Thêm Một Chút Về Thiền Quán
Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021
#Cẩm_Nang_Vượt_Thoát_Luân_Hồi
Sau khi hành trì tập Định thuần thục, hành nhân chuyển sang giai đoạn thực hành thiền quán.
Về lý là vậy nhưng trên thực tế sau khi hành nhân chuyên tâm thiền định đến một lúc nào đó thì từ nơi vô thức sẽ tự mở cánh cửa thiền quán, đây là một bước chuyển có công năng tăng trưởng sự hiểu biết - Tuệ giác. Đối tượng của pháp thiền quán lưu xuất từ vô thức sẽ do Tàng thức âm thầm kích khởi, thông thường đó sẽ là những câu hỏi, những nghi tình, những dính mắc chưa thể giải khai ở nội tâm hành nhân.
Sở dĩ hành nhân nên hành trì thiền định thuần thục trước khi thực hành thiền quán là vì nếu tâm không có sự tập định, gạn đục, khơi trong thì việc thiền quán chỉ dừng lại ở sự suy lường cân đo đong đếm cảm tính; Và sự suy lường cảm tính sẽ khó thể chạm đến sự chân thật, bởi lẽ đó chỉ là việc lăn xăn, lộn xộn của tâm ý suy lường nơi loạn động rộng cầu tri kiến, là sự hiểu biết nhặt nhạnh bị hạn cuộc nơi biên kiến trong - ngoài.
Chỉ khi việc thiền quán dựa trên nội hàm và sự trải nghiệm thực tế thì hành nhân mới có cơ may chạm đến cái thấy biết chân thật.
Bây giờ, để tiếp tục trình bày nội dung bài viết "Thêm Một Chút Về Thiền Quán", Ngạo Thuyết sẽ tái hiện phần nào cách thức hành trì thiền quán của Thái Tử Tất đạt đa.
Sau khi hành trì thiền định đạt những tầng định cao nhất của ngoại đạo Tất Đạt đa vẫn không cảm thấy bình an. Chánh niệm vượt thoát luân hồi cảnh tỉnh cho Tất đạt đa biết rằng chàng vẫn còn trong vòng lẩn quẩn luân hồi sinh diệt, việc hợp thể với Đấng Phạm Thiên (Brahma) trải qua rất nhiều năm hành trì tu đạo vẫn chỉ là một con số O tròn trĩnh.
Tuy nhiên, kết quả của việc chuyên tâm thực hành những pháp hành thiền ngoại đạo Bà La Môn cùng tâm ý chí thiết - Chánh Niệm vượt thoát luân hồi và cả những năm tháng thọ trì pháp tu khổ hạnh cực đoan thuộc giáo pháp Kì Na Giáo đã giúp Tất Đạt Đa có đủ duyên chạm mặt rất nhiều dạng chúng sinh ở nẻo giới vô hình, từ những chúng sinh vô hình ở nẻo giới thấp đến các Thiên Ma ngoại đạo lẫn các vị Thần Linh quái tướng, dị hình được khắc họa nơi giáo lý của các tôn giáo ở các nước quanh lưu vực sông Hằng.
Việc chạm mặt cùng sự giao tiếp trao đổi thông tin với các chủng loại chúng sinh vô hình giúp Tất Đạt Đa xác thực được rằng con người không dễ dàng chết là hết, vòng quay sinh diệt luân hồi là thật có và Tất Đạt Đa đã tiếp tục lần tìm lối ra ngõ hầu vượt thoát luân hồi.
Với nội hàm sung mãn, định lực vững vàng Tất Đạt Đa dần không còn hoang mang, kinh sợ, khiếp phục trước những chúng sinh nẻo giới vô hình, kể cả việc chạm mặt với Thiên Chủ Phạm Thiên (Brahma) cũng như các vị Thần Linh quái tướng, dị hình.
Việc chạm mặt thường riết quen cùng với chánh tư duy, chánh nhận thức Thái Tử Tất Đạt Đa dần ý thức được rằng sự sinh tử, tồn vong của bản thân chàng không đến lượt chúng sinh nẻo giới vô hình quyết định, bất luận rằng chúng sinh vô hình đó thuộc tầng bậc nào, kể cả Thiên Ma Ba Tuần lẫn Thiên Chủ Phạm Thiên (Brahma) cũng không thể can thiệp đến đời sống cũng như sự sinh diệt nơi bản thân chàng.
Ý thức rõ được điều ấy Tất Đạt Đa dần nhận thức được rằng trông chờ vào việc hợp thể với Đấng Thiên Chủ Phạm Thiên (Brahma) là điều hư vọng bởi lẽ còn sinh là còn diệt, còn tụ tức là còn tán, còn hợp thể tức là sẽ còn phân ly; Lý thuyết hợp thể cùng Đấng Quyền Năng, Đấng Sáng Thế,... cùng thụ hưởng sự sống đời đời bất diệt đã bị bẻ gãy hoàn toàn bằng trí tuệ khách quan, lý thuyết về một kiếp sống trường cữu đích thực là một sự hiểu biết mê lầm của người học đạo, của các vị giáo chủ các tôn giáo từ xưa đến nay. Sự hiểu biết sai lầm đó đích thị là sự vô minh kiên cố.
Biết rằng con đường tìm đạo của tự thân bấy lâu nay đã lạc lối, Tất Đạt Đa càng thêm phần hoang mang, khốn cùng nhưng với định lực và nội hàm vững chãi Tất Đạt Đa đã không rơi vào tán loạn mà dành nhiều thời gian hơn cho việc thiền định.
Sau khi trút bỏ được sự hụt hẫng, hoang mang về việc tìm đạo lạc lối, Tàng thức của Tất Đạt Đa đưa chàng trở về với những năm tháng tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng.
Tất Đạt Đa thả lòng cho Tàng thức ruổi rong với những kỷ niệm ấu thơ ùa về để nuôi dưỡng lại tâm hồn đang xao động. Tất Đạt Đa nhớ lại sự an tịnh mà chàng nếm trải dưới bóng mát của cây hồng tào, hôm ấy là vào một ngày mùa đầu năm chàng đã cùng mẹ kế, phu nhân Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Mahà Pajàpati) theo vua cha Tịnh Phạn ra đồng, vua Tịnh Phạn là người đặt đường cày đầu tiên trên cánh đồng cho một mùa vụ mới.
...
Sau khi chơi đùa chán chê cùng đám trẻ thuộc tầng lớp bình dân, mệt và đói Thái Tử Tất Đạt Đa đã tìm đến bóng mát dưới cây hồng táo để tránh nắng. Chính tại nơi đây Thái Tử Tất Đạt Đa thấy lũ giun dế bị xới tung lên sau mỗi đường cày, những con giun, con dế bị xé toạc ra thành nhiều mảnh và rất nhanh chóng đã nằm gọn trong ổ bụng của những chú chim, những mảnh vụn xác thân còn đang vung vãi khắp nơi đã có lũ kiến chuyên cần dọn dẹp, đất rồi sẽ trở về với đất, cát bụi rồi cũng trở về với đất...
...
Thái Tử Tất Đạt Đa đã dừng lặng lại để cảm nhận được rằng dường như tất cả đều sẽ trở về với Đại Thể, là trở về với Đại Thể chứ không phải là trở về với Đại Ngã - Đại Phạm Thiên (Brahma) như ngoại đạo, như giáo lý các tôn giáo truyền thống đã lầm tưởng.
Thận trọng với phát kiến của mình Tất Đạt Đa dấn thân vào công cuộc thiền quán có chủ kiến. Chàng nhận ra rằng phần xác thịt của các loài giun dế còn sót lại trên cánh đồng rồi cũng tan rã chan hòa vào đất, phần xác thịt giun dế bị chim ăn và lũ kiến tha đi, trải qua quá trình tiêu hóa trở thành phân và rồi cũng trở về với đất mẹ.
Từ những hình ảnh trực quan sinh động đó Tất Đạt Đa tiếp tục quán chiếu rồi thì những con chim kia, lũ kiến nọ cũng theo vòng sinh diệt để trở về với đất. Cũng bằng vào sự quán chiếu sâu xa Tất Đạt Đa nhận ra trong cơ thể của các loài côn trùng giun dế, kiến mối, muôn thú,... không chỉ có chút ít đất mà còn cả chút ít nước, chút ít gió và chút ít lửa.
Và chút ít đất nước gió lửa của muôn loài rồi cũng sẽ theo dòng sinh diệt trở về đại thể đất nước gió lửa.
Mở rộng việc quán chiếu đến cành cây, ngọn cỏ, con đường, dòng sông, hạt cát, đám mây,... Tất Đạt Đa dần nhận ra khác với những chủng loài hữu tình - những sự vật vô tình, những hiện tượng tự nhiên cơ hồ như không chất chứa những ưu bi, sầu khổ nơi vòng sinh diệt hợp tan. Dường như không có một cái ngã hiện hữu trong đám mây, trong hạt cát, trong tia nắng sớm mai,...
Và có lẽ vì không có ngã, ngã kiến, ngã chấp mà những sự vật hiện tượng tự nhiên không nặng oằn đau thương, ân vay oán trả. Tùy duyên đến đi, tùy duyên sinh diệt.
Ngược lại, những chủng loài hữu tình cơ hồ như vì chất chứa ngã kiến, ngã chấp mà luôn nặng nề, luôn đau khổ trong việc tụ tán, tồn vong. Chủng loài hữu tình càng cao với tâm phân biệt càng rạch ròi thì lại càng nhiều khổ sầu, ưu bi.
- Phải chăng chính ngã kiến, ngã chấp đã khiến cho những chủng loài hữu tình trôi lăn trong vòng luân hồi sinh diệt?
- Phải chăng chính ngã kiến, ngã chấp đã huân tập những chủng tử nghiệp, và nghiệp huân tập đã trói buộc bản ngã của mọi chúng sinh vào 3 cõi 6 đường?
...
Sở dĩ Tất đạt đa tin rằng những chủng loài hữu tình sẽ trôi lăn trong vòng sinh diệt luân hồi nơi 3 cõi 6 đường bởi vì chính chàng đã nhiều lần chạm mặt với rất nhiều chủng loài chúng sinh ở nẻo giới vô hình và nhận biết được rằng những chúng sinh ở nẻo giới vô hình chính là bóng dáng của những chúng sinh hữu hình hóa hiện.
...
Tất Đạt Đa tiếp tục với đại công trình thiền quán sâu xa để sáng rõ được bản chất của vạn pháp, của vòng sinh diệt luân hồi là Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã.
...
- Và nếu ta là một đám mây tụ tán vô tình thì sao?
- Với vô ngã, vô ngã kiến, vô ngã sở, vô ngã chấp... Phải chăng ta sẽ thong dong, tự tại trước cuộc thịnh suy, trước sự sinh diệt?
Lần được giềng mối Chánh Trí, Tất Đạt Đa lại chìm sâu vào thiền định, thiền quán để rồi chạm đến Chánh Kiến Bất Thoái Chuyển hoát nhiên chứng ngộ pháp vô sanh.
...
Sau khi nếm trải, thẩm thấu hoàn toàn việc chứng ngộ pháp vô sanh Tất Đạt Đa nhớ nghĩ đến những người bạn đồng tu, nghĩ đến những người thầy đáng kính, nghĩ đến những người cầu đạo chí thiết những mong hợp thể cùng Đại Ngã (Brahma), nghĩ nhớ đến vị vua cha Tịnh Phạn đã già nua, nghĩ đến gia đình, quyến thuộc,... Tất Đạt Đa đã hạ quyết tâm phổ truyền con đường giác ngộ giải thoát hoàn toàn vào trong nhận thức, tư duy và sự hiểu biết của loài người, gieo duyên giác ngộ giải thoát hoàn toàn đến muôn đời sau.
...
Tóm lại, việc hành thiền quán chính là việc quan sát, ghi nhận từ thực tế khách quan sinh động - ngoại quán; Tiếp đến là nội quán - hành nhân dựa vào sự hiểu biết - nội hàm để nhận thức, tư duy sâu xa từ phổ quát đến chi tiết nhằm sáng rõ bản chất mọi sự vật hiện tượng.
...
Trên bước đường phổ truyền chánh pháp Tất Đạt Đa sẽ tùy thuộc vào căn tánh, trình độ, sự vướng mắc của học nhân mà chỉ bày phương cách thiền quán thích hợp. Đơn cử như khi hành nhân không thể rành rõ vô thường Tất Đạt Đa sẽ chỉ bày cho phép quán vô thường; Nếu hành nhân không rõ Không, Tất Đạt Đa chỉ dẫn việc quán Không; Nếu hành nhân không tường tận vô ngã, Tất Đạt Đa sẽ bày phương tiện quán vô ngã,...
...
Có thể sẽ có người tham khảo bài viết này với một tấm lòng không đủ bao dung, không đủ cởi mở sẽ cho rằng Ngạo Thuyết đã võ đoán, đã cạn nghĩ về phương pháp thiền quán của Phật Thích Ca.
...
Hãy chậm lại một chút Ngạo Thuyết thật sự không nói rằng nội dung bài viết đúng thật là tất cả những gì ngài Tất Đạt Đa đã thực hành ở công trình đại thiền quán. Mục đích thực sự của bài viết chính là Ngạo Thuyết nói thêm một chút về pháp thiền quán những mong các bạn, những người tham cứu bài viết có thể nắm bắt được ít nhiều về pháp hành thiền quán mà đạo Phật vẫn thường đề cập đến.
...
Vả lại khi tiếp cận những bài viết do Ngạo Thuyết phóng bút trình bày người tham cứu hãy đặt xuống sự phân biệt đúng sai, chân ngụy, hay dở. Hãy an nhiên thả lòng xem bài viết, điều đó sẽ giúp cho việc tiếp nhận thông tin có được một chút gì đó khách quan, một chút gì đó cởi mở,...
Trên thực tế lẽ đúng sai ở những bài viết do Ngạo Thuyết trình bày vốn không thật sự rất quan trọng. Điều quan trọng hơn là bạn đã học hỏi, đã hoàn thiện được mình như thế nào sau khi nhận ra sự sai đúng ở nơi người. Trân trọng!
...
#Nikaya_Đốn_Ngộ
Bài liên quan
- Giải Pháp Phòng Chống Dịch Covid Cho Hiện Tại Và Tương Lai - Phá Kiến Thức
- Thuyết Âm Mưu Về Chiến Lược Phòng Chống dịch Covid Của Trung Cộng - Thuật Dùng Binh - Kiếm Trung Kiếm
- Những Sự Ngu Người Trong Đại Cuộc Chống Dịch Covid - 19 Ở Việt Nam và Toàn Thế Giới - Đoạn Kiếm, Tàn Cầm
- Ngạo Thuyết Nói Về Sự Sống Sau Cái Chết - Tri Kiến Khởi Tri (P. 1)
- Ngạo Thuyết Nói Về Cái Chết - Tri Kiến Khởi Tri
- Ngạo Thuyết Mạn Đàm Về Cái Chết - Tri Kiến Khởi Tri (P. 2)
- Ngạo Thuyết Mạn Đàm Về Cái Chết - Tri Kiến Khởi Tri (P. 1)
- Giải Mã Ngoại Đạo
- Thực Tướng Như Lai
- Tất Đạt Đa Đã Hành Thiền Như Thế Nào Để Chạm Đến Sự Giác Ngộ...
- Câu Chuyện Hoằng Pháp - Tình Cờ Gieo Duyên
- Bóc Tách Pháp Môn Khán Thoại Đầu
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét