
Tất Đạt Đa Đã Hành Thiền Như Thế Nào Để Chạm Đến Sự Giác Ngộ...
Thứ Năm, 15 tháng 4, 2021
Hôm nay Ngạo Thuyết sẽ tiếp tục câu chuyện hoằng pháp. Và để bước vào phần mở đầu của bài viết Tất Đạt Đa Đã Hành Thiền Như Thế Nào Để Chạm Đến Sự Giác Ngộ Giải Thoát chúng ta hãy lắng lòng lại một chút, chỉ một chút thôi và tiếp đến chúng ta hãy thả lòng suy tư rằng nhân duyên nào đã đưa ta đến với đạo Phật, Ngạo Thuyết cũng chỉ cần mọi người thả lòng suy tư một chút thôi - Đừng quan trọng sự đúng sai, hãy thả lòng một cách trong sáng, vô tư và hồn nhiên.
Ồ! Thật tuyệt diệu khi mỗi người đều đã có những phút giây lắng lòng như thế và hãy giữ điều đã suy nghiệm được lại cho riêng mình hoặc bạn hãy chia sẻ cho mọi người cùng được biết ở phần comment.
Ngạo Thuyết trân trọng những phút giây quý giá này của mọi người và của bạn. Điều đó thật bình yên và an lành!
...
Bây giờ chúng ta bắt đầu bước vào nội dung bài viết. Ở bài viết này Ngạo Thuyết sẽ lưu ý và chỉ rõ xuất phát điểm học đạo ở người học Phật ngày nay so với xuất phát điểm của Tử Tất đạt đa tại thời điểm Người dấn thân đi tìm đạo.
Vì sao Ngạo Thuyết lại chú tâm rạch ròi ở vị trí xuất phát điểm ở mọi người?
Vì lẽ người học Phật chân chính cần phải xác định rõ lại vị trí của chính mình khi học Phật. Chỉ khi rõ biết vị thế - những ưu khuyết hiện có thì người học Phật mới có thể tự tin bước những bước dấn thân vững vàng, kịp thời bổ khuyết những điều còn kém cỏi,...
Tất Đạt Đa thực sự là có vị trí xuất phát điểm thấp hơn người học Phật thời nay, thấp hơn rất nhiều. Chỉ riêng về điểm này thì người học Phật ngày nay cần phải sáng suốt nhìn nhận để rồi phá vỡ đi sự tự ti, tủi hổ khi đứng trước Phật.
Vì sao Ngạo Thuyết khẳng định Tất Đạt Đa có xuất phát điểm học đạo thấp hơn người học Phật ngày nay rất nhiều?
Thật vậy Tất Đạt Đa tìm đến đạo trong sự bế tắc, mờ mịt tâm linh với không thầy, không bạn, chỉ có một khối giáo lý chứa đựng đầy tà kiến của ngoại đạo, là tất cả giáo lý của hệ thống tôn giáo ở các nước quanh lưu vực sông Hằng, đó là khối giáo lý trói buộc loài người phải lệ thuộc vào Thần linh, bị trói buộc vào nghiệp, giai cấp, giới tính,... vào tự nhiên, vào sinh tử.
Và Tất Đạt Đa đã từng phải tin cậy những khối tà kiến u mê đấy, nghiêm cẩn thọ trì những pháp hành ngoại đạo cũng như những tà kiến mê tín. Dù rất nỗ lực theo đuổi pháp học, pháp hành sẵn có của ngoại đạo nhưng sự bế tắc tâm linh nơi bản thân Tất đạt đa vẫn không có một chút mong manh hy vọng được hé mở, Tất đạt đa phải 5 lừa, 10 lọc, tư duy lại pháp tu của các giáo lý mà mình đã y giáo phụng hành một cách thận trọng và có trách nhiệm nhưng Người vẫn không tìm thấy được một chút ánh sáng le lói cuối đường hầm.
- Mọi người hãy nghĩ xem khi đó Tất đạt đa đã hoang mang, đã tuyệt vọng ra sao?
Năm tháng thì cứ vụt trôi, bệnh tật, đói khát, nóng lạnh,... nhắc Tất Đạt Đa từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây, từng sát na rằng "Ngươi hãy còn là nô lệ của Ta, Ta là Ma vương, Ta sẽ trói ngươi vĩnh viễn trong luân hồi sinh tử. Ngươi đừng vọng tưởng thoát khỏi bàn tay của Ta, cả cha ngươi, vợ ngươi và đứa con bé bỏng, thơ ngây mà ngươi đã rời bỏ nó, tất cả sẽ phải sống trong phiền não, khốn cùng không lối thoát".
Thế đấy Tất đạt đa bị bức bách cùng cực như thế. Và lúc bấy giờ chưa có một giáo lý, một pháp hành nào chỉ người học đạo thoát khỏi luân hồi. Khái niệm giải thoát hoàn toàn còn chưa có ai biết đến, nói đến chỉ nghe những người thuộc dòng dõi Bà La Môn nói rằng việc hợp thể cùng Đấng Đại Phạm Thiên (Brahma). Tiếc rằng khi Thái Tử Tất đạt đa đặt vấn đề tham hỏi cụ thể cách thức hợp thể Brahma thì chỉ nhận lại được một mớ lý thuyết suông đồ sộ, hỗn độn cùng những pháp tế tự, lễ lạy, cúng bái, cầu nguyện cũng như những pháp thiền vô ký được nghiêm trì bởi Tưởng Tri, Phi Tưởng Tri,...
...
Người học Phật ngày nay thì khác, về mặt hiểu biết tổng thể con người thời nay sẽ vượt trội hơn con người thời Tất đạt đa tìm đạo cả về đạo và đời.
Do ngành giáo dục phát triển phổ cập bên cạnh điều kiện giao thông đi lại thuận tiện cũng như ngành truyền thông đa phương tiện ngày nay đã giúp con người dễ dàng học hỏi, giao lưu cũng như tiếp cận mọi sự hiểu biết đa chiều. Và người học Phật ngày nay hiển nhiên cũng được thụ hưởng những đặc quyền, đặc lợi đó. Người học Phật ngày nay trong quá trình tìm đạo sẽ có được ưu thế lắm thầy, nhiều bạn, nhiều Thiện tri thức có đạo tâm chỉ bày.
Và trên tất cả là ngoài khối hỗn độn của tà kiến, tà môn đạo học thì người học Phật ngày nay dễ dàng được biết đến cụm từ giác ngộ giải thoát hoàn toàn, được biết đến Phật Thích Ca là một người chứng ngộ giải thoát hoàn toàn, được biết đến giáo lý đạo Phật qua pho Tam Tạng Kinh, được biết các pháp môn tu học được cho là do Phật Thích Ca truyền lại,...
Mặc dù người học Phật ngày nay có xuất phát điểm vượt trội hơn Thái tử Tất đạt đa nhưng trong khi Tất đạt đa chứng ngộ ở hiện đời thì người học Phật ngày nay rất mông lung trong việc giác ngộ, rất mờ mịt trong việc giải thoát hoàn toàn.
Nói thẳng ra là việc chứng ngộ, việc giải thoát hoàn toàn ở người học Phật ngày nay cơ hồ như chấp nhận việc hên xui may rủi, trời kêu ai nấy dạ, làm phước, niệm Phật cầu may Phật, Bồ tát tiếp dẫn, gia hộ.
Nói một cách khác là người học Phật ngày nay hoàn toàn không thể tự chủ trong việc luân hồi cũng như việc giải thoát, mọi diễn tiến ở lối đi về sau - Kiếp sau ở người học Phật vẫn mờ mịt như ngoại đạo, như người đời dù đã thụ hưởng giáo lý giác ngộ giải thoát được hơn 2550 năm.
Và điều đáng tiếc hơn nữa là người học Phật ngày nay có xu hướng ngày càng tối tăm, si dại, mê tín dị đoan hơn. Đây là điều mà người học Phật ở thế kỷ 21, 22 chỉ cần lắng lòng nhận diện và sẽ dễ dàng nhìn thấy.
...
Vậy người học Phật có tư duy nên chăng tự đặt ra và trả lời một vài câu hỏi điển hình như:
- Tại sao Thái tử Tất đạt đa không có giáo trình, không có pháp hành cho sự giác ngộ giải thoát lại chứng ngộ ngay hiện đời?
- Tại sao người học Phật ngày nay có giáo lý giác ngộ giải thoát, có rất nhiều pháp môn chỉ bày như đúng rồi về cách thức tu chứng giác ngộ giải thoát nhưng lại vẫn mông lung trong việc tìm ra giềng mối của việc chứng ngộ giải thoát?
- Tại sao pháp môn học Phật nào cũng được người học Phật cả Tăng Bảo lẫn tục đều tự cho rằng thù thắng, là Number One hoặc luận điệu pháp môn nào cũng đúng vì "Trăm sông đều đổ về biển lớn" nhưng trên thực tế là người chứng ngộ giác ngộ giải thoát hoàn toàn đã vắng bóng trải qua hàng trăm, hàng ngàn năm? Dấu tích của người giác ngộ cơ hồ như chỉ còn là bóng chim, tăm cá, Tại sao?
Có thể sẽ có người chống chế rằng người chứng ngộ giải thoát có ở mọi nơi, có đầy ra đó chỉ do ta không đủ duyên, ta không đủ phước báu để gặp - Ngạo Thuyết khẳng định đây chỉ là lối lập luận che mắt, bịt tai, tự huyễn hoặc - Là việc lừa mình, dối người.
Thực tế là nếu có người chứng ngộ giác ngộ giải thoát hoàn toàn dù ở bất kì vùng miền, lãnh thổ, quốc gia nào, bất kì thời điểm nào thì người học Phật đều sẽ được biết, có thể sẽ không được tạng mặt nhưng sẽ tiếp nhận được pháp ngữ của người chứng ngộ. Điển hình như bộ Kinh Pháp Bảo Đàn của Lục Tổ Huệ Năng, pho kinh sách Phật giáo phát triển Bắc Tông,...
Có một sự thật là bất kì ai một khi chứng ngộ giác ngộ giải thoát dù chỉ nhờ vào một câu hay nửa chữ từ giáo lý của Phật Thích Ca trao truyền đều sẽ phát khởi tâm đại bi báo đền ơn Phật với tâm thái thọ ân giọt nước báo ơn suối nguồn.
Do đó, đại chúng học Phật nhất định sẽ biết được dấu tích của người chứng ngộ vấn đề chỉ là thời gian nhanh chậm và với thời đại công nghệ thông tin đa phương tiện ngày nay thì điều đó lại càng dễ dàng hơn bao giờ hết.
...
Và chỉ khi người học Phật lắng lòng, suy nghiệm trả lời những câu hỏi tư duy học Phật điển hình như trên hẳn là người học Phật sẽ vững tin, sẽ khách quan hơn trong việc nhận diện phương pháp học Phật chân chính, người học Phật sẽ dám đặt ra câu hỏi khởi nghi thù thắng đại loại như:
- Phải chăng việc chứng ngộ giải thoát hoàn toàn là không thật có? Phải chăng người học Phật ngày nay đã bị chư Phật, chư Tổ dối lừa?
- Phải chăng các pháp môn hành trì trợ duyên cho việc giác ngộ giải thoát trải qua khoảng thời gian dài lưu truyền, việc "Tam sao, thất bản" đã dẫn đến sự tổn khuyết, thất truyền hay tất cả chỉ là sự giả trá, lọc lừa?
...
Thật vậy Thái tử Tất đạt đa một mình dấn thân vượt biển lớn sinh tử với không có tấm hải đồ cho cuộc hành trình mà vẫn về đích hoàn mãn chỉ cần vỏn vẹn 1 kiếp người. Trong khi người học Phật ngày nay vượt biển lớn sinh tử với nhiều thầy, lắm bạn thiện tri thức, lại có cả tấm hải đồ chỉ dẫn tường tận phương pháp, lộ trình để về đích đến giải thoát an toàn nhưng vẫn mãi mông lung, bỡ ngỡ, vẫn lạc lối điểm đến dù đã mất bao thời gian, công sức, mất biết bao đời tu học từ bấy đến nay.
Điều này hẳn nhiên sẽ giúp người học Phật khách quan, sáng suốt nhận diện được rằng "Hẳn là đã có điều gì sai sai ở phương pháp tu học của người học Phật ngày nay, là pháp môn hành trì học Phật sai hay phương pháp học Phật sai hay giáo trình Phật học hiện nay tồn tại sự khiếm khuyết.
Đây là điều mà người học Phật ở thế kỷ 21, 22 phải nhận diện chuẩn xác, có như vậy thì người học Phật mới đích thực là người học Phật chân chính, chuẩn mực. Nếu không được vậy thì người học Phật sẽ vẫn là những tín đồ của tà môn, ngoại đạo với đủ đầy, thậm chí dư thừa những mê tín dị đoan cùng sự ấu trĩ, thiển cận.
Người học Phật ở thế kỷ 21, 22 còn có một lợi điểm đáng kể có được do yếu tố thời đại, đó là ngoài sự hiểu biết sâu rộng ở nhiều lĩnh vực người học Phật còn hàm thụ được khả năng tư duy logic và phương pháp luận biện chứng khách quan.
Với những ưu thế hiện có người học Phật ngày nay một khi dám trải lòng, vượt thoát lằn ranh biên kiến Đoạn - Thường, Đời - Đạo,... sẽ hoàn toàn có thể thông suốt đạo đời, chứng ngộ giác ngộ giải thoát trên lý và tiến đến là việc chạm vào cột mốc lý sự viên dung - Giải thoát hoàn toàn.
Người học Phật ở thế kỷ 21, 22 hoàn toàn có quyền tự chủ đặt ra câu hỏi "Con người liệu có phải chết là hết hay không?". Tiếp đến người học Phật thế kỷ 21, 22 dựa vào sự hiểu biết hiện có cùng khả năng tư duy logic, phương pháp luận biện chứng khách quan sẽ trả lời câu hỏi đó một cách thận trọng và có trách nhiệm với chính mình. Đối với câu hỏi này, câu trả lời sẽ là rơi vào hai trường hợp:
- Trường hợp 1: Nếu sự hiểu biết và khả năng tư duy, lý luận ở người học Phật có sự giới hạn, ứ trệ câu trả lời sẽ là "Chết Là Hết". Với câu trả lời này người học Phật đang theo đuổi đạo Phật sẽ dễ dàng thoát ra khỏi những khái niệm luân hồi, nhân quả, phước đức, nghiệp lực,... Bởi lẽ chết là hết thì những điều đó chẳng có mảy may giá trị gì, hà tất phải nguyện cầu, lễ lạy nhờ Ơn Trên, Trời Phật chứng giám; Sáng rõ được những điều đó con người cũng sẽ vượt thoát mọi điều mê tín dị đoan, giáo lý tôn giáo tín ngưỡng, tượng Phật, Bồ tát,... cả thảy đều hóa vàng. Con người ở thế kỷ 21, 22 đâu thể cứ lừa người, dối mình, huyễn hoặc nhau ở những tà kiến, tà pháp si mê.
- Trường hợp 2: Người học Phật có tư duy phát khởi chánh trí nhận ra rằng con người không dễ dàng chết là hết mà phải trôi lăn qua lại nơi lằn ranh giữa thế giới hữu hình và thế giới vô hình; Con người cùng chúng sinh chi loại sẽ luân hồi do nghiệp nhân quả đã gieo; Lòng tham, sự sân hận, điều si mê,... sẽ trói chúng sinh chi loại vào luân hồi sinh tử và khi đó người học Phật sẽ nhận ra cơ hồ như có ánh sáng le lói cuối đường hầm, đó chính là giáo lý giác ngộ giải thoát mà Phật Thích Ca đã vì thương tưởng muôn sinh dấn thân trao truyền vào thời điểm khoảng hơn 2550 năm về trước. Chỉ khi người học Phật sáng rõ được những điều này thì giềng mối của việc chứng ngộ giác ngộ giải thoát sẽ dần hé lộ và mỗi người sẽ phải tự dấn thân nhằm tự trải nghiệm việc liễu thoát sinh tử.
...
Việc xác định vị thế, lợi điểm của người học Phật ngày nay so với Thái Tử Tất đạt đa đã xong, bây giờ chúng ta lại tiếp tục xét xem Tất đạt đa đã hành những phương pháp thiền nào?
Hiển nhiên là Tất đạt đa hành trì những pháp thiền ngoại đạo bởi lẽ ở thời điểm Tất đạt đa tìm đạo và hành trì trong nhân gian chưa có khái niệm pháp hành thiền thuộc về đạo Phật, khái niệm còn chưa có thì hiển nhiên là không có pháp hành thiền của đạo Phật cho Tất đạt đa thọ trì.
Các pháp hành thiền ngoại đạo ngày nay mà người học Phật biết đến thực tế cũng chỉ là biến tướng, là dị bản của các pháp hành thiền ngoại đạo cổ xưa. Những người truyền pháp ngoại đạo ngày nay muốn xưng giáo chủ sẽ "thêm mắm, dặm muối" các pháp thiền cổ xưa rồi gắn mác nhân danh chính chủ để thu đoạt tín tâm ở người học đạo.
...
Tất đạt đa thọ trì các pháp hành thiền ngoại đạo chứng đắc "Tứ thiền, Bát định", đây là điều phần lớn người học đạo xưa nay móng cầu chạm đến. Sẽ có rất nhiều người học Phật, đặc biệt là tín đồ học Phật hệ phái Nam Truyền sẽ cho rằng Ngạo Thuyết đã nói sai, họ sẽ lập luận trạng thái Tứ Thiền là trạng thái đại định của Phật đạo. Tuy nhiên, Ngạo Thuyết vẫn khẳng định rằng trạng thái Tứ Thiền vốn cũng chỉ là Thiền xuất nhập của ngoại đạo, cho dù có đạt được đại định thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề sinh tử; Việc xuất nhập đấy là dấu vết cho thấy hành nhân vẫn còn chìm nổi trong luân hồi.
...
Với việc chứng ngộ Bát định, điều này đồng nghĩa rằng Thái tử Tất đạt đa thâm nhập Tam giới, đây là trạng thái mà người học Phật ngày nay u mê cho rằng đã thông linh với vũ trụ, đã chạm đến cột mốc tiếp cận được những vị thầy tâm linh siêu hình,... nhưng kỳ thực tất cả những điều đó chỉ do Tưởng Tri dựng lên, đây là sản phẩm của Thiên ma ngoại đạo và nội ma từ tâm hành nhân lưu xuất mà thành tựu.
Một khi hành nhân nếu không rạch ròi được sự chân ngụy ở giai đoạn này dễ thường sẽ rơi vào Ma đạo dẫn đến tình cảnh Tâm Ma chiếm vị, về sau sẽ bị Tâm Ma sai xử, tùy thời lừa người, dối mình.
...
Dù chứng ngộ Tứ Thiền, Bát Định; là những thành tựu tối thượng nhất của người hành giả thời bấy giờ nhưng Thái tử Tất đạt đa nhận ra rằng mình vẫn chưa lần ra được giềng mối hợp thể cùng Brahma, Bát Định có thể giúp Ta ngỡ như hợp thể cùng Brahma nhưng khi xuất định Ta vẫn là một chúng sinh, một người học đạo quay quắt với ý niệm hợp thể cùng Brahma, mọi lời hứa của chủng chúng sinh vô hình tự nhận là Brahma đều trở nên vô nghĩa trước sự thật hiển nhiên đó.
...
Vấn đề đặt ra ở đây là - Tại sao Tứ Thiền, Bát Định không mê hoặc được Tất đạt đa về việc hợp thể cùng Brahma?
...
Bởi vì Tất đạt đa của chúng ta trên bước đường tìm đạo và hành trì luôn giữ vững chánh niệm.
- Chánh niệm của Tất đạt đa sau rốt là gì?
- Là việc liễu thoát sinh tử, là rời khỏi quy luật luân hồi. Chính chánh niệm này đã giúp Tất đạt đa không bị mê hoặc bởi việc hợp thể cùng Đấng Brahma, không bị lung lạc ở việc chứng đắc Tứ Thiền, Bát Định.
...
Người học Phật ngày nay vẫn thường nói đến việc hành trì Bát Chánh Đạo nhưng quả thật liệu có mấy ai rành rẽ, sáng rõ Bát Chánh Đạo. Ngay cả giới Tăng Bảo xuất gia ngày nay vẫn còn không rõ chánh niệm thì nói gì đến việc hiểu rạch ròi Bát chánh đạo, người học Phật ngày nay cơ hồ như đã đặt để Niệm Tu Phước là chánh niệm, niệm giác ngộ giải thoát ở người học Phật thế kỷ 21, 22 đã trở thành niệm thứ cấp nhẫn đến thứ n cấp mất rồi, có lẽ chính vì việc nhận lầm chánh niệm mà người học Phật đã từ lâu không thể thành tựu việc chứng ngộ giác ngộ giải thoát hoàn toàn.
...
Thả lòng một chút, chúng ta hãy thử xét xem giới Tăng Bảo xuất gia tu phước ngày nay thường giữ chánh niệm gì?
...
Khoảng 8, 9 năm trước, khi viết phần II cho quyển sách Hãy Là Đường Xưa Mây Trắng Bay... Ngạo Thuyết đã tá túc ở một ngôi chùa ở Cần Giuộc, Long An trong khoảng thời gian 2 tháng. Trong khoảng thời gian này thi thoảng Ngạo Thuyết có đàm đạo cùng vị sư trụ trì, đây là một vị sư bị mù cả hai mắt. Ngạo Thuyết được biết giai đoạn đầu vị sư trẻ mù lòa này chỉ dựng một cái cốc nhỏ để nương náu qua ngày, rồi thì người học Phật biết hoàn cảnh khó khăn của sư nên đến cúng dường, cứ thế... cứ thế một ngôi chùa được dựng lên bất hợp pháp rồi hợp pháp hóa.
Ban đầu, chỉ là một ngôi chùa vừa vặn, cột chùa là những cây cột gỗ được chấp ghép về sau được trang hoàng lại bằng những trụ gỗ to, nguyên khối, tín chúng ngày càng đông, chú tiểu cũng được gom về,...
Ngạo Thuyết biết vị sư này khi người còn có thời gian tu tập cho riêng mình, đến khi trở lại chùa mượn chỗ viết sách thì Ngạo Thuyết đã thấy rằng vì sư này đã bay cao, bay xa với những vọng tưởng miên man, dù rằng đôi mắt đã mù lòa như sư vẫn hoạch định việc xây dựng một ngôi chùa bằng gỗ cao rộng nhất vùng.
Do duyên mù lòa nên sư trụ trì từng bước kiến tạo được ngôi chùa như ý nguyện.
Và rồi ... để duy trì chùa hoạt động hiệu quả, những buổi giảng pháp, hành thiền được sư bố trí 1 tháng 2 đến 3 lần, mời những vị giảng sư về giảng. Chùa vẫn không ngừng mở rộng và xây dựng, điều này đòi hỏi một lượng tiền khổng lồ rót về - Những buổi giảng pháp là điều kiện mấu chốt để lôi kéo tín chúng và những nhà hảo tâm, những vị đại thí chủ hào phóng.
Lúc bấy giờ, Ngạo Thuyết được biết tiền nhang đèn, hoa quả, bánh trà, nước,... và tiền học hàng tháng của các chú tiểu ở chùa là vào khoảng 30 - 40 triệu. Tiền mua vật liệu, mua đất mở rộng chùa, tiền công xây dựng, tu bổ mỗi tháng cũng như thường niên ở chùa sẽ là một con số khủng không dễ tính đếm,...
Cứ mỗi dịp chùa tổ chức giảng pháp, thọ Bát quan trai, lễ Vu Lan, lễ Phật đản,... Ngạo Thuyết lại thấy sư trụ trì lấy điện thoại ra yêu cầu các chú tiểu lần dò số điện thoại của các Tín đồ, các nhà hảo tâm,... để thầy nhắc nhỡ ngày giờ tổ chức pháp đàn và ngõ lời mời hãy đến tham gia, việc trở thành lệ như thế.
Ngạo Thuyết thấy rằng càng ngày sư càng bị trói vào danh lợi, sự tự tại, thong dong thuở hàn vi, lúc đôi mắt vừa mới mù lòa đã mất đi thay vào đó là những lo nghĩ, những tính toán căng cơ về cơm áo gạo tiền, về việc duy trì hoạt động của một ngôi chùa khủng.
...
Ngạo Thuyết biết rằng vị sư này đã không còn thời gian cho việc tu hành nữa, chánh niệm của sư bây giờ không còn là việc giác ngộ giải thoát mà chánh niệm của sư sẽ là việc chánh điện cần che chắn mé tây do nắng nhiều, nhà bếp cần một nồi cơm điện lớn hơn, tiền điện nước lại sắp đến, tháng này có Đại lễ Vu Lan nên điện nước tăng cao, ngành điện lực lại tăng giá điện, mấy chú tiểu chuẩn bị nhập học, tiền công cho thợ mộc, thợ hồ,...
Và Ngạo Thuyết nghĩ rằng với lối tu phước được PR đại trà như hiện nay tin rằng các sư thầy Tăng Bảo ngày nay sẽ cùng có chánh niệm theo lối phước báu, lợi dưỡng, lợi danh với chùa to, Phật lớn, đông tín chúng, mở thêm chi nhánh chùa, đúc Đại hồng chung,.... những lo toan không bờ bến, thậm chí sẽ nghĩ rằng việc khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh Covid - 19 hoành hành, lũ lụt, mưa bão,... báo hại các nhà hảo tâm tụt giảm doanh thu ảnh hưởng đến việc cúng dường cho chùa,...
Những chánh niệm thể loại này ở các vị Tăng Bảo sẽ che khuất chánh niệm giác ngộ giải thoát ở người học Phật cả Tăng lẫn tục ngày nay và ngày sau...
...
Với chánh niệm giác ngộ giải thoát Tất đạt đa nhận biết quả Tứ Thiền, Bát Định, việc thông linh,... cũng chỉ là hư vọng, viễn vông. Tất đạt đa lại thêm lần nữa hụt hẫng, bẽ bàng trong việc tìm lối thoát khỏi luân hồi sinh tử, Ngạo Thuyết cả nghĩ rằng lúc bấy giờ Tất đạt đa sẽ rất hoang mang, bất an.
...
Mệt mỏi cùng tuyệt vọng Tất đạt đa buông bỏ mọi thứ, lặng người và trong một thoáng đánh mất chánh niệm Tất đạt đa chợt hồi tưởng những đoạn đời đã qua và Người nhận ra mình đã đánh mất rất nhiều thứ từ niềm vui đến nỗi buồn, đến cả sự hồn nhiên, trong sáng, thơ trẻ. Tất đạt đa nhớ một dịp lặng người dưới bóng mát của cây hồng táo, khoảng lặng đó rất dễ chịu, bình an và mầu nhiệm; Tất đạt đa nhận ra rằng Ta đã đánh mất điều đó vào những năm tháng tìm đạo, ta đã cố công hành trì thậm chí là việc thọ trì pháp hành ép xác cực đoan của pháp tu Kì Na Giáo,... song kết quả chỉ là việc Ta chôn vùi Ta trong Tứ Thiền, Bát Định, trong việc thông linh viễn vông và có lúc Ta dường như đánh mất cả chính mình.
...
Thông qua nhiều tư liệu và Kinh sách Phật học nhiều người học Phật tin rằng Tất đạt đa đã vào thiền định thành công nhất tại thời điểm tránh nắng dưới bóng mát của cây hồng táo khi Tất đạt đa tròm trèm 9 tuổi.
...
Lúc bấy giờ, Tất đạt đa đã hé nở một nụ cười rất tươi bởi lẽ sau nhiều năm tìm kiếm mệt nhoài thì đây là lần đầu tiên Tất đạt đa tìm lại được nụ cười vô úy, hồn nhiên, trong sáng - Tất đạt đa tìm lại được chính mình sau bao nhiêu năm tìm đạo; Đây là niềm hỷ lạc mầu nhiệm mà các Tầng Thiền, Tầng Định có được do việc lao tâm hành trì không thể so bì.
Qua khoảng lặng xuất thần đó, Tất đạt đa dần trở về với cội nguồn, với trung đạo viên dung.
...
Tiếp xúc lại với cuộc sống, tiếp xúc lại với chính mình Tất Đạt Đa thong dong, nhàn hạ trong việc thiền hành, thiền định, những suy tư khởi lên mau chóng có được những câu trả lời thỏa đáng; Những hoài nghi về các pháp hành, các pháp tu học đương thời lần lượt được giải tỏa.
Tiếp đến Tất đạt đa dùng thiền quán để nhận diện lẽ đúng sai, chân ngụy, chánh tà hiện tồn ở kho giáo lý của các tôn giáo quanh lưu vực sông Hằng - Brahma - Đấng Phạm Thiên đầy quyền năng không thể là một ông già có râu hay một bà cô mẫu mực có thể sinh ra các chủng loại người với Bà La Môn được sinh từ miệng, Sát Đế Lợi được sinh từ cánh tay, Vệ Xá được sinh ra từ bắp vế, Thủ Đà La được sinh ra từ gót chân,... Đấng Brahma không thể có hình thù dị dạng, có những đặc tính quái thai như thế.
Thật ra Đấng Brahma, các vị Thần Linh mà người người tôn thờ có thật không?
Họ có giá trị gì đối với sự hiện hữu của con người và muôn loài?...
Hẳn là Tất đạt đa sẽ bị bí lối trước những câu hỏi dạng này - Khó quá cho qua.
...
Tất đạt đa tiếp tục quán chiếu các chủng loại chúng sinh ở các cõi giới vô hình và Tất đạt đa nhận ra rằng chúng có hiện hữu, điều này được xác thực thông qua các pháp hành thiền và cả những năm tháng hành trì pháp tu khổ hạnh cực đoan.
...
Tất đạt đa quán chiếu đến xác thân của người chết, của những con vật bị giết thịt,... sau rốt cũng chỉ là chút đất nước gió lửa trong khối đại ngã đất nước gió lửa đại thể vạn pháp.
Tất đạt đa tiếp tục quán chiếu chiếc lá từ lúc xanh non đến lúc vàng úa lìa cành và tan rã trả về đất nước gió lửa miên man; Đám mây, hạt cát, giọt nước, cọng cỏ, con đường,... tất cả cũng chỉ là đất nước gió lửa bất kể là hợp hay tan.
...
Đám mây, giọt sương, hạt cát, vạt rừng cháy,... dù tụ hay tán đều không thể hiện sự đau khổ, dính mắc dằn vặt. Nhưng đến những loài súc sinh từ nhỏ đến lớn sẽ có những sắc thái đau thương từ thô tháo đến vi tế.
Và con người là đỉnh cao của mọi sự dính mắc khổ sầu. Loài người cơ hồ như là chủng loài chúng sinh thông minh nhất nhưng cũng là chủng loài chúng sinh đau buồn nhiều nhất, dính mắc nhiều nhất,...
Và khi chết đi dù là chủng loài nào đi chăng nữa thì cát bụi vẫn trả về cát bụi, đất nước gió lửa rồi của trả về đất nước gió lửa, chỉ có tâm thái dính mắc ở loài người và các loài súc sinh sẽ theo nghiệp trôi lăn nơi các nẻo luân hồi, chúng sinh nẻo vô hình chính là những chủng chúng sinh dính mắc sau khi chết thành tựu nên.
Tất cả những điều này chính là vòng quay luân hồi cột trói mọi chúng sinh giữa hai nẻo hữu hình và vô hình.
Khi nhận diện được vòng quay luân hồi của nghiệp lực, của nhân quả Tất đạt đa đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "Liệu có cách nào thoát ra vòng quay luân hồi sinh diệt vô thường?".
Tất đạt đa qua công phu thiền quán nhận thấy đám mây, hạt sương mai,... trên lá tụ tán vô tình, mặc cho việc đất nước gió lửa trả về đất nước gió lửa; Đám mây, hạt sương, hương thơm hoa cỏ,... không chút sầu lo, không chút oán hờn,...
Thể nhập vào đám mây, hạt sương, hương hoa cỏ,... Tất đạt đa khởi nghĩ "Liệu ta có thể an nhiên như những chủng loài vô tình? Ta cũng chỉ là chút đất nước gió lửa, khi ta chết ta sẽ xả bỏ để đất nước gió lửa trả về đất nước gió lửa nhưng tâm ý của ta sẽ biết về đâu?
Thông qua những tầng thiền định sâu Tất đạt đa nhận ra có những khoảng lặng nơi tâm ý của chính mình, nếu ta trả tâm ý ta về những khoảng lặng của Không đại, khi đó ta sẽ tan biến hoàn toàn, không ta, không người, không chúng sinh, không thọ giả.
Bài toán giải thoát luân hồi sinh diệt cơ hồ như đã được mở nhưng Tất đạt đa vẫn biết rằng ta vẫn còn có tâm ý và thêm một câu hỏi đặt ra "Tâm ý của ta từ đâu mà có và vì sao ta cứ mãi lăng xăng với những tâm ý vô thường?".
Công trình quán chiếu cùng với việc đã thâm nhập vào những tầng thiền định trước đó giúp Tất đạt đa dần nhận ra chính sự dính mắc là giềng mối tạo nên tâm ý chúng sinh khiến chúng sinh bị trói cột trong vòng lẩn quẩn sinh tử luân hồi.
Trả tâm về sự mênh mông, rỗng lặng, xả bỏ mọi dính mắc ràng buộc sẽ giúp ta dần thoát khỏi sự chế ngự của tâm ý chấp thủ và khi ta chết, tứ đại tan rã ta an nhiên tan rã như chưa từng hiện diện bao giờ, Tất đạt đa sau cùng cũng đã lần ra được giềng mối của đạo, từng bước thâm nhập, chứng ngộ pháp vô sanh.
Sau cùng khi thông tỏ luân hồi sinh tử, nhân quả, nghiệp báo, duyên sinh diệt vô thường và khởi từ lòng đại bi sâu thẳm Tất đạt đa chuyển vị thành một vị Đạo Sư Toàn Giác ra sức phổ truyền giáo lý giác ngộ giải thoát hoàn toàn vào trong lòng nhân loại, trao tặng người hữu duyên, gián tiếp cứu nạn khổ Tam Đồ.
...
Ngạo Thuyết đã trình bày pháp hành thiền giúp Tất đạt đa chứng ngộ giải thoát hoàn toàn nghiễm nhiên trở thành Phật, một Giác Giả Toàn Giác.
Về pháp hành thiền giúp Tất đạt đa chứng ngộ chỉ là hai pháp hành thiền cơ bản đó là Thiền Định và Thiền Quán.
Những pháp hành thiền và giáo lý chứa đựng tà kiến của ngoại đạo Tất đạt đa đều ít nhiều nếm trải nghiêm túc đến cực đoan để rồi vị Giác Giả tuyên thuyết Kinh Kalama chứa đựng 10 điều chớ vội tin, cụ thể:
- Một là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.
- Hai là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.
- Ba là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.
- Bốn là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở.
- Năm là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc lý luận siêu hình.
- Sáu là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.
- Bảy là, chớ vội tin một điều gì, khi mà điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.
- Tám là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.
- Chín là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.
- Mười là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.
...
Người học Phật ngày nay trước 10 điều chớ vội tin này vẫn thường tán thán nhưng lại mau chóng rơi vào kiến thủ si mê, cụ thể dù rằng luôn miệng nói về 10 điều chớ vội tin nhưng lại chấp thủ lời Phật là luôn đúng, Kinh Phật là chân lý dù rằng Phật không từng đặt mình vào sự ngoại lệ nơi 10 điều chớ vội tin. Do vướng vào chấp thủ nên người học Phật xưa nay ít người thông tỏ, liễu ngộ Phật đạo. Thực tế là Kinh Phật ngày nay được diễn giải với phần nhiều là lời Ma, chỉ có chút ít chất liệu là lời Phật thuyết.
...
Đôi khi sẽ có người xem bài viết này rồi khởi nghĩ vậy hành thiền định như thế nào, hành thiền quán ra làm sao để chóng chứng ngộ giác ngộ giải thoát?
...
Bạn đã có câu trả lời về những điều này khi bước đầu tham khảo bài viết. Ngay khi Ngạo Thuyết mời bạn lắng lòng và bạn lắng lòng, đấy là thiền định; Ngay khi Ngạo Thuyết mời bạn thả lòng suy tư về nhân duyên tìm đến đạo Phật của chính mình và bạn thả lòng suy nghiệm, đấy là thiền quán. Phép thiền định, thiền quán của đạo Phật đích thực chỉ giản đơn như thế.
Tiếc rằng người học Phật, người học đạo, kẻ truyền pháp Phật học ngày nay không rõ tâm Phật, tham đắm danh lợi đã "Trộm long, tráo phụng" thay bằng con mèo bệnh, bày vẽ các pháp hành thiền mang danh nghĩa đạo Phật nhưng kỳ thực lại là những pháp hành tà môn khiến người học đạo sa ngã, đọa lạc vào lối mê, bến mộng, từ đó trôi lăn trong những nẻo tối luân hồi.
...
Bài liên quan
- Phải Chăng Chúng Ta Cầu Nguyện Đã Quá Lâu Rồi?
- Sự Thật Về Tam Minh - Lục Thông Của A La Hán Và Hơn Thế Nữa...
- Đôi Nét Về Tam Minh - Lục Thông Của A La Hán
- Bạn Biết Gì Về Tứ Quả Thánh Và Tam Minh, Lục Thông?
- Ngạo Thuyết Chứng Ngộ Gì? (Lược trích)
- Có Một Ông Phật Như Thế!
- Đạo Phật Đã Phân Hóa Kể Từ Bao Giờ? (P. 2)
- Trả Lời Cho Ông Robert Bigelow Về Sự Sống Sau Cái Chết
- Có Không Sự Tồn Tại Của Sự Sống Sau Cái Chết?
- Đạo Phật Đã Phân Hóa Kể Từ Bao Giờ (P. 1)
- Hãy Là Người Học Phật Có Tư Duy
- Mời Các Bạn Tham Khảo Thêm Chút Tư Liệu Về Các Cuộc Kết Tập Kinh Phật
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét