Giải Mã Ngoại Đạo
Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021
Thưa thầy Ngạo Thuyết! Thầy giải mã đạo Phật phơi bày ra những tà thuyết, những định kiến sai lạc đang tồn tại ở đạo Phật. Việc thầy làm khiến người học Phật thức tỉnh được nhiều điều, bản thân tôi cũng nhận được nhiều lợi ích. Tôi xin chân thành tri ân công đức của thầy!
- Ồ! Cảm ơn pháp hữu! Ngạo Thuyết cả nghĩ rằng dù bất kì ai một khi nhận biết được chân tướng của sự việc đều sẽ tùy thời trình bày sáng tỏ mọi việc. Ngạo Thuyết cũng xin tri ân pháp hữu đã cùng đồng hành!
Thưa thầy Ngạo Thuyết! Việc thầy giải mã đạo Phật rất lợi lạc cho nhiều người! Tuy nhiên, tôi cũng có suy nghĩ đến hệ lụy mà việc giải mã đạo Phật có thể gây ra. Rất có thể khi thầy phơi bày ra rất nhiều điểm yếu cùng với những gốc khuất của đạo Phật thì ngoại đạo sẽ dựa vào đó triệt hạ đạo Phật.
- Pháp hữu hãy an lòng vì "Vàng thật không sợ lửa".
Thưa thầy! Thầy có thể nói rõ hơn ý "Vàng thật không sợ lửa" được không?
- Theo pháp hữu, điểm khác biệt nào khiến đạo Phật vượt lên trên mọi giáo lý ngoại đạo?
Thưa thầy! Đạo Phật là giáo lý chánh pháp chỉ bày con người thoát khổ, giải thoát hoàn toàn.
- Pháp hữu chỉ nói đúng một nửa. Bởi lẽ giáo lý ngoại đạo cũng có công năng cứu khổ. Do đó, đạo Phật vượt trội hơn ngoại đạo chỉ ở việc giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Và chính việc giác ngộ giải thoát hoàn toàn đã giúp đạo Phật tồn tại trong lòng nhân loại.
- Khi sự hiểu biết của loài người còn hạn chế mà ngoại đạo còn không đủ trí tuệ để xóa sổ đạo Phật. Ngày nay, đạo Phật đã phát triển rộng khắp thì ngoại đạo càng không thể triệt hạ đạo Phật.
- Và pháp hữu phải nhận thức được rằng ngoại đạo ngày nay không cố tâm xóa bỏ đạo Phật, ngoại đạo cũng đang rối bời với những tranh giành nơi nội tại của chính nó.
Do đó, kẻ có thể hủy hoại đạo Phật ngày nay phần nhiều lại chính là người học Phật chính danh - Những người hiểu sai chánh pháp, chìm đắm nơi lợi dưỡng, lợi danh.
Thưa thầy! Thầy nói giáo lý ngoại đạo cũng mang lại sự thoát khổ?
- Không sai! Khi ngoại đạo gọi tên Thánh Alah, Chúa Jesus, Thượng Đế,... và chí thành cầu nguyện, lễ bái, xưng tội; Ấy là những lúc ngoại đạo được an tâm, được thoát khổ. Hoặc là khi kẻ nghiện game được chơi game, khi kẻ mê Iphone được tặng Iphone, hoặc khi con nghiện được dùng thuốc kích thích,... ngoại đạo khi đó sẽ thoát khổ.
Thầy nói vậy có vẻ không ổn. Không thể lấy việc thoát khổ ở đạo Phật so sánh với sự thoát khổ ở ngoại đạo qua việc con nghiện được dùng thuốc kích thích hay việc ngoại đạo trì niệm Thánh Alah, Chúa Jesus, Thượng Đế, Thần Linh,...
- Tại sao không được so sánh việc thoát khổ giữa tín đồ đạo Phật và tín đồ ngoại đạo? Ngạo Thuyết không thấy sự khập khiễng đáng kể nào.
Việc thoát khổ của ngoại đạo dựa trên sự cuồng tin, mê tín và lạc lối; Đây là việc thoát khổ giả tạm có tính sinh diệt, càng lún sâu càng đau khổ nhiều hơn. Còn việc thoát khổ ở đạo Phật dựa trên nền tảng trí tuệ của giáo lý chánh pháp.
- Pháp hữu thấy sự thoát khổ của đạo Phật khác với ngoại đạo là do pháp hữu chất chứa nhiều vọng chấp. Pháp hữu ôm giữ định kiến đạo Phật chứa giáo lý chánh pháp nên rơi vào biên kiến, cái nhìn của pháp hữu theo đó cũng đánh mất sự khách quan. Pháp hữu cho rằng việc thoát khổ của ngoại đạo có tính sinh diệt là không sai. Song việc thoát khổ ở tín đồ đạo Phật khi chưa vượt thoát luân hồi cũng có tính sinh diệt y như vậy.
- Pháp hữu lại cho rằng giáo lý đạo Phật là chánh pháp và pháp hữu thả lòng ra sẽ thấy tín đồ học Phật đang loay hoay giữa các pháp môn, hệ phái Phật học với bộn bề những khổ sầu.
- Phải chăng chính cái gọi là chánh pháp đang khiến người học Phật đảo điên và hoang mang?
- Phải chăng chính đạo Phật cũng đang khiến cho con người phiền não?
- Phải chăng chính những người niệm Phật tín thành vẫn đang mông lung không rõ biết mai này chết sẽ về đâu?
Đấy là do người học Phật hiểu sai chánh pháp.
- Đúng vậy! Khi người học Phật hiểu sai chánh pháp thì chánh pháp đã ngay lập tức trở thành tà pháp khiến muôn người lạc lối trong u mê, tăm tối. Chỉ khi người học Phật hiểu đúng về đạo Phật thì chánh pháp mới đích thực là chánh pháp. Và chỉ khi nào người học Phật thấu tỏ giác ngộ giải thoát thì người học Phật mới thoát khổ hoàn toàn; Không được thế thì việc thoát khổ ở người học Phật cũng mang tính sinh diệt.
Thưa thầy Ngạo Thuyết! Thầy nói chí phải. Thầy có thể nói rõ thêm về ngoại đạo không?
- Kinh Phạm Võng đã thâu tóm 62 tà kiến của ngoại đạo. Dù ngoại đạo có biến hóa thế nào cũng không ra ngoài 62 tà kiến đó, cụ thể:
– 18 kiến chấp về quá khứ,
– 44 kiến chấp về tương lai.
Mười tám kiến chấp về quá khứ có:
– 4 luận chấp về Thường trú luận;
– 4 luận chấp về Thường, Vô thường luận;
– 4 luận chấp về Hữu biên, Vô biên luận
– 4 luận chấp về Ngụy biện luận;
– 2 luận chấp về Vô nhân luận.
Bốn mươi bốn kiến chấp về tương lai có:
– 16 luận chấp về Hữu tưởng luận;
– 8 luận chấp về Vô tưởng luận;
– 8 luận chấp về Phi hữu tưởng phi vô tưởng;
– 7 luận chấp về Đoạn diệt luận;
– 5 luận chấp về Hiện tại Niết bàn luận.
Thưa thầy Ngạo Thuyết! Thầy có thể trình bày rõ ràng về ngoại đạo hơn không chứ nhìn vào 62 tà kiến và lối chú giải chứa nhiều từ Hán việt khiến tôi hoa mắt, không tiếp thu xuể.
- Khó quá thì cho qua vậy. Ngoại đạo ngày nay có hai chủ thuyết chính; Đó là chủ thuyết duy vật và chủ thuyết duy tâm. Thực ra cả hai chủ thuyết này đều rơi vào mê cả. Vì chấp thủ bên nào cũng sẽ rơi vào biên kiến, khi đánh mất trung đạo thì mọi cái biết đều rơi vào tối tăm, mờ mịt.
- Đơn cử như chủ thuyết duy vật cho rằng không có thế giới duy tâm, vật chất quyết định ý thức. Chủ thuyết duy vật khi vừa mở lời thì đã rơi vào sự ngu xuẩn, bế tắc rồi. Vì trên thực tế mọi thực thế sống một khi rời tâm liền trở thành xác chết, do đó chối bỏ phần tồn tại của tâm thì tín đồ chủ nghĩa duy vật đã bán rẻ linh hồn của họ rồi, họ trở thành những thây ma (những zombie) chăng? Có thể nói phát kiến chủ nghĩa duy vật là phát kiến ngu xuẩn và tối tăm nhất nơi sự hiểu biết của nhân loại.
- Tương tự như thế, nếu dựa trên nền duy tâm mà không có vật chất hữu hình thì vũ trụ chỉ có những chủng loài tưởng tri phiêu hốt, có cũng như không.
- Nói một cách khác là vũ trụ tồn tại luân chuyển biến hóa dựa trên cả hai nền tảng duy vật và duy tâm.
Vâng! Thầy có thể giải mã ngoại đạo không?
- Việc giải mã đạo Phật cần nhiều bút mục chứ việc giải mã ngoại đạo thì khá dễ dàng.
- Sao lại thế ạ?
- Phải chăng ngoại đạo xưa nay vẫn quẩn quanh với Nhất Thần Giáo, Đa Thần Giáo, Nho Giáo, Lão Giáo và các tín ngưỡng tâm linh có tính bản địa vùng miền?
- Khi loài người còn mông muội thì con người không ý thức gì đến nguồn gốc loài người, loài người sống hồn nhiên như thú hoang.
- Rồi khi con người tiến hóa, tích lũy nhiều hiểu biết hơn loài người mới nẩy sinh suy tư con người đến từ đâu, chết sẽ đi về đâu và ai đã tạo ra loài người.
- Thật đúng là kẻ thông minh bị thông minh hại chết! Thông qua giao tiếp loài người chia sẻ thông tin cho nhau về suy tư nguồn gốc con người. Và con người bắt đầu rối não kể từ đó.
- Có những giả thuyết được đặt ra và dần dần cộng đồng người tin rằng có một Đấng Sáng Tạo tạo ra loài người và muôn vật. Chủ thuyết này giống như thể là con người không tin rằng con người đã sinh ra loài người; Có một giống loài nào đó cao cấp hơn đã sản xuất ra loài người và muôn vật. Đây là nền móng cho sự ra đời của các hệ thống tôn giáo Nhất Thần Giáo, điển hình là đạo Do Thái, đạo Bà La Môn nguyên thủy,...
Và đạo Kitô, đạo Hồi cũng là Nhất Thần Giáo nhưng không theo nguyên mẫu như trên mà chỉ là một dạng biến thể của Nhất Thần Giáo nguyên thủy. Đạo Kitô, đạo Hồi,... ra đời không theo quy luật suy lường về gốc tích loài người mà dựa trên sự toan tính của con người.
Chúng ta hãy xét bối cảnh lịch sử ra đời đạo Kito, đạo Hồi,... sẽ dễ dàng nhận ra một điểm chung là lúc bấy giờ vùng miền lãnh thổ đó bị xâm chiếm, là những nước thuộc địa.
Nguyên nhân là do đất nước bị xâm lược và những người bị trị đã bạc nhược hoàn toàn, đánh mất khả năng phản khán.
Lúc bấy giờ, những bậc trí giả yêu nước đau xót trước cảnh mất nhà tan, lòng luôn mong mỏi tìm kế sách cứu nước.
Muốn giành lại chủ quyền đất nước rất cần đến tinh thần đoàn kết. Đây là điều mà dân tộc họ bị đánh mất. Trước sự giết chóc man rợ, đàn áp dã man phần nhiều dân tộc bị trị trở nên ham sống, sợ chết và thui chột tinh thần đoàn kết.
Rõ biết như thế những bậc trí giả như Jesus, Mohammed,... đã ra sức lan tỏa những tin đồn, những lời tiên tri,... nhằm từng bước thiết lập vai trò giáo chủ ở những hệ thống Nhất Thần Giáo mới.
Đạo Cao Đài ở Việt Nam cũng là một dạng biến thể hỗn tạp của Nhất Thần Giáo kiểu mới.
...
Khi xã hội loài người phát triển thành một tổ chức xã hội hoàn chỉnh và sự hiểu biết của con người nâng cao hơn trước; Những bậc trí giả trong hệ thống tâm linh lại suy lường rằng mỗi một Đấng Sáng Tạo khó thể kiến tạo được một vũ trụ phức tạp, huyền bí đến vậy. Hẳn là Đấng Sáng Tạo sẽ làm việc đó cùng với các cộng sự, các thuộc cấp; Đây là nền tảng dẫn đến sự ra đời của Đa Thần Giáo. Thần sông, Thần núi, Thần biển, Thần Mặt Trời, Thần Mặt Trăng, Thần Chiến Tranh, Thần Tình Yêu, Thần Hủy Diệt, Thần Bệnh Dịch,... đến Ông Tơ, Bà Nguyệt, Thổ Địa, Thần Hoàng,... lần lượt được loài người dựng lên, chính loài người đã đặt tên và đóng dấu, khắc chữ lên trán các vị Thần.
- Sự bất đồng trong việc lý giải nguồn gốc loài người và sum la vạn tượng giữa các hệ thống tôn ngưỡng Nhất Thần Giáo, Đa Thần Giáo đã đẩy loài người đến sự giết chóc, tàn hại lẫn nhau. Xung đột sắc tộc, tôn giáo trở thành bệnh chứng rất hung hiểm ở loài người và không dễ tháo gỡ vì đã trở thành những mối thù truyền kiếp.
- Bên cạnh tín ngưỡng Nhất Thần Giáo, Đa Thần Giáo thì sự phát triển của xã hội loài người còn dựa trên nền tảng học hỏi, chia sẻ sự hiểu biết có phần đời hơn, không quá chăm chú vào những vấn đề tâm linh siêu hình cũng như việc ráo riết tìm hiểu nguồn gốc loài người và sum la vạn tượng. Ở phương Đông có nền giáo dục Nho Giáo; Nho Giáo có khuynh hướng hướng nội, chú trọng rèn giũa nhân cách con người với Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín.
- Trong khi đó, ở phương Tây, sự học hỏi của con người có xu thế hướng ngoại, có tính thực dụng cao, hình thành nên những phong trào tân học thiên về phát triển khoa học kỹ thuật, là cơ sở cho một đời sống vật chất hiện đại
- Nhìn chung, hai nền văn hóa Nho Học Phương Đông và Tân Học Phương Tây nguyên sơ tuy không chăm chú đến thế giới tâm linh nhưng cũng không cực đoan phủ định sự tồn tại của thế giới tâm linh siêu hình. Chính điều này đã tạo nên rất nhiều nền tín ngưỡng tâm linh mang tính bản địa.
- Không chỉ vậy. Ngày nay, ngoại đạo dựa vào sự học và nền khoa học nửa mùa suy lường rằng loài người do người ngoài hành tinh tạo ra, họ xây dựng hệ tư tưởng loài người được đến từ những nền văn minh ngoài trái đất hoặc loài người được các Đấng Quyền Năng thả xuống trái đất học hỏi để tiến hóa tâm linh và rồi sẽ trở về những cõi giới cao hơn.
Bài liên quan
- Trả Lời Cho Ông Robert Bigelow Về Sự Sống Sau Cái Chết
- Có Không Sự Tồn Tại Của Sự Sống Sau Cái Chết?
- Đạo Phật Đã Phân Hóa Kể Từ Bao Giờ (P. 1)
- Hãy Là Người Học Phật Có Tư Duy
- Mời Các Bạn Tham Khảo Thêm Chút Tư Liệu Về Các Cuộc Kết Tập Kinh Phật
- Những Ngộ Nhận Về Vaccine và Trùm Cuối Tạo Ra Những Antivaccine Covid (P.2)
- Những Ngộ Nhận Về Vaccine và Trùm Cuối Tạo Ra Những Antivaccine Covid (P.1)
- Những Nhập Nhằng Xoay Quanh Vaccine Covid Và Antivaccine Covid Fan
- Sài Gòn Chừng Nào Mở Cửa?
- Trật Con Tán, Bán Con Trâu Trong Chiến Lược Phòng Chống Dịch Covid Ở Việt Nam
- Giải Pháp Phòng Chống Dịch Covid Cho Hiện Tại Và Tương Lai - Phá Kiến Thức
- Thuyết Âm Mưu Về Chiến Lược Phòng Chống dịch Covid Của Trung Cộng - Thuật Dùng Binh - Kiếm Trung Kiếm
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét