyên rồi lại vô duyên, ấy cũng là lẽ thường của duyên tan hợp. Thế nên dẫu hợp hay tan Ngạo Thuyết vẫn luôn trân trọng khi ta còn thấy nhau.
Vì lẽ đó hôm nay dù là người biết hay không biết chút gì về Tứ Quả Thánh cũng sẽ được biết về những lý thuyết có tính chất kế thừa truyền thống của kinh sách Phật học về Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán; Đây là những tri thức Phật học về Tứ Quả Thánh có tính phổ quát được số đông người học Phật xưa nay chấp nhận, tin nhận và công nhận dựa trên nền tảng truyền đời và không hoài nghi nên bỏ qua cả việc tư duy, nhìn nhận lại.
Tương truyền người học Phật đạt được 1 trong Tứ Quả Thánh còn gọi là Dự Lưu tức là đã dự vào hàng Bất Thoái Chuyển chắc chắn sẽ chứng ngộ giải thoát hoàn toàn.Trong đó,
- Tu Đà Hoàn là quả vị Thánh đầu tiên còn gọi là nhập lưu hay Thất lai. Thất lai được người học Phật Tăng - tục theo lối truyền thống xưa nay diễn giải là sẽ chứng quả A La Hán, quả vị Thánh cuối cùng trong vòng 7 kiếp nữa. Và người đắc Tu Đà Hoàn sẽ luân hồi nơi Tam Giới nhưng không rơi vào 3 đường dữ - Ngạ Quỷ, Địa Ngục, Súc Sinh.
- Tư Đà Hàm là quả vị Thánh thứ hai còn gọi là Nhất Lai tức là chỉ phải trở lại luân hồi ở nẻo người chỉ một lần duy nhất nữa rồi chứng quả A La Hán.
- A Na Hàm là quả Thánh thứ ba còn gọi là Bất Lai tức không trở lại nẻo người thêm một lần nào nữa, người đắc quả A Na Hàm sẽ hóa sinh ở cõi Ngũ Bất Hoàn Thiên (Ngũ A Na Hàm Thiên), ngụ ở đấy cho đến khi chứng ngộ A La Hán.
@ Trang Wikipedia Tiếng Việt viết về Tứ Thánh Quả còn ghi nhận rành rẽ rằng một vị chứng quả A Na Hàm sẽ nhập Nhất Thiền, Nhị Thiền,Tam Thiền, thần thông quảng đại, xoay trời chuyển đất, vô cùng vĩ đại nhưng vẫn chưa đạt đến Tam Minh - Lục Thông. Vì lẽ đó Phật cấm không cho sử dụng thần thông.
- A La Hán là quả vị cao siêu cuối cùng của Tứ Thánh Quả, đạt được sự giải thoát giác ngộ viên mãn, đạt được Vô Ngã hoàn toàn. Vị A-la-hán rất tự tại phi thường, không còn bị cuốn vào luân hồi sinh tử nữa, muốn chết (hay nói một cách khác là muốn viên tịch) lúc nào cũng được.
Một vị A La Hán sẽ có đầy đủ Tam Minh và Lục Thông, không thể có chuyện một vị đã chứng A La Hán nhưng không có đủ Tam Minh và Lục Thông.
Tuy nhiên, do phước duyên mỗi vị khác nhau, mức độ về Thần Thông có thể khác nhau. Và một vị A-la-hán có thể tự tại sử dụng thần thông rất hợp thời, hợp lý.
Sự vĩ đại của một vị A-la-hán thì không một ngôn từ nào có thể diễn tả được. Mỗi người chỉ tùy theo nhân duyên và trí tuệ của riêng mình để hiểu một phần nho nhỏ nào đó mà thôi.
Nếu trong vô lượng kiếp quá khứ chúng ta xả thân làm lợi ích cho chúng sinh, thực hành Bồ tát hạnh, tôn kính bậc đáng kính, giữ tâm khiêm hạ thì đến khi đủ phước duyên để đắc đạo, ta sẽ chứng được một quả vị A-la-hán cao siêu tột bậc.
Đức Phật cũng tự xem mình là một vị A La Hán, tuy nhiên, do phước duyên của Ngài đã đạt tới viên mãn, hoàn hảo, nên Ngài đã chứng được Phật quả. Một vị đã chứng Phật quả có nhiều khả năng phi thường tột cùng hơn một vị A La Hán.
Khi bản ngã đã hết, vị A-la-hán không còn bị ràng buộc bởi sức mạnh nào đối với luân hồi sinh tử nên hoàn toàn giải thoát.
Sau khi phá luôn năm kiết sử cuối cùng, một vị A-na-hàm sẽ chứng A-la-hán, nghĩa là đạo đức đã trở thành tuyệt đối hoàn hảo. Không một thần Thánh thiên tử nào có thể tìm thấy lỗi lầm của một vị A-la-hán nữa.
Nơi đây, đương nhiên một vị A-la-hán chứng được Tứ thiền và nhập được Diệt tận địnhTứ Thánh quả đều hiện diện đầy đủ nơi vị A-la-hán như thế.
@Phụ Chú: Rất nhiều người học Phật đã tin nhận những điều hoang đường này và ngầm mặc định việc tụng kinh, niệm Phật, trì chú, ngồi thiền tinh chuyên đúng chánh pháp nhất định sẽ lưu xuất thần thông ảo hóa, khôn lường đủ sức hàng yêu, phục ma.
Ở đây có một chi tiết đáng chú ý là để tạo niềm tin nơi người đọc, người nghe - những người rao giảng các luận thuyết như thế sẽ gắn mác "Phật đã nói như thế".
Nhưng liệu chúng ta, người học Phật bấy lâu nay liệu có được mấy ai có đủ nhân duyên nghe Phật thuyết, có chăng chúng ta chỉ thường nghe những lời ma thuyết và thêm việc thiếu gạn lọc, lười biếng tư duy mà người học Phật theo lối truyền thống xưa nay ngày càng chìm đắm trong những điên đảo vọng tưởng, sa đà vào muôn vàn điều huyền hoặc dần trở nên mê tín dị đoan, mang danh nghĩa là người học Phật nhưng lại chìm sâu vào vũng lầy tri kiến ngoại đạo vô hình chung quy y ngoại đạo tin nhận tà thuyết, tà kiến ngoại đạo, chánh trí ngày càng mịt mờ...
@ Người học Phật cũng nên biết thêm về Tam Minh - Lục Thông.
* Tam Minh - Lục Thông:
Tam minh đây là Thánh trí siêu việt của Đức Phật và các vị đã chứng được Thánh quả A La Hán. Khi đó vị ấy nhập vào Tứ thiền bắt buộc phải trải qua kinh nghiệm Tam minh.
1. Túc mạng minh: Đây là một loại Thần thông của Đức Phật và các Vị A-la-hán. Vị này thấy rõ những đời sống quá khứ của mình. Là ai, tên gì, sinh trong gia đình nào, khi sống đã tạo những hạnh nghiệp gì, và mất ở đâu,...v.v Và vị ấy thấy rõ đầu mối của luân hồi. Tới đây Vị ấy thành tựu Túc Mạng Minh.
2. Thiên nhãn minh: Đây là một loại Thần thông của Đức Phật và các Vị A-la-hán. Vị này thấy rõ các đời sống quá khứ của tất cả chúng sinh trong Lục Đạo Luân Hồi, Vị ấy thấy rõ nguyên nhân vì sao chúng sinh bị trôi lăn trong vòng Luân Hồi Sinh Tử vô tận là do hạnh nghiệp gì. Khi vị này chứng được Thiên Nhãn Minh thì lần lượt 3 Thần Thông sau cũng được thành tựu đó là: Thiên Nhĩ Thông, Tha Tâm Thông, Thần Túc Thông.
3. Lậu tận minh: Đây không phải là Thần Thông mà là một Minh Triết cuối cùng được rút ra khi vị ấy đã trải nghiệm qua Túc Mạng Minh và Thiên Nhãn Minh:
Vị ấy thấy rõ dẫu chúng sinh có sinh về bất kỳ nơi đâu trong Pháp Giới Vũ Trụ này, thậm chí sinh về các cõi Trời rất cao vi diệu thì vẫn chỉ là chúng sinh đau khổ và tận cùng của đau khổ là Địa Ngục ít dần cho đến các tầng Trời.
Vị này thấy rõ nguyên nhân của đau khổ là vì chúng sinh Vô Minh chấp Ngã dẫn đến tham ái.
Vị ấy thấy rõ Niết Bàn là nơi chấm dứt mọi luân hồi sinh diệt hoàn toàn không còn đau khổ.
Vị ấy thấy rõ con đường Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất đưa đến được Niết Bàn tịch tĩnh, phá trừ được Vô Minh, đạt được Vô Ngã hoàn toàn.
Vị ấy rút ra được Tứ Diệu Đế chính là chân lý tuyệt đối của Pháp Giới Vũ Trụ này. Tới đây vị ấy viên mãn và hoàn toàn giải thoát. [1]
Tam minh thường xuất hiện kèm với Lục thông.
Lục thông: Nghĩa là Sáu phép thần thông của chư Phật, và các vị A-la-hán.
1. Thần túc thông: biến hiện tuỳ theo ý muốn, thân có thể bay lên trời, đi trên biển, đi vào trong núi, đi trên mặt nước, một thân biến nhiều thân, nhiều thân biến thành một thân, tay có thể chạm vào Mặt Trời, mặt trăng, các ngôi sao, ... tất cả mọi động tác đều tuỳ theo ý muốn, không hề chướng ngại.
2. Thiên nhãn thông: Thấy sự lưu chuyển của Chúng Sinh trong các cõi giới luân hồi.
3. Thiên nhĩ thông: Nghe và hiểu hết mọi âm thanh trong thế gian, nghe và hiểu hết mọi ngôn ngữ của chúng sinh trong các cõi giới luân hồi.
4. Tha tâm thông: biết hết tất cả mọi ý nghĩ trong tâm của chúng sinh trong lục đạo.
5. Túc mệnh thông: Đối Đức Phật và các Vị Alahan - ngài biết được vô lượng kiếp trước của chính bản thân mình vị ấy nhớ rõ sinh ra ở đâu, cha mẹ là ai, tên gì, làm gì.
6. Lậu tận thông: Vị ấy thấy rõ Tứ Diệu Đế là chân lý của Pháp Giới Vũ Trụ này cuối cùng vị ấy đạt được giác ngộ giải thoát viên mãn.
…
Qua phần lý thuyết về quả vị A la hán theo sự suy diễn của lề lối học Phật truyền thống được Ngạo Thuyết góp nhặt, trình bày lại ở bên trên, hẳn là các bạn sẽ thấy một người chứng quả A la hán sẽ trở nên rất ghê gớm, rất vĩ đại, thần thông, quyền phép rất khôn lường, không thể nghĩ bàn.
Và nếu bạn là người học Phật đắc Tam Minh, Lục Thông theo lối chú giải như trên thì bạn sẽ lật từng trang kinh đã bị Tam sao, Thất bản để học pháp, đàm luận Phật học hay sẽ dùng Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông để thấy biết rành rõ Phật đã thuyết những lời nào.
Và sau khi thấy biết đúng thật về những lời Phật thuyết phải chăng bạn sẽ dễ dàng trạch pháp cũng như minh định lại con đường giác ngộ giải thoát hoàn toàn?
Ngạo Thuyết tin rằng sẽ có đến 100% người học Phật chân chính một khi đắc Tam minh, Lục Thông mà có thần thông như lối chú giải truyền thống sẽ hành xử như thế.
Vậy nên nếu thật có 500 vị tỳ khưu thời Phật Thích Ca tại thế đắc quả A la hán, thành tựu Tam minh, Lục thông thì họ cũng sẽ dùng Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông,… để kết tập pho Tam Tạng kinh hoàn chỉnh nhất chứ không chỉ đến đại hội kết tập kinh Phật và lắng nghe ngài A Nan thuật lại những lời Phật thuyết và chứng kiến ngài Ca Diếp bắt lỗi ngài A Nan cùng cuộc tranh biện về 8 phép ẩm thực giữa ngài Ca Diếp và ngài Phú Lâu Na.
Tương tự như thế phải chăng các đời Tổ sau thời ngài Ca Diếp, ngài A Nan cũng đều đắc quả A la hán mới được truyền Tổ vị, điều đó sẽ đồng nghĩa các Tổ cũng sẽ có đầy đủ Tam minh, Lục thông.
Thậm chí kinh Phật cả hai hệ phái Nam Bắc Tông đều ghi nhận các Tổ nhập định lên cung Trời Đao Lợi thỉnh Tạng Vi Diệu Pháp, xuống Long Cung thỉnh kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm,… Nếu họ có thực tài như thế thì việc trạch pháp, trùng tuyên lại pho Tam Tạng kinh lý ra phải rất chuẩn mực, rõ ràng đâu để tình trạng kinh Phật, giới luật cả thảy đều Tam sao, Thất bản.
Vậy vấn đề ở đây là gì?
Các Tổ, các vị đệ tử lớn thời Phật tại thế không có lấy một ai đắc quả A la hán hay chú giải của người học Phật về Tam minh, Lục thông có vấn đề, những bản chú giải lệch lạc, sai sự thật chăng?
Nếu bạn là một người học Phật có hiểu biết và có trách nhiệm với con đường học Phật của chính mình thì hãy rất nên suy nghiệm, tư duy lại về những Tam Minh, Lục Thông, Tứ quả vị Thánh và nhiều nhiều những khái niệm hoa mỹ, đẹp đẽ hiện tồn ở kinh sách Phật học.
Bài liên quan
- Ngạo Thuyết Mạn Đàm Về Cái Chết - Tri Kiến Khởi Tri (P. 1)
- Giải Mã Ngoại Đạo
- Thực Tướng Như Lai
- Tất Đạt Đa Đã Hành Thiền Như Thế Nào Để Chạm Đến Sự Giác Ngộ...
- Câu Chuyện Hoằng Pháp - Tình Cờ Gieo Duyên
- Bóc Tách Pháp Môn Khán Thoại Đầu
- Tham Vấn Về Tâm Bình Thường Thị Đạo
- Thêm Một Chút Về Thiền Quán
- Thêm Một Chút Về Thiền Định
- Nước Trong, Trăng Hiện
- Phải Chăng Chúng Ta Cầu Nguyện Đã Quá Lâu Rồi?
- Sự Thật Về Tam Minh - Lục Thông Của A La Hán Và Hơn Thế Nữa...
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét