
Sự Thật Về Tam Minh - Lục Thông Của A La Hán Và Hơn Thế Nữa...
Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021
Sự Thật Về Tam Minh - Lục Thông Của Phật Thích Ca
Lẽ ra bài viết này sẽ có tiêu đề Thu Thập Ngũ Thông Của A La Hán. Song do nhân duyên có vị pháp hữu hỏi về liệu có sự hư cấu ở Tam Minh - Lục Thông nơi Phật Thích Ca hay không nên Ngạo Thuyết có chút tùy biến về tiêu đề bài viết.
Có một thực tế không thể phủ nhận là nền văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi nền văn hóa Trung Quốc, dù cha ông ta có cố gìn giữ nét văn hóa bản sắc dân tộc Âu Lạc song việc bị đồng hóa nền qua hàng ngàn năm đô hộ giặc Tàu là điều không thể tránh khỏi. Văn hóa Thần quyền Trung Hoa ảnh hưởng sâu rộng đến Việt Nam qua các đền thờ, miếu mạo, tục thờ Thần hoàng, Thổ địa, ông Táo, Quan Thánh Đế Quân, thờ Mẫu,...
Những câu truyện thần thoại mang đậm bản sắc Trung Hoa như Phong Thần Diễn Nghĩa, Tam Hoàng - Ngũ Đế, Thần Tiên Trung Hoa, Nữ Oa Đội Đá Vá Trời, Liêu Trai Chí Dị, Tây Du Ký,... đã in đậm trong tâm khảm biết bao thế hệ người Việt và đã từng có rất nhiều người Việt có niềm tin vào những câu chuyện thần tiên ấy.
Truyện Thần Thoại Trung Hoa có Truyền Thuyết Bà Nữ Oa Tạo Ra Loài Người, chuyện kể rằng:
Sau khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, thế giới trần gian đã có sông nước, cây cỏ và muôn thú, mưa nắng thuận hòa. Nữ Oa tuy thấy nơi đây có chất của sự sống, nhưng dường như sự sống còn chưa hoạt bát, bà cảm thấy cần phải tạo ra một loài động vật mới.
Nữ Oa xem qua các loài động vật khác, bà nhận thấy chúng đều thiếu một thứ, đó chính là sự thông minh, tư duy, sáng tạo. Vì vậy, bà quyết định tạo ra một loài động vật có bộ óc cực kỳ thông minh, và động vật đó sẽ trở thành loài độc tôn trong các loại động vật.
Nữ Oa suy nghĩ không biết phải tạo loại động vật đó có thân hình thế nào. Suy nghĩ mãi, bà biến thân mình trở thành người có tứ chi, rồi bay lên mây du ngoạn khắp nơi. Bỗng đến dòng sông Hoàng Hà rộng lớn, bà nhìn xuống mặt nước, lúc đó, nước trong xanh, mặt nước tựa như gương, in bóng hình của Nữ Oa. Bà nhìn thấy hình của mình dưới nước, bất giác nghĩ ra cách để tạo ra loài động vật mới, mô phỏng theo thân hình của bà.
Nữ Oa lấy bùn dưới sông tạo ra con người. Chúng đứng thẳng bằng hai chân, có tay phối hợp với chân, thân thể trần trụi, bà còn chú ý tạo cho chúng một bộ óc thông minh hơn tất cả các loài nào khác. Rồi bà thổi hơi tiên vào, những động vật đất sét đó bỗng hóa thành động vật thật. Bà vui mừng, đặt cho chúng tên gọi là con người.
Nhưng bà không thể cứ mãi mãi nặn hình con người như thế, bà cần phải ban cho họ khả năng sinh sản để họ tự phát triển giống nòi. Thế là bà tạo những tượng đất sét cho thân thể khỏe mạnh, thổi dương khí vào những tượng đó, những bức tượng đó trở thành đàn ông. Bà thổi âm khí vào những bức tượng trông yếu mềm hơn, những bức tượng đó trở thành đàn bà.
Nữ Oa còn ban cho hai giới tính đó bộ phận sinh dục để sinh sản. Bà còn nghĩ cách để con người phân bố nhiều rải khắp nơi trên thế giới, bà liền dây ngoáy bùn dưới sông, cho bắn tung tóe lên khắp nơi trên mặt đất, tạo thành những lớp người phân bố khắp nơi.
...
Để thoát ly việc bị đồng hóa cội nguồn, Tổ tiên người Việt đã kể cho con cháu nghe Truyền Thuyết Lạc Long Quân Và Âu Cơ - Chuyện Cái Bọc Trăm Trứng, đồng thời những ông Bụt, cô tiên được phá cách lối mòn Trung Hoa nhằm phù hợp với nền văn hóa người Việt cổ.
Và Ngạo Thuyết tin rằng có rất nhiều người Việt Nam yêu thích những câu truyện thần thoại, tin nhận vào phép màu, vào thần thông của các vị Thần, các vị Tiên, nhiều người thuở bé còn mơ mộng làm hoàng tử, công chúa, nàng Tiên, ông Bụt,... Ôi! Tuổi thơ đầy những mộng mơ và mầu nhiệm của rất nhiều người Việt.
Cách đây vài mấy mươi năm về trước Ngạo Thuyết xem truyện cổ tích Việt Nam biết chuyện có bà lão đi rừng thấy dấu chân to hiếu kỳ ướm chân vào thử, kết quả, về nhà liền thọ thai sinh ra Thánh Gióng, lại có người phụ nữ đi đường khát nước, thấy cái sọ dừa đựng đầy nước mưa liền cầm lên uống cho đỡ khát về nhà liền thọ thai sinh ra cục thịt liền đặt tên là Sọ Dừa,... và nhiều câu chuyện cổ tích khác.
Ai nói Ngạo Thuyết ngu khờ thì Ngạo Thuyết đành chịu nhưng đã có một thời Ngạo Thuyết tin vào những điều mầu nhiệm, những phép màu,... đã từng mơ được gặp ông Bụt, bà Tiên. Và cũng đã từng gặp họ trong những giấc mơ, Ngạo Thuyết cũng đã từng bay như Peter Pan,...
Ngạo Thuyết đã đi một vòng khá lớn để kể chuyện Ngạo Thuyết đã từng mơ mộng tin nhận thần thông, phép thuật.
Và cũng như mọi người, Ngạo Thuyết đến với đạo Phật cũng được đọc những câu chuyện thần thông, phép thuật của Phật Thích Ca và các học trò của Phật nhưng Ngạo Thuyết lại ít khi lưu tâm dẫu có đôi lúc khởi sự hiếu kỳ.
Nhờ biết đến đạo Phật và chút phận hẩm hiu đối với lối mòn vào Phật môn mà về sau Ngạo Thuyết có duyên may "Vỡ Mộng". Ngạo Thuyết vỡ mộng rồi, thế giới hiện toàn chân nên đối với đạo Phật, quả thật Ngạo Thuyết có niềm tri ân sâu sắc, cảm kích tâm bi mẫn của Phật Thích Ca cùng các vị Thầy Tổ, từ đó Ngạo Thuyết có chút ước nguyện báo đền ơn Phật.
Nhìn lại bạn đạo cũng như biết bao người học Phật tìm về chánh pháp nhưng lại lạc lối trong rừng tà kiến si mê, điên đảo trong thần thông, huyễn thuật không có thật ở thế giới loài người cũng như ở xứ sở thần tiên, Ngạo Thuyết biết rằng sẽ có một ngày nào đó Ngạo Thuyết sẽ thu lại phép thần thông không thật có ở các vị A La Hán cũng như ở Phật Thích Ca.
...
Tương truyền hoàng hậu Ma Da nằm mơ thấy con voi trắng 6 ngà đi vào bên hông phải, hoàng hậu liền thọ thai. Thế đấy, làm Thánh nhân không dễ chút nào, người xưa muốn Thánh nhân phải có xuất thân trong sạch, không tì vết, không hoen ố từ thuở sơ sinh thế nên Thánh nhân không được phép thọ thai như người bình thường.
…
Ta lại thấy một Đức Mẹ Maria đồng trinh sau khi sinh ra cậu bé Chúa Jesu, Kinh Thánh đã viết như thế và tín đồ Kito Giáo buộc phải tin nhận vào điều đó, nếu không Đức Chúa Trời sẽ trừng phạt.
Thuở xa xưa khi Kito Giáo mới khai Tông, lập Giáo tín đồ Kito Giáo với sức hiểu nông cạn dễ dàng tin nhận nhưng về sau khi tri thức loài người nâng lên thì chính nơi hàng ngũ lãnh đạo hệ thống tôn giáo Kito đã phát sinh bỉ thử, lịch sử cuộc đời Chúa Jesu, Đức Mẹ Maria được nhắc đến thường xuyên trong các buổi giảng đạo và lộ ra những kẽ hở, bà Maria trước khi sinh Chúa Jesu đã có 2 đến 3 người con.
Thế là giữa những người lãnh đạo Kito Giáo có sự biện luận, tranh cãi ban đầu chỉ là lời ong, tiếng ve sau đó cuộc tranh cãi trở nên gay gắt và xé toạc Kito Giáo ra thành Công Giáo và Tin Lành.
Tín đồ Công Giáo cố giữ niềm tin Mẹ Maria đồng trinh vì bà đã sinh ra Chúa Jesu Toàn Năng, bất chấp việc bà đã có những người con trước đó, đồng trinh vẫn là đồng trinh.
Tín đồ Tin Lành với tư tưởng phóng khoáng, biết chấp nhận sự thật hơn, họ thừa nhận bà Maria đã sinh gần nửa tá người con thì chẳng thể gượng nói là đồng trinh, Song việc bà Maria không còn đồng trinh không hề làm giảm đi sự tôn kính của tín đồ đối với bà Maria và Chúa Jesu. Điều này rất phải lẽ kính ngưỡng không đồng nghĩa với việc không tôn trọng sự thật, việc lấy ngụy làm chân, sa đà vào điều huyễn hoặc tự lừa mình tin rồi dối lừa cả muôn người.
...
Tương tự như thế Phật được phác họa lối thọ thai có sự tương đồng với Thánh Gióng, với Sọ Dừa, với Đức Mẹ Maria đồng trinh,... dù về mặt diễn giải hình tướng có khác nhưng bản chất vấn đề thật sự là như thị.
Ta lại còn biết đến Phật sinh ra đời không vội khóc tiếng khóc chào đời như những đứa trẻ bình thường mà Phật đã vững vàng bước 7 bước với một tay chỉ trời, một tay chỉ đất dõng dạc nói "Thiên thượng, thiên hạ duy ngã độc tôn", sau mỗi bước chân Phật lúc bấy giờ hiện ra 7 đóa sen thơm ngát.
Sử liệu đạo Phật đã không nói sau đó Phật từ từ ngồi xuống hay ngã oạch xuống song kỳ diệu thay đã có những đài sen hiện ra nhẹ nhàng nâng đỡ cậu bé vừa mới lọt lòng,...
Và có một điều đáng ngạc nhiên là có rất nhiều người học Phật ở cả hai hệ phái Nam - Bắc Tông đều tin nhận những truyền thuyết hư cấu này. Mỗi dịp lễ Phật đản hàng năm chùa chiền, tự viện ở muôn nơi đều tổ chức những đại lễ hoành tráng để được nghe kể lại những câu chuyện xưa cũ nát hoang đường về việc Phật nhập thai mẹ và sự khác thường khi một vị Phật vừa mới sinh ra.
Ta lại được nghe khi Phật sinh ra các vị Bà la môn, các chiêm tinh gia được mời về hoàng cung ăn mừng đồng thời xem tướng cho Thái tử Tất đạt đa và tất cả đều đánh nước đôi tiên đoán rằng Phật sẽ xuất gia trở thành một vị thầy giác ngộ toàn giác hoặc sẽ là một vị Sát Đế Lợi Chuyển Luân Thánh Vương hùng mạnh.
Đáng kể nhất là việc một vị tiên nhân A Tư Đà ẩn cư trên núi cao đã tìm đến xem tướng Phật rồi òa khóc khẳng định rằng Thái tử Tất Đạt Đa sẽ không làm vị vua ở vương triều Thích Ca mà sẽ trở thành Phật, người giác ngộ tột cùng. Và tiên nhân A Tư Đà òa khóc vì mình đã quá già nên không có cơ hội được học pháp từ Phật Thích Ca.
Do cuộc đời của Phật bị hư cấu nhiều yếu tố nên chỉ lắng lòng nhìn nhận người học Phật sẽ dễ dàng nhận ra những sự bất hợp lý đến hoang đường. Nhưng lạ thay vì để nương tựa mà người học Phật xưa nay vẫn cố bám víu, gìn giữ những điều không thật đó.
Kết quả là khi nội tâm mất cân bằng, sự hiểu biết nền lạc lối, định lực yếu đuối dẫn đến việc mất niềm tin nơi chính mình thì người học Phật lại đắm chìm vào những tà kiến tâm linh bệnh hoạn.
Và do vô minh người học Phật sẽ không nhận ra điều đó, họ lại tin rằng mình đã hiểu và hành đúng chánh pháp bởi vì Phật đã nói như thế, người học Phật xưa nay đều truyền tai nhau về những điều như thế.
Ở đây, vị tiên nhân A Tư Đà là người đắc đạo thâm sâu nên mới có thể biết được Thái tử Tất Đạt Đa sẽ chứng ngộ quả vị Phật nhưng lại khóc vì sẽ không đủ duyên học pháp từ Phật Thích Ca do quá già. Đây là điều không hợp lý, người đắc đạo Tiên về lý có thể trút bỏ thân xác già nua và có đủ định lực nhập thai tái sinh mau chóng. Phật Thích Ca chỉ là đứa bé vừa mới lọt lòng thì đâu thể nói tiên nhân A Tư Đà không có cơ may đủ duyên học Phật.
Chúng ta còn được biết Phật Thích Ca có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp và hai ẩn tướng đặc biệt cần có ở người đắc đạo thành Phật là tướng lưỡi rộng dài và tướng mã âm tàng.
Trong kinh Phật hai ẩn tướng đấy được nhắc đến nhiều hơn so với 30 hiện tướng còn lại. Tướng mã âm tàng tức nam căn đầy đủ nói theo kiểu việt hóa hoàn toàn là bộ phận sinh dục nam hoàn chỉnh không có sự suy bại.
Phải chăng điều này là vết tích cho thấy ngoại đạo đã báng bổ, bài xích Phật là người nam căn suy bại để triệt hạ uy tín, sức ảnh hưởng của Phật Thích Ca và người học Phật đã bảo vệ Phật bằng hai ẩn tướng cụ túc cần đủ để trở thành một vị Phật?
Tương tự như thế, phải chăng tướng lưỡi rộng dài là dấu vết để người đời sau biết được Phật Thích Ca chân phương vốn là người ít nói, kiệm lời. Điều này là hợp lẽ đạo bởi lẽ hồ sâu, nước lặng, người biết đạo không ham nói về đạo, lời thừa không lạm dùng.
Chuyện nghi ngờ giới tính cũng như khả năng nhạo thuyết biện tài của Phật Thích Ca tạm gác lại, bây giờ chúng ta đi vào nội dung chính của bài viết - Sự thật về Tam Minh - Lục Thông của Phật Thích Ca.
Thật ra một khi trình bày rành rõ Lục Thông chính là đã nói trọn vẹn về Tam Minh. Ngạo Thuyết không rõ bộ kinh Phật đầu tiên nói đến Tam Minh - Lục Thông là bộ kinh nào nhưng Ngạo Thuyết khẳng định rằng Phật Thích Ca sẽ không bao giờ nói mình chứng đắc Tam Minh - Lục Thông. Phật là người chứng ngộ toàn giác nên hẳn nhiên không thể là người thích khoe mẽ theo lối mèo khen mèo dài đuôi.
Kết luận của Ngạo Thuyết là Tam Minh - Lục Thông do người học Phật đời sau tán thán Phật và đây cũng là cách xiển dương chánh pháp. Mười danh hiệu của một vị Phật cũng là sản phẩm do người đời sau lập ra và Ngạo Thuyết nhìn nhận đây cũng là một vị Giác Giả thông tuệ.
Tam Minh - Lục Thông đã là chỗ canh tân đạo Phật thì hiển nhiên việc luận về Tam Minh - Lục Thông càng không phải do Phật Thích Ca tuyên thuyết.
Vị Giác Giả đời sau thấy ngoại đạo không ngừng canh tân giáo lý, tiếp thu có chọn lọc giáo lý đạo Phật nên dần hoàn thiện khả năng biện luận. Khi luận thuyết hoàn chỉnh ngoại đạo Bà La Môn không ngừng công kích đạo Phật, tranh thủ sự ân sủng của thành phần Sát Đế Lợi, từng bước xóa sổ đạo Phật.
Bên cạnh đó việc phô trương về thần thông, bùa phép ở ngoại đạo khiến đạo Phật ngày càng lép vế, tín đồ đạo Phật tụt giảm dần do việc tháo chạy khỏi đạo Phật, quy thuận ngoại đạo Bà La Môn.
Dưới sức ảnh hưởng của hệ thống Bà La Môn giáo, giáo đoàn Tỳ kheo ngày càng rệu rã, lụn bại và bị các giai tầng xã hội đương thời ghẻ lạnh, xa lánh; Chánh pháp giác ngộ giải thoát đứng trước nguy cơ bị diệt vong.
Để khêu sáng lại ngọn đuốc chánh pháp vị Giác Giả thứ hai đã phương tiện công nhận đồng thời xác nhận thần thông của ngoại đạo và hệ thống những chiêu trò mê hoặc tín đồ của ngoại đạo thành Ngũ Thông gồm - Thân Như Ý Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Thần túc thông (Túc mệnh thông).
Sở dĩ vị Giác Giả đời sau không mạnh bạo xóa bỏ thần thông, không quyết đoán chỉ rõ sự hư dối của bùa phép ngoại đạo là vì tri thức nền của đại chúng lúc bấy giờ còn hạn chế, sự chi phối giáo lý Bà La Môn đã trải qua nhiều đời, giáo lý Bà La Môn lại được nhồi sọ loài người ngay từ tấm bé nên không thể, không dễ xóa khỏi tàng thức của loài người.
Người học đạo cần có thêm thời gian học hỏi Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế mới có cơ may đột phá trùng vây của vô minh.
Hơn nữa, vị Giác Giả toàn giác rõ biết loài người dù là một nẻo chúng sinh thông minh bậc nhất nhưng cũng bị chính sự thông minh làm chướng ngại, do không tự tin vào chính mình nên từ xa xưa loài người phải nương tựa những phép màu, tin nhận những Đấng quyền năng từ đó mê huyền, đắm diệu, đánh mất dần sự tự chủ vốn có thuở nguyên sơ.
Thuở sơ khai loài người chỉ sợ thú dữ chứ nào biết đến Thần linh cũng như lệ thuộc đời sống tinh thần vào các Đấng quyền năng hư cấu, không thật tướng.
Ngược lại chúng sinh nẻo súc sinh không cần biết đến sự có không việc tồn tại các Đấng Quyền Năng cũng không cần quỳ mọp, lễ bái, cầu xin các vị Thần Linh. Chúng tự nhiên sống tùy duyên sinh diệt.
Còn loài người vì mong cầu mà phải quy thuận những Đấng Quyền Năng huyễn hoặc với đủ đầy lễ nghi thuần phục, cùng việc van nài, thỉnh cầu song loài người vẫn phải tùy duyên sinh diệt, lại thêm phần dằn vặt với những âu lo, phiền muộn việc đắc thất cũng như việc tử sinh.
...
Mặt khác, những điều mầu nhiệm nơi cuộc sống là có thật nhưng những mầu nhiệm đó vốn không ngoài một chữ Duyên.
Song Giác Giả nhận biết trong một sớm, một chiều không thể chỉ bày loài người sáng rõ vạn pháp chỉ bằng vào một chữ Duyên nên đã bày phương tiện khéo Ngũ Thông ngoại đạo.
Ngoại đạo đang cả mừng vì thần thông, phép thuật chứa đựng nhiều điều hư dối được chính thức công nhận từ chính vị lãnh tụ tinh thần đạo Phật thì vị Giác Giả thứ hai tung ra sát chiêu quyết định - "Ngoại đạo tu trì chứng ngộ có được Ngũ Thông nhưng Ngũ Thông đấy chẳng ích gì vì vẫn nằm trong nhân quả, vẫn chìm nổi trong luân hồi".
Vị Giác Già lại nói "Khác với ngoại đạo, người học Phật đúng pháp đắc A La Hán sẽ thành tựu đầy đủ Ngũ Thông và đắc cả Lậu Tận Thông, viên mãn Lục Thông.
Việc biến pháp xảo diệu này khiến ngoại đạo không thể tranh biện, ngoại đạo không thể phủ nhận Lục Thông vì Lục Thông ôm trọn Ngũ Thông của ngoại đạo. Bác bỏ không có Lậu Tận Thông thì ngoại đạo không đủ sức biện luận.
Cá nhân Ngạo Thuyết tin rằng để Tam Minh - Lục Thông có được chỗ đứng trong kinh sách Phật học, việc này sẽ phải trải qua cuộc tranh biện gay gắt giữa vị lãnh tụ tinh thần đạo Phật tức vị Giác Giả đời sau với các vị Bà La Môn và có sự giám sát của thành phần Sát Đế Lợi cũng như đông đảo giai tầng xã hội tham dự, trong đó có cả những người học Phật thoái tâm, rệu rã niềm tin đối với Phật đạo.
Chúng ta đều biết ngoại đạo luôn tìm cách xóa sổ đạo Phật ngay cả khi Phật Thích Ca còn tại thế nhưng đã không thành công. Khi Phật Thích Ca nhập diệt ngoại đạo thường xuyên ra sức triệt phá đạo Phật để giành lại vị độc tôn thủ lãnh tinh thần ở các quốc gia quanh lưu vực sông Hằng.
Dựa vào Áo Nghĩa Thư, Kinh Phệ Đà cùng sự canh tân giáo lý các vị Tông chủ Bà La Môn sẽ yêu cầu những cuộc tranh biện giáo lý có sự chứng kiến của thành phần Sát Đế Lợi ngõ hầu tranh phần ân sủng và cũng là cách triệt tiêu đạo Phật.
Và chính những cuộc biện luận cọ xát này đã giúp giáo lý của đạo Bà La Môn, đạo Phật không ngừng canh tân nhằm tồn tại, Tạng Vi Diệu Pháp được người học Phật hệ phái Nam Truyền tin nhận đã ra đời trong bối cảnh đạo Phật đã trải qua những cuộc luận pháp căng thẳng đó.
Có thể nói tạng Vi Diệu Pháp, triết lý Tánh Không,... là sản phẩm có được từ sự cọ xát ở những cuộc đấu trí, đấu tâm lực giữa đạo Phật cùng ngoại đạo và đây cũng là sự canh tân về giáo lý đáng kể của đạo Phật sau thời Phật Thích Ca nhập diệt.
Thế mạnh của đạo Bà La Môn - ́Ấn Độ Giáo là sự không ngừng tiếp thu có chọn lọc cùng với sự canh tân toàn diện.
Về sau là giáo lý Bà La Môn có sự tiến bộ bằng vào tính kế thừa, tiếp thu tư tưởng ngoại đạo, chấp nhận sự tranh biện quyết liệt để bảo vệ chủ thuyết tôn giáo, từ đó có những đột phá về sự canh tân nhưng vẫn luôn giữ bản sắc đặc trưng của Thần Giáo, đó là bám thủ kiến chấp Đại Ngã - Lấy Braham làm giềng mối đạo.
Và đây chính là tử huyệt khiến ngoại đạo Bà La Môn - Ấn Độ Giáo không thế tranh biện thắng thế trước hành giả thông tuệ nơi đạo Phật.
Ngược lại, đạo Phật thụ động hơn trong việc canh tân giáo lý nhưng may mắn là trước những mối nguy diệt giáo luôn có những vị hành giả nương nơi giáo lý đạo Phật, thâm nhập, lĩnh hội vô ngã mà dùng nhạo thuyết biện tài xô đổ những tà thuyết duy ngã của ngoại đạo.
Quả thật là cho dù Ngũ Thông của ngoại đạo có biến hóa đa đoan, thêm thắt hư dối khôn lường đến thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể vượt thoát khỏi luân hồi 3 cõi.
Nhưng chỉ bằng vào Lậu Tận Thông với tuệ giác sáng suốt biết rõ tất cả phiền não của mình và mọi loài chúng sinh, biết cách tự mình thoát khổ, thoát khỏi luân hồi cũng như chỉ dẫn mọi loài chúng sinh thoát khổ, giải thoát hoàn toàn thì Giác Giả sẽ bẻ gãy tất cả triết thuyết duy ngã của ngoại đạo, giữ gìn chánh pháp Phật môn sáng rõ cho muôn đời sau.
Tam Minh - Lục Thông của Phật là như thế đấy, người học Phật đúng mực, sáng suốt biết tư duy là người phải rõ biết Phật chỉ là người thoát ra khỏi mọi khổ đau, giải thoát hoàn toàn và chỉ bày mọi người cách thoát khổ, thoát khỏi luân hồi.
Vì lẽ đó người học Phật đừng giữ mãi tri kiến Phật là người biết tất, biết tuốt chuyện quá khứ, hiện tại, vị lai, biết đi trên nước, biết ẩn trong mây, biến đá thành vàng, nấu cát thành cơm hay có thể cúng sao, giải hạn, hóa giải oan gia trái chủ,...
Bạn đang đi tìm điều gì?
- Nếu chí nguyện của bạn là thoát khổ, giải thoát hoàn toàn thì hãy tìm đến đạo Phật.
- Nếu bạn chú tâm nhiều về sức khỏe, thần thông, bùa chú, những phép màu,... có lẽ bạn nên tìm những điều ấy ở ngoại đạo sẽ dễ dàng hơn.
Vì sao?
Vì phép màu, thần thông, huyễn thuật, sức khỏe,... là sản phẩm của duy ngã. Ngoại đạo chủ về duy ngã nên sẽ có sự tương ưng và nhất quán về pháp hành hơn. Đạo Phật chủ về vô ngã nên đến với đạo Phật mà mộng tưởng đắc thần thông thì ứng với một sự thật, đó là Nhân sai biệt quả sẽ thành hư vọng, do đó hành nhân sẽ rất khó thành tựu việc đắc thần thông cao thâm bởi vì sự mâu thuẫn nội tại giữa duy ngã - vô ngã.
Và Ngạo Thuyết khẳng định bất kì người học Phật nào dù là Tăng hay tục, dù thuộc hệ phái Phật học Nam - Bắc Tông, Thiền - Tịnh - Mật,... mà nói đến việc đắc thất thần thông, lạm bàn tán thán những quyền năng, huyễn thuật của Thầy Tổ đều sẽ là người học Phật không đúng pháp, đương nhiên họ sẽ là ngoại đạo trước lăng kính đạo Phật.
Người học Phật ngày nay phần đa đều là duyên tạp học. Một khi biết đến Mật Tông người học Phật sẽ thấy hành giả Mật Tông có nhiều quyền năng siêu nhiên, thần thông vô cùng.
Những Thầy Tổ Mật Tông đã được tạo hình như thế và ngàn năm bia miệng vẫn còn nên những người hành trì Mật Tông luôn được khoác bộ cánh huyền bí, mầu nhiệm.
Và để có được chỗ đứng vững vàng trong lòng tín đồ những bậc thầy tâm linh không triệt ngộ Phật pháp của các hệ phái, tông giáo Phật học khác như Nam - Bắc Tông, Tịnh Độ Tông,Thiền Tông cũng sẽ phải thêu dệt nên những câu chuyện huyễn hoặc mình thành tựu, việc Thầy Tổ đầy quyền phép.
Nhưng kẽ hở của những thần thông, huyễn thuật của các bậc thầy tâm linh ở đạo Phật thường là khẩu thuyết vô bằng, lại thêm việc người đã chết không thể đối chứng hoặc vì quá tôn kính, kinh sợ mạo phạm mà việc chứng thực chân ngụy thường bị người học Phật bỏ ngõ, chỉ cậy nhờ vào niềm tin.
Những điều Ngạo Thuyết trình bày cơ hồ như đã xô đổ cả nền tri kiến Phật học được công nhận, thừa nhận từ xưa đến nay, sự trình bày của Ngạo Thuyết về đạo Phật là đúng hay sai đối với chánh pháp Phật môn nhất thời mọi người có thể không dễ chấp nhận cũng như lĩnh hội trọn vẹn.
Song những điều Ngạo Thuyết trình bày luôn có khuynh hướng giúp mỗi người đến muôn người có thể hiểu được, chạm đến được, lĩnh hội được.
Vấn đề là đúng, là sai chánh pháp ở Ngạo Thuyết hãy để mặc thời gian trả lời, điều cần thiết hơn là bạn hãy để cho bạn có khoảng thời gian nội hóa, hãy tư duy lại việc học Phật nơi tự thân.
Và bất kỳ những ai cho rằng Ngạo Thuyết nói không đúng với chánh pháp mà Phật Thích Ca trao truyền thì hãy đưa ra những phản biện khách quan, xác đáng. Ngạo Thuyết sẽ trân trọng tiếp thu và mở ra một cuộc đàm luận công khai, minh bạch.
Song người đến hãy đàm luận như một vị Trí Giả và Ngạo Thuyết sẽ tham gia với tư cách của người bị chất vấn biết lắng nghe và mở lời bảo vệ luận thuyết của mình khi thấy đúng thời.
...
Ở bài viết này Ngạo Thuyết có thừa nhận những điều huyền bí, mầu nhiệm.
Đúng vậy! Ngao Thuyết thừa nhận sự tồn tại của những điều huyền bí cũng như bùa chú có ảnh hưởng đến cuộc sống và cả đời sống tâm linh của con người.
Nhưng thần thông, huyễn thuật có thật thì không hoang đường, hư dối như những điều mà mọi người đã được biết đến.
Đôi khi sự tín tâm lại che mờ mắt huệ và chánh trí nơi mọi người, do đó người học Phật đúng mực cần phải nhìn nhận, tư duy lại cả chính những điều mà tự thân mắt thấy, tai nghe.
Đừng vội tin vào những tin đồn. Đừng vội tin vào một ai đó có Tha tâm thông, Thiên nhãn thông, việc có con mắt thứ ba biết trước mọi chuyện,...
Đừng vội tin vào những lời tiên tri bởi lẽ những lời tiên tri chỉ là sự phán đoán, định ước của một người có tầm nhìn sâu rộng hoặc đơn thuần chỉ là việc nói bừa và nền tảng cho việc ứng nghiệm sẽ là quy luật của đạo.
Thêm nữa, khi lời tiên tri ứng nghiệm thì mộ của nhà tiên tri đã xanh cỏ biết bao lần.
Và những lời được xem là tiên tri thường tối nghĩa và luôn không có mốc thời gian cụ thể, cho đến khi việc xảy ra rồi thì những người thích thể hiện việc "cầm đèn chạy trước ô tô" mới tô vẽ, giải trình lời tiên tri mới nói như đúng rồi về những dự ngôn tiên tri, lối giải lời tiên tri như thế thì có khác gì việc bàn lô đề sau giờ xổ số.
Mười năm trước Ngạo Thuyết đưa ra dự ngôn đập Tam Hiệp sẽ vỡ, đến nay đập Tam Hiệp chưa vỡ. Chẳng sao cả ít lâu sau, sớm muộn gì đập Tam Hiệp cũng sẽ vỡ tung.
Lẽ nào khi đó Ngạo Thuyết sẽ trở thành một nhà tiên tri sáng suốt hay sao?
Đấy là điều hư dối! Đập Tam Hiệp sớm muộn gì cũng sẽ vỡ đó là quy luật của đạo, của cơn cuồng nộ thiên nhiên hoặc có thể là sự phẫn nộ do bị bức bách ở con người.
...
Nhiều người vẫn rất tin vào việc có người có thể nhìn thấy tiền kiếp của người khác.
Đúng vậy, người học Phật Việt Nam chẳng phải đã trải qua một hiện tượng Phạm Thị Yến, vị nữ hộ pháp chùa Ba Vàng biết rõ tiền kiếp rất nhiều đời của những người đến làm Pháp Thỉnh Oan Gia Trái Chủ đấy sao?
Và chẳng phải là chẳng mấy ai dám phản kháng khi bà Phạm Thị Yến mạt sát nói ra những tiền kiếp xấu xa, tệ bạc đấy sao?
Làm sao dám phản kháng khi đang đầu lụy, thỉnh cầu với một sự hiểu biết hẹp kém, định lực yếu kém sợ Trời Phật, sợ Oan gia trừng phạt?...
Phải chăng những điều đó cho thấy bà Phạm Thị Yến đã nói đúng tất cả tiền kiếp của những người đến thỉnh cầu?
Khẩu thuyết vô bằng và Thiên nhãn thông của Phạm Thị Yến bị vạch trần là sự dối trá khi chạm đến người đã khuất, cô gái giao gà ở Điện Biên.
Lời ác khẩu của Phạm Thị Yến bị bóc trần và gián tiếp phanh phui ra việc trụ trì chùa Ba Vàng, Thích Trúc Thái Minh dung túng và cùng hành pháp tà môn - Pháp Thỉnh Oan Gia Trái Chủ ở ngay trong tự viện – Chùa Ba Vàng.
Mọi việc rồi cũng qua khi chung chi đủ, sư Thích Trúc Thái Minh vẫn vững vàng ngôi trụ trì của một dự án du lịch tâm linh khủng.
Và thông qua việc lộ hình tích của Phạm Thị Yến ta sẽ lại biết người học Phật ngoại đạo Việt Nam và thế giới hiện có vô vàn người là Đấng Pháp Vương, là những vị Phật sống có Tha tâm thông, Thiên nhãn thông,... nhưng Phật pháp không thông đang hoằng pháp kiếm lợi danh trên những dối lừa.
…
Và bạn đang tìm gì khi đến với đạo Phật?
Bài liên quan
- Giải Pháp Phòng Chống Dịch Covid Cho Hiện Tại Và Tương Lai - Phá Kiến Thức
- Thuyết Âm Mưu Về Chiến Lược Phòng Chống dịch Covid Của Trung Cộng - Thuật Dùng Binh - Kiếm Trung Kiếm
- Những Sự Ngu Người Trong Đại Cuộc Chống Dịch Covid - 19 Ở Việt Nam và Toàn Thế Giới - Đoạn Kiếm, Tàn Cầm
- Ngạo Thuyết Nói Về Sự Sống Sau Cái Chết - Tri Kiến Khởi Tri (P. 1)
- Ngạo Thuyết Nói Về Cái Chết - Tri Kiến Khởi Tri
- Ngạo Thuyết Mạn Đàm Về Cái Chết - Tri Kiến Khởi Tri (P. 2)
- Ngạo Thuyết Mạn Đàm Về Cái Chết - Tri Kiến Khởi Tri (P. 1)
- Giải Mã Ngoại Đạo
- Thực Tướng Như Lai
- Tất Đạt Đa Đã Hành Thiền Như Thế Nào Để Chạm Đến Sự Giác Ngộ...
- Câu Chuyện Hoằng Pháp - Tình Cờ Gieo Duyên
- Bóc Tách Pháp Môn Khán Thoại Đầu
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét