Bóc Tách Pháp Môn Khán Thoại Đầu
Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021
- Chào tiền bối Ngạo Thuyết! Hậu học có điều muốn hỏi, rất mong tiền bối thành toàn!
- Pháp hữu cứ thư thả trình bày. Ngạo Thuyết luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu.
- Như là Prudential ạ!
- Ồ! Không! Prudential chỉ lắng nghe để biết rõ túi tiền của bạn. Prudential không cần thấu hiểu hoàn cảnh của bạn. Bạn chớ lầm tin.
- Thật vậy ạ! Trình tiền bối Ngạo Thuyết! Mỗi năm bắt đầu từ mùa xuân, cuộc đời bắt đầu từ tuổi mới, vậy giờ thiền bắt đầu từ lúc nào?
- Lúc nào cũng thiền, lúc nào cũng thản nhiên trước cuộc thịnh suy; Ấy gọi là đại thiền định.
- Vậy khi nào là tiểu thiền định?
- Chớ đuổi hình, bắt chữ. Vạn pháp tự như như, đâu có chỗ cho nhân giả suy lường.
- Dạ! Tưởng là nhẹ nhàng nhưng quả thật là rất khó. Vậy làm thế nào để câu tham thoại đầu đi vào một cách tự nguyện trong tâm đây? Thế nào là thiền định tam muội?
- Nếu muốn tham thoại đầu thì phải xét câu thoại đầu nào hợp với mình? Muốn xác định câu thoại đầu nào hợp với mình thì lại xét mình còn nghi hoặc điều chi hay đang thao thức về điều gì?
- Dạ! Hậu học đang chưa có được câu tham thoại mà cũng không muốn vay mượn ý câu thoại đầu của người khác.
- Căn bản của tham thoại đầu là nghi tình, chỉ có nghi tình của chính mình thì mình mới ôm ghì chẳng buông mà thôi.
- À hay quá! Rất hay. "... xét mình còn nghi hoặc điều chi hay đang thao thức về điều gì?". Đúng là tiền bối. Có chứng mới có giải. Tuyệt rồi!
- Những điều này các thầy Tổ của dòng tu Tổ Sư Thiền đời sau không nắm được đại ý nên chỉ thường bảo học nhân vay nghi tình, mượn câu thoại đầu của tiền nhân; Sự cứng nhắc đó đã dẫn đến hiệu quả của việc Tham thoại đầu không cao, điều này đã khiến cho tông phong Tổ Sư Thiền bị mai một ít nhiều. Cơ mà pháp hữu đừng nói ra câu tham thoại đầu mà pháp hữu khởi tham vì Ngạo Thuyết vui miệng giải khai thì coi như rồi xong câu thoại đầu của pháp hữu.
- Đúng rồi! Hậu học mượn câu tham thoại "Ai là người niệm Phật?". Song đang tham thoại lại nhớ tới thời Đức Phật, Ngài đâu có tham thoại câu kiểu này. Sau 49 ngày ngồi thiền định Ngài quán chúng sinh như sen trong hồ nước... Vậy là tiền bối đã khai thị cho hậu học ý này rồi. Hay quá! Mà phải tìm xem tâm mình đang ở cảnh giới nào đã,... mà có tâm không nữa chứ.
- Lành thay!
- Đúng là có cầu tất có ứng! Cảm ơn tiền bối đã chỉ giáo! Hậu học bí lối do thiếu tri kiến. Giờ thì cần tĩnh tâm, buông lỏng tâm trước, khi nào trong thiền có cái tỉnh giác, quán thân, quán thọ thì tâm xuất đúng không?
- Tạm vậy! Ngạo Thuyết vẫn thường nói "Nước trong, trăng hiện".
...
- Hậu học có điều nghi.
- Hãy giữ điều nghi ấy làm nghi tình, làm công án, làm câu tham thoại đầu vậy. Nên chăng?
- Hậu học nghĩ đây chỉ là tiểu nghi nên chẳng nặng lòng tham. Chỉ là hậu học muốn biết tại sao người học Tổ Sư Thiền xưa nay vẫn tham những câu thoại đầu do thầy Tổ lưu truyền mà vẫn có nhiều người đạt sự chứng ngộ thể hiện ở trí tuệ có sự tăng trưởng vượt bậc?
- Ngạo Thuyết đâu từng nói pháp Tham thoại đầu ngày nay hoàn toàn mất chất chứng ngộ, chỉ nói người học Phật đời sau do vay mượn câu thoại đầu của tiền nhân mà không có sự khế hợp với nghi tình của bản thân nên khiến pháp môn Tổ Sư Thiền bị mai một ít nhiều. Điều đó có nghĩa là nếu người tham Tổ Sư Thiền chọn lựa được câu thoại đầu tương hợp với nghi tình đang đeo bám nơi tâm trí thì việc chứng ngộ, khai mở tuệ giác đâu hẳn là điều bất khả thi.
- Dạ! Tiền bối Ngạo Thuyết có thể trạch pháp sáng rõ thêm cho kẻ hậu học được nếm chút chánh vị không?
- Người tham Tổ Sư Thiền ngày nay thường y tựa những câu thoại đầu như sau:
1/ Khi chưa có trời đất ta là cái gì?
2/ Trước khi cha mẹ chưa sanh, mặt mũi bản lai của ta như thế nào?
3/ Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật, là cái gì?
4/ Vạn pháp qui một, một qui chỗ nào?
5/ Sanh từ đâu đến, chết đi về đâu?
6/ Con chó có Phật tánh?
7/ Người niệm Phật là ai?
...
Học nhân khi đến tham bái Thầy, Tổ của tông phong Tổ Sư Thiền thường sẽ được chỉ bảo kích khởi nghi tình, sau đó được tham khảo các câu tham thoại đầu điển hình của người xưa và được đề xuất chọn một câu thoại đầu ưa thích để ôm ghì chẳng buông.
...
Dù được Thầy, Tổ, Thiện tri thức chỉ bày tận tình nhưng học nhân do còn bỡ ngỡ, run rẩy trước pháp môn được tiếng dễ thành tựu chứng ngộ nên người đến tham vấn có xu hướng y tựa nhờ Thầy, Tổ, Thiện tri thức chọn giúp câu thoại đầu.
Rất nhanh chóng câu thoại đầu sẽ được chọn với sự trợ giúp từ bên ngoài hoặc do tự chủ và nếu may mắn thì câu thoại đầu được chọn phù hợp với tâm tư, với nghi tình của người cầu pháp.
Sự may mắn này cũng chỉ là chút cơ may cho người cầu pháp tham thoại đầu chứ không hoàn toàn quyết định sự thành tựu ở người hành trì pháp tham thoại đầu ngày nay.
Trường hợp việc chọn nhầm câu tham thoại đầu không tương hợp thì việc chóng chứng ngộ của người cầu pháp gần như là sự thất bại bởi lẽ người cầu pháp sẽ không thể ôm ghì câu thoại đầu khi câu thoại đầu không khế hợp với nghi tình mà người đó đang đeo mang; Việc tham thoại đầu sẽ bị tán loạn chẳng thể đúc thành khối.
Đến một lúc nào đó người tham thoại đầu mệt mỏi, chán chường và sẽ bỏ luôn việc tham thoại đầu. Nếu còn nặng lòng với pháp môn Tổ Sư Thiền thì học nhân sẽ tìm đến Thầy, Tổ, Thiện tri thức giãi bày. Theo lệ thường học nhân sẽ nhận được lời khuyên chọn lại câu thoại đầu khác. Nếu run rủi không chọn được câu thoại đầu tương hợp với nghi tình, sau nhiều lần chọn rồi lại lựa việc tham thoại đầu của học nhân sẽ rơi vào tình cảnh khó thể đắc dụng vì đánh mất tính chuyên nhất, tạp ý xoay vần.
Tóm lại, phần nhiều là chính do sự cứng nhắc tựa nơi giấy mực ở việc truyền pháp của người hướng đạo Thầy, Tổ và sự máy móc, miễn cưỡng chọn câu thoại đầu của người cầu pháp mà việc chứng ngộ ở pháp hành Tổ Sư Thiền ngày nay có nhiều sự chướng ngại.
...
- Hậu học lại không hiểu "Vì sao khi may mắn chọn được câu thoại đầu tương hợp với nghi tình đeo bám nơi tâm tư mà cũng chỉ là chút cơ may cho người cầu pháp tham thoại đầu chứ không thể quyết định sự thành tựu ở người hành trì pháp tham thoại đầu?
- Cụ thể ví như người học Phật theo pháp môn Tổ Sư Thiền thuở xưa tìm đến Thầy, Tổ nhờ mở cho con mắt huệ. Thầy, Tổ bảo hãy về tham câu "Con chó có Phật tánh?", ăn ngủ cùng với câu thoại đầu đó. Người học Phật xưa vốn kiến thức Phật pháp không nhiều, đời sống lẫn tâm tư đơn thuần, đạm bạc bởi do lần đầu nghe đến việc "Con chó có Phật tánh" nên tâm nghi được kích hoạt, bám chấp nơi câu "Con chó có Phật tánh?", đi đứng nằm ngồi miệt mài tham "Con chó có Phật tánh?", nghi tình đủ duyên được đúc thành khối tùy thời vỡ tung. Tùy nơi nội hàm mà kẻ tham "Con chó có Phật tánh?" chứng nhập được tiểu ngộ hay đại ngộ.
- Ngược lại, tri kiến người học Phật ngày nay không ngừng được vun bồi nên mọi câu tham thoại đầu xưa cũ đều lọt vào tình thức suy lường hoặc được luận giải. Thêm nữa, ngoài việc tri kiến học Phật chất chứa xen tạp bá đạo, đa môn người học Phật ngày nay thường bị trói chân vào nỗi lo cơm áo gạo tiền, mệt nhoài bon chen, đua tranh nơi cuộc sống thực dụng nên nỗi tâm tư đa mang, chất hồn nhiên, trong sáng nơi tâm học đạo theo đó cũng nhạt nhòa. Việc tham thoại đầu vì nhiều lẽ mà không thể đúc thành khối, thành mảng. Ví như câu thoại đầu được chọn là "Trước khi cha mẹ chưa sanh, mặt mũi bản lai của ta như thế nào?" khế hợp với nghi tình mà hành nhân ấp ủ là "Ta là ai?" nhưng do tâm không thể chuyên nhất trì niệm nên nghi tình vẫn cứ khi có, khi không xoay vần nơi sự chộn rộn dính mắc với đời sống hàng ngày; Chính sự không chuyên tâm tham thoại đầu toàn thời gian cũng là một trong những nguyên nhân khiến hành nhân khó thể chứng ngộ. Dẫu sao việc vay mượn vẫn là vay mượn, điều này ít nhiều sẽ chướng ngại việc hạ thủ công phu của hành nhân. Ở một chiều kích khác, ví như người học Phật quá mệt mỏi với cuộc sống bon chen đến mức đau khổ khởi nghĩ "Trời ơi! Sao con lại khổ thế này?", chỉ với câu tham thiền bất tường như thế đôi khi lại được việc ngày nay bởi lẽ điều đó gần như đã in đậm nơi tâm khảm của người tham thiền khốn cùng, sự vùng vẫy của Tàng thức, việc toàn tâm muốn bứt phá tìm lối thoát ở người có chút tri kiến Phật dễ thường lối thoát sẽ được mở rộng.
- Ý tiền bối Ngạo Thuyết là giống như việc tiền bối Ngạo Thuyết ôm ghì câu thoại đầu "Tâm là gì?". Là việc ôm ghì thoại đầu mà không biết rằng đang tham thoại đầu.
- Quả thật là có điều tương tự. Bặt dấu suy lường, không biết, không hay.
Bài liên quan
- Bạn Biết Gì Về Tứ Quả Thánh Và Tam Minh, Lục Thông?
- Ngạo Thuyết Chứng Ngộ Gì? (Lược trích)
- Có Một Ông Phật Như Thế!
- Đạo Phật Đã Phân Hóa Kể Từ Bao Giờ? (P. 2)
- Trả Lời Cho Ông Robert Bigelow Về Sự Sống Sau Cái Chết
- Có Không Sự Tồn Tại Của Sự Sống Sau Cái Chết?
- Đạo Phật Đã Phân Hóa Kể Từ Bao Giờ (P. 1)
- Hãy Là Người Học Phật Có Tư Duy
- Mời Các Bạn Tham Khảo Thêm Chút Tư Liệu Về Các Cuộc Kết Tập Kinh Phật
- Những Ngộ Nhận Về Vaccine và Trùm Cuối Tạo Ra Những Antivaccine Covid (P.2)
- Những Ngộ Nhận Về Vaccine và Trùm Cuối Tạo Ra Những Antivaccine Covid (P.1)
- Những Nhập Nhằng Xoay Quanh Vaccine Covid Và Antivaccine Covid Fan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét