
Đôi Nét Về Tam Minh - Lục Thông Của A La Hán
Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021
Ở bài viết Có Một Ông Phật Như Thế, bạn Tung Lam có tùy chỗ biết mà trình bày về tứ thông – Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông. Và cũng thông qua việc tham gia tương tác chia sẻ thành viên Tung Lam đã thuận nước, đẩy thuyền hỏi về nhị minh – Túc mạng minh, Lậu tận minh.
Trước tiên, Ngạo Thuyết rất cảm ơn Tung Lam và những người bạn đã tin tưởng trang nhà Tương Tác Phật Học Online mà thường xuyên chia sẻ cùng tham vấn.
Ngạo Thuyết cũng cảm ơn Tung Lam và những người bạn đã đặt ra các câu hỏi ngõ hầu làm sáng rõ con đường vượt thoát sinh tử và chánh pháp mà Phật Thích Ca bi mẫn phổ truyền.
Những câu hỏi phá nghi, giải huyền, hiển chánh sẽ góp phần giúp người học Phật từng bước chạm đến sự hiểu biết sáng rõ, minh bạch sự khách quan của việc luân hồi, việc giác ngộ giải thoát.
Khi những áng mây đen tri thức Phật học được vén mở thì mỗi người học Phật sẽ tự nâng cao đuốc huệ và sẽ dũng mãnh, tự tin vào lời Phật thuyết “Hãy Tự Thắp Đuốc Mà Đi”, “Ta Là Phật Đã Thành, Các Ông Là Phật Sẽ Thành”.
Kinh sách Phật học trải qua những năm dài, tháng rộng cùng với việc dịch, diễn giải của người học Phật còn trong lưới vô minh – Y Kinh Diễn Nghĩa Tam Thế Phật Oan nên khó tránh khỏi sự sai sót, tổn khuyết.
Nhân sinh huyễn mộng xưa nay lại thường phạm 10 điều cả tin:
- Một là vội tin truyền thuyết.
- Hai là vội tin truyền thống.
- Ba là vội tin vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay thường xuyên tuyên truyền.
- Bốn là vội tin vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở.
- Năm là vội tin vì điều đó thuộc lý luận siêu hình, mật ngữ.
- Sáu là vội tin vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.
- Bảy là vội tin vì điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt, tin đồn.
- Tám là vội tin vì điều đó phù hợp với định kiến của mình.
- Chín là vội tin vì điều đó được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.
- Mười là vội tin vì điều đó được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.
Dù rằng Phật Thích Ca đã cảnh tỉnh người học Phật bằng 10 điều chớ vội tin nhưng người học Phật vốn rất chóng quên và khi sự việc không ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân thì lại rất dễ dàng buông lung, phóng dật.
Thêm nữa, người đời xưa nay si huyền, đắm diệu và người học Phật nửa mùa cũng không ngoại lệ. Thần thông, bùa chú, phép thuật… đã được kế thừa và thêu dệt suốt chiều dài của lịch sử tồn tại cùng phát triển của loài người. Những sự huyễn hoặc, huyền bí đã được truyền miệng từ đời này sang đời khác; Phần đa các hệ thống tôn giáo Nhất Thần Giáo, Đa Thần Giáo, Tín Ngưỡng Dân Gian và cả người đời vô trí đã gìn giữ, tích góp những câu chuyện tâm linh đượm mùi huyễn hoặc, hoang đường để răn dạy, kiểm soát phần tâm linh của những tín đồ nhẹ dạ, thuần thành.
Thần thông, bùa phép, những điều huyễn hoặc… luôn được ngoại đạo chứa giữ, các nhà lãnh đạo tôn giáo ngoại đạo luôn ưa dùng sự mê tín ngõ hầu thâu tóm sự tín tâm, việc quy thuận của tín đồ để nhằm bành trướng thế lực, vị trí thống trị tinh thần. Và một khi đã thâu tóm được niềm tin Thần Thánh ở những con chiên, những tín đồ cuồng tín thì lợi dưỡng, lợi danh sẽ theo về với vị trí Tông chủ, Giáo chủ.
Chính vì lẽ đó những điều huyền vi, huyễn hoặc sẽ được tông chủ cùng tông đồ các tôn giáo ra sức xiểng dương, xưng tán và thậm chí họ còn thêu dệt cho vấn đề tâm linh trở nên kỳ bí, hoang đường hơn.
Và với những người học đạo vốn đã tự ti, mặc cảm thấp kém thì những sự hoang đường, huyễn hoặc sẽ dễ dàng xâm chiếm và sự chấp nhận nhanh chóng được thành lập.
Không chỉ vậy! Những người học đạo vô trí này sẽ góp phần lan tỏa nhanh mạnh những tri thức tâm linh lầm lạc, u mê ra khắp mọi nơi bằng vào tin đồn cùng việc với việc “thổi phồng” những thông tin huyễn hoặc đã góp nhặt được.
Người học Phật xưa nay cũng thế - rất cả tin và một khi đã lầm tin thì rất mạnh miệng nói những lời không thật biết, không thật rõ. Họ sẽ loan truyền tin đồn “Tôi được nghe như vầy…” nhằm lan truyền căn bệnh truyền nhiễm mê tín dị đoan vào tâm thức của những người học Phật sơ cơ – Con vi rút mê tín dị đoan đã ra đời, tồn tại và phát triển trong dân gian như thế. Và người học Phật thiếu chánh kiến, thiếu chánh tư duy xưa nay đã không ngừng dung dưỡng, nuôi sống những mầm mống mê tín dị đoan thông qua việc mê huyền, đắm diệu.
Với người học Phật chân chánh, đúng mực thì cách hành xử sẽ khác. Người học Phật sẽ thắp ngọn đuốc trí tuệ soi rọi vào kinh điển của Phật môn lẫn giáo lý ngoại đạo, nhìn thẳng vào những chỗ không hiểu, không biết lắng lòng quán chiếu ngõ hầu nhận diện lẽ thực hư, chánh tà, chân ngụy.
Thông qua tuệ tri, tuệ giác sẽ khai mở người học Phật sẽ rõ Giác Giả, Thiện Tri Thức xưa nay lời nói đúng thật, tùy thời mượn huyền hiển chánh, không có việc Giác Giả thông đạt Phật đạo dùng những tích sự hoang đường, huyễn hóa mê hoặc học nhân và người đời sau.
…
Trải qua năm dài tháng rộng, đã có rất… rất nhiều người học Phật lạc lối, họ mong mỏi, kỳ vọng Phật Thích Ca có thần thông quảng đại, pháp thuật vô biên. Những người học Phật này muốn Phật hiện thân cứu khổ cho oan trái đời họ nên vội quên Phật thuyết “Hãy Tự Thắp Đuốc Mà Đi”, họ muốn Phật hiện thần biến nào bánh, nào cá cho muôn người đủ dùng như cách mà tương truyền Chúa Jesu đã từng dùng ư?
Sự thật là trên bước đường dấn thân truyền đạo chính Phật Thích Ca đã phải nhiều lần chịu đói khát. Phật Thích Ca không từng hiện thần biến mê hoặc, chiêu dụ chúng sinh nơi 3 cõi. Trong giáo lý Phật môn mà nhất là ở những pho kinh điển đại thừa thường có những thần biến mà chư Phật, chư Bồ tát hiển lộ, song người học Phật có tuệ tri tham cứu kinh điển phải biết “Đạt ý, vong ngôn”, cứu cánh của đạo giác ngộ giải thoát là buông bỏ chứ không là Chấp Thủ.
Dù rằng Tung Lam khởi hỏi về Tứ Thông – Nhị Minh nhưng Ngạo Thuyết “mượn gió, bẻ măng” trình bày luôn về Lục Thông – Tam Minh.
Xưa nay người học Phật khi tham cứu Tam Minh – Lục Thông dễ thường sẽ góp nhặt những thông tin đại loại như:
Tam minh là ba khả năng của một vị đã chứng Thánh Quả A La Hán. Sau khi nhập được vào Tứ thiền hoặc đắc được Đệ tứ Thánh quả thì người đó bắt buộc phải trải qua kinh nghiệm tam minh.
• Túc mạng minh: tuệ giác sáng suốt biết rõ các kiếp sống đã qua của mình và của tất cả chúng sinh.
• Thiên nhãn minh: tuệ giác sáng suốt biết rõ các kiếp sống tương lai của mình và của tất cả chúng sinh diễn biến sinh diệt như thế nào.
• Lậu tận minh: tuệ giác sáng suốt nhận biết các pháp đoạn trừ phiền não mê lầm của mình và của tất cả chúng sinh để được an lạc.[1]
Tam minh thường xuất hiện kèm với Lục thông.
Lục Thông nghĩa là Sáu phép thần thông, biểu hiện năng lực trí tuệ của chư Phật, Bồ tát và A-la-hán.
1. Thân như ý thông, còn gọi là Thần túc thông: biến hiện tuỳ theo ý muốn, thân có thể bay lên trời, đi trên biển, chui vào trong núi, một thân biến nhiều thân... tất cả mọi động tác đều tuỳ theo ý muốn, không hề chướng ngại.
2. Thiên nhãn thông: nhìn thấy tất cả mọi hình sắc ở gần hay ở xa trong cả thế gian, nhìn thấy mọi hình tướng khổ vui của chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi.
3. Thiên nhĩ thông: Nghe và hiểu hết mọi âm thanh trong thế gian, nghe và hiểu hết mọi ngôn ngữ của chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi.
4. Tha tâm thông: biết hết tất cả mọi ý nghĩ trong tâm của chúng sinh trong lục đạo.
5. Túc mệnh thông: Đối với bậc Toàn giác( đức Phật) - ngài biết được vô lượng kiếp trước của chính bản thân mình và của chúng sinh trong lục đạo, nhớ rõ sinh ra ở đâu, cha mẹ là ai, tên gì, làm gì...
Đối với các bậc A-la-hán khi chứng ngộ cũng chỉ có thể thấu triệt được 360 kiếp quá khứ, 360 kiếp vị lai chứ không phải là bất định. Giới hạn này tương ứng với vòng ứng nghiệp của chư vị Tỳ Kheo trong Ta Bà cõi.
6. Lậu tận thông: lậu tức là kiến hoặc và tư hoặc trong ba cõi. Lậu tận thông là dứt trừ toàn bộ kiến hoặc và tư hoặc trong ba cõi, không còn sinh tử luân hồi, được giải thoát hoàn toàn.
Căn cứ Luận câu xá[1] quyển 27, trong 6 phép thần thông trên, 5 phép thần thông đầu thì mọi người đều có thể đạt được, duy nhất phép thần thông thứ 6 thì chỉ có những bậc thánh mới có thể đạt được.
(Nguồn wikipedia)
Về Tam Minh – Lục Thông các bạn có thể tham khảo được ở nhiều nguồn dịch giải khác nữa nhưng nhìn chung thông tin mà các bạn nhận được sẽ ít nhiều tương tợ với nguồn wikipedia mà Ngạo Thuyết trích dẫn.
Qua những nguồn thông tin đó, hình tượng ông Phật với khả năng biến hóa đa đoan, quyền phép khôn lường. Phật có thể nhìn thấy, nghe và hiểu hết mọi âm thanh trong thế gian, nghe và hiểu hết mọi ngôn ngữ của chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi, biết được vô lượng kiếp trước của chính bản thân mình và của chúng sinh trong lục đạo, nhớ rõ sinh ra ở đâu, cha mẹ là ai, tên gì, làm gì...
Thật ra những dịch thuật, diễn giải Tam Minh – Lục Thông như trên là không đúng, không sát với thực tướng Như Lai. Phật Thích Ca hay các Giác Giả đắc Tam Minh – Lục Thông nhưng Tam Minh – Lục Thông đúng chánh pháp không hoang đường, huyễn hóa như thế.
Cũng lại như vậy. Ngũ nhãn được người học Phật hàng môn đồ tri giải triết luận như sau:
1. Nhục nhãn: mắt của thân xác.
2. Thiên nhãn: mắt của chư thiên trên cõi trời Sắc giới, cũng là mắt mà thiền giả đắc được khi đang tu tập; với mắt này thì chẳng luận gần, xa,trong, ngoài, sáng tối , đều thấy được tất cả.
3. Huệ nhãn: mắt của các vị tu tập đắc đạo, nhờ dùng trí tuệ quán được Chân không vô tướng.
4.Pháp nhãn: mắt trí tuệ của chư vị Bồ Tát, vì hóa độ chúng sanh nên nhìn thấy tất cả các pháp môn.
5. Phật nhãn: Mắt của Chư Phật.
Thật ra rốt ráo của việc phân định ngũ nhãn chỉ là nhục nhãn và huệ nhãn. Nhục nhãn là cái thấy biết của phàm phu; Huệ nhãn là cái thấy biết của tuệ giác chiếu soi ở Giác Giả.
Việc dính mắc phân biệt Tam Minh, Lục Thông, Tam Thân, Tứ Trí, Ngũ Nhãn… là việc chấp giữ của người chưa ngộ. Và do chấp đắm huyễn thuật của ngoại đạo nên người học Phật xưa luôn cố luận giải Phật phải có thần thông vượt trội hơn ngoại đạo và thế là Tam Minh – Lục Thông – Ngũ Nhãn đã bị thêu dệt sai với sự thật và trở nên hoang đường.
Giác Giả từng nói trong cái một có cái tất cả, trong cái tất cả có cái một. Do đó chỗ vi diệu của chánh pháp, của Tam Minh – Lục Thông là rõ biết chính mình thì rõ biết hết thảy chúng sanh chi loại.
Giác Giả đâu phải là thầy bói hay chiêm tinh gia hay thầy tướng số nên đâu cần việc soi căn xem ông này, bà nọ - kiếp trước là gì, làm gì, ở đâu?
Những trò tướng số, cầu an, giải hạn, cúng sao, soi căn, áp vong… là chiếc cần câu cơm của ngoại đạo; Những chiêu trò hư vọng, hoang đường đó Giác Giả đâu dùng đến để mê hoặc chúng sinh đang phiền não bởi vô minh.
Soi căn một người rồi tùy tiện nói 300 năm về trước người này từng trải qua 200 kiếp chồn, 50 kiếp từng là trâu ngựa… sống giữa thảo nguyên Tây Tạng. Nói như đúng rồi đấy, người kia muốn phản vấn thì biết nói làm sao? Chỉ là khẩu thuyết vô bằng.
Lại nói kiếp này mẹ cha, ông bà đã khuất đang là vong linh đói khát cần phải cúng bái, cầu nguyện, sám hối để giúp gia tiên siêu sinh Tịnh Độ. Kiểm chứng được chăng?
Lại nói kiếp sau nhân giả sẽ tái sinh ở nẻo người sống đời sung túc bởi kiếp này tu phước, cất chùa, độ Tăng… Trúng trật tùy tâm.
…
Ngoại đạo vẫn thường dùng những điều hoang đường, huyễn hóa mê hoặc chúng nhân. Người học Phật ngày nay không sáng rõ chánh pháp Phật môn, lại thiếu chánh kiến đã góp phần “biến” đạo Phật thành một tôn giáo thần quyền chứa giữ những điều mê tín dị đoan.
…
Tam Minh – Lục Thông ở Giác Giả là rõ biết chính mình, rõ biết mình lưu xuất từ niệm bất giác khởi thủy, tiếp theo đó là việc chấp giữ vô minh, u mê dính mắc vào cái tôi không thật rồi từ đó theo vòng nhân duyên tương tục, nghiệp quả trả vay mà thay khuôn, đổi mặt trong hà sa kiếp luân hồi trên muôn lối mộng.
Giác Giả rõ biết những khổ não, ưu bi giằng xé, vây quanh muôn kiếp sống đã từng trải qua, Giác Giả rõ biết mình chán ngán việc tử sinh nên đã dấn thân tìm lối thoát khỏi lưới mộng, tìm mãi… tìm mãi… rồi thì nhận ra cội gốc mê lầm. Buông bỏ cái tôi không thật mê lầm Giác Giả là Như Lai.
Rõ biết chính mình, Giác Giả biết chúng sinh chi loại chẳng khác. Chúng sinh chi loại cũng cứ trôi lăn sinh tử, tử sinh, thay khuôn, đổi dạng cùng những ưu bi, triền phược cũng chỉ vì u mê chấp giữ cái tôi thường tại.
Và khổ não, muộn phiền giằng xé đến một lúc nào đó chúng sinh chi loại sẽ tìm lối thoát khỏi luân hồi. Tìm … tìm mãi… rồi thì cũng sẽ tỉnh ngộ. Chúng sinh sẽ là Như Lai. Thế nên, Giác Giả từng nói “Ta Là Phật Đã Thành, Chúng Sinh Là Phật Sẽ Thành”.
Thế đấy, Tung Lam. Tam Minh – Lục Thông của chư Phật mộc mạc, chân phương là thế. Thần thông, quyền phép, năng lượng siêu nhiên,… cũng chỉ là hoa đốm giữa hư không, chấp giữ sẽ lại tựu thành những giấc mộng trả vay.
Bài liên quan
- Thêm Một Chút Về Thiền Định
- Nước Trong, Trăng Hiện
- Phải Chăng Chúng Ta Cầu Nguyện Đã Quá Lâu Rồi?
- Sự Thật Về Tam Minh - Lục Thông Của A La Hán Và Hơn Thế Nữa...
- Bạn Biết Gì Về Tứ Quả Thánh Và Tam Minh, Lục Thông?
- Ngạo Thuyết Chứng Ngộ Gì? (Lược trích)
- Có Một Ông Phật Như Thế!
- Đạo Phật Đã Phân Hóa Kể Từ Bao Giờ? (P. 2)
- Trả Lời Cho Ông Robert Bigelow Về Sự Sống Sau Cái Chết
- Có Không Sự Tồn Tại Của Sự Sống Sau Cái Chết?
- Đạo Phật Đã Phân Hóa Kể Từ Bao Giờ (P. 1)
- Hãy Là Người Học Phật Có Tư Duy
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét