Thêm Một Chút Về Thiền Định
Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021
Trong khoảng thời gian gần đây, Ngạo Thuyết có nhận được một vài yêu cầu về việc nói rõ hơn các pháp Thiền quán, Quán Tứ Niệm Xứ, Pháp Khán Thoại Đầu,... Vậy nên Ngạo Thuyết sẽ nói thêm về các hành thiền, mỗi pháp hành sẽ được trình bày thêm một chút...
Ta trao nhau một chút tình lặng lẽ
Một chút yêu thương cay đắng mặn nồng
Để rồi nay mỗi người mỗi ngã
Một chút thôi cũng làm khổ nhau rồi - (Nhặt nhạnh)
Thế đấy! Chỉ một chút thôi cũng đủ làm khổ nhau rồi.
...
Trước khi dấn thân thực hành các pháp thiền quán hành nhân cần phải lắng lòng cho tâm định, thần nhàn. Nói một cách khác là mọi pháp hành thiền quán đều phải dựa trên nền tảng thiền định.
Về cơ bản pháp thiền định sẽ được các vị đạo sư hướng dẫn dựa trên hơi thở, thông thường hành nhân sẽ được yêu cầu hành trì ở tư thế ngồi bán giá hoặc kiết già để đạt được việc điều phục tâm, hàng phục tâm tốt nhất. Sau khi ổn định được tư thế vững vàng hành nhân sẽ được yêu cầu thực hiện các phép thở từ mạnh đến nhẹ; Tiếp đến là chú tâm quán sát việc hít vào, thở ra; Tiếp đến nữa sẽ là việc đếm hơi thở theo một chu kỳ nhất định; Đây tạm xem là giai đoạn 1 của phép thiền định.
Sau khi đã điều phục hơi thở và đạt được sự chú tâm nhất định, hành nhân sẽ được yêu cầu việc dừng đếm số và chú tâm xem những diễn biến xảy ra nơi nội tâm, quán sát hiện tượng tâm hươu, ý vượn chạy loạn trong đầu; Đây tạm xem là giai đoạn 2 của phép thiền định
Lúc bấy giờ, tùy vào vị thầy hướng dẫn thiền mà hành nhân có những cách điều phục, an trụ tâm khác nhau; Có người sẽ yêu cầu hành nhân thấy vọng tâm khởi thì chặt đứt, thế là từng niệm vọng một, hai, ba,... n,... lần lượt bị chặt đứt; Có người sẽ yêu cầu hành nhân cứ thả cho vọng tâm chạy và theo dõi sát sao; Có người lại yêu cầu hành nhân tập trung chú ý những diễn tiến xảy ra trên Thân, Tâm, Cảnh để "cột" tâm vọng cuồng; Có người lại dùng phương thức niệm Phật, trì chú để tập định,...
Gần 10 năm trước, Ngạo Thuyết cũng đã từng hành theo pháp hành thiền ở giai đoạn 2 thấy vọng tâm khởi liền chặt đứt.
Tuy nhiên, có vẻ như Ngạo Thuyết không thích hợp với phương pháp đấy nên về sau mỗi khi Ngạo Thuyết ngồi thiền mà vọng tâm sinh khởi thì Ngạo Thuyết lại để tâm dõi theo; Trải qua một quãng thời gian Ngạo Thuyết nhận thấy rằng khi tâm vọng khởi và bị sự chú tâm của hành nhân dõi theo thì tâm vọng sẽ giảm dần và rồi tự mất. Nhưng để thành công trong việc an trụ tâm, điều phục tâm thì về cơ bản hành nhân phải thực hành tốt việc chú tâm tức là phải hành trì tốt giai đoạn 1 của việc thiền định.
Phương thức hành thiền cơ bản này Ngạo Thuyết đã trình bày ở bộ sách Cánh Cửa Cuối Đường Hầm. Và Ngạo Thuyết vẫn thường hướng dẫn mọi người hành thiền theo lối đó.
Những năm gần đây, Ngạo Thuyết nhận ra việc thực hành thiền định không nhất thiết phải cứng nhắc như vậy bởi lẽ không phải ai cũng có thể ngồi bán già hoặc kiết già.
Do đó Ngạo Thuyết đã xác lập phương pháp thiền định "Nước trong, trăng hiện". Với khẩu quyết "Nước trong, trăng hiện" Ngạo Thuyết hy vọng rằng qua cụm từ hình tượng có tính trực quan sinh động đó người hành trì sẽ "như lý, tác ý" mà không rơi vào sự kỳ vọng sai lầm khi hành thiền - Ảo vọng chứng đắc - chứng ngộ.
Hành nhân có thể hành trì "Nước trong, trăng hiện" mọi lúc, mọi nơi và không hạn cuộc vào tư thế đi đứng nằm ngồi. Hành nhân có thể vận dụng bất kỳ cách thức điều phục tâm, an trụ tâm nào phù hợp với khả năng, thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng như điều kiện, hoàn cảnh sống của bản thân.
Ngạo Thuyết xin nhấn mạnh rằng "Cốt lõi của việc thiền định chỉ là việc dừng lặng tâm". "Nước trong, trăng hiện" là việc giữ tâm phẳng lặng như gương soi tiếp vật, người cảnh đều quên; Ấy là Đại thiền định.
...
Tùy theo căn tánh, nội hàm cũng như chủng tử huân tập từ tiền kiếp mà định tâm, định lực ở mỗi người có sự sai khác. Cụ thể là có rất nhiều người dù không từng hành thiền, không từng ý thức rèn giũa việc tập định nhưng định tâm, định lực họ lại rất vững vàng. Đây là một dạng thiền định thuần túy luôn có nơi nội tại của mỗi người và tùy duyên huân tập từ tiền kiếp cũng như ở hiện kiếp mà định tâm, định lực của người đó kiên cố hay mỏng manh.
Ở chiều kích ngược lại, có rất nhiều người cố tâm hành thiền tập định nhưng mỗi khi dụng công hành thiền thì mới thấy rằng "Tâm hươu, ý vượn" miên man, chẳng dễ điều phục, càng cố ngồi tâm lại càng tán loạn khiến cho hành nhân thêm phần hoang mang. Với những người hành thiền mà tâm ý khởi sinh tán loạn như thế thì cần phải chú ý hơi thở, theo dõi hơi thở, đếm hơi thở, niệm Phật, trì chú,... Nói tóm lại là hành nhân phải ra sức dụng tâm cột tâm ý vào một đối tượng, một phương tiện nào đó phù hợp với căn tánh của mình và kiên trì hành trì từng chút một, từng chút một,... Khi cảm thấy việc hành trì thiền định trở nên quá áp lực, quá nặng nề thì hãy nghỉ ngơi, thư giản bằng việc đi bộ hay làm một việc gì đó để quên đi việc thiền định. Cứ thư thả và kiên trì thì hành nhân sẽ dần dà có được sự chú tâm, định lực theo đó sẽ từ từ tăng trưởng.
Dù người học Phật là bậc đại căn, thượng trí hay kẻ độn căn, chậm lụt đều phải hành thiền tập định, đây là một nấc thang quan trọng mà hành nhân học Phật trước sau gì cũng phải thọ trì.
...
Bài liên quan
- Nước Trong, Trăng Hiện
- Phải Chăng Chúng Ta Cầu Nguyện Đã Quá Lâu Rồi?
- Sự Thật Về Tam Minh - Lục Thông Của A La Hán Và Hơn Thế Nữa...
- Đôi Nét Về Tam Minh - Lục Thông Của A La Hán
- Bạn Biết Gì Về Tứ Quả Thánh Và Tam Minh, Lục Thông?
- Ngạo Thuyết Chứng Ngộ Gì? (Lược trích)
- Có Một Ông Phật Như Thế!
- Đạo Phật Đã Phân Hóa Kể Từ Bao Giờ? (P. 2)
- Trả Lời Cho Ông Robert Bigelow Về Sự Sống Sau Cái Chết
- Có Không Sự Tồn Tại Của Sự Sống Sau Cái Chết?
- Đạo Phật Đã Phân Hóa Kể Từ Bao Giờ (P. 1)
- Hãy Là Người Học Phật Có Tư Duy
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét