
Ngạo Thuyết Mạn Đàm Về Cái Chết - Tri Kiến Khởi Tri (P. 2)
Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021
Ngạo Thuyết mượn một câu nói của tiền nhân, lời rằng loài người là chủng chúng sinh đang no lo đói, đang sống lo chết để tiếp tục trình bày nội dung bài viết.
Thật vậy loài người là một chủng chúng sinh như thế. Loài vật cũng dính mắc những điều này nhưng do thiếu trí tuệ mà loài vật không toan tính căng cơ như loài người.
Và do đang no lo đói cùng trí tuệ nên loài người dần chìm đắm, ngụp lặn trong Tham Sân Si cùng với những sáng tạo, những phát kiến để cầu toàn cho việc Đang No Lo Đói.
Khoa học - Giáo dục - Kinh tế - Xã hội cũng do sự đang lo no đói của loài người mà không ngừng phát triển. Sự phát triển không có sự định hướng cân đối nên dần sa đà vào việc tham đắm vật chất ở lối sống thực dụng.
Bên cạnh đó, việc Đang Sống Lo Chết cùng sự hiểu biết dính mắc đưa đẩy con người đến với những suy tư và hoài nghi về gốc tích của chính mình, về Cái Chết và Sự Sống Sau Cái Chết.
Có thể nói là mọi loại hình tôn giáo tín ngưỡng tâm linh hiện nay. Trong đó có cả những tôn giáo tin nhận Chết Là Hết cũng thoát thai từ việc Đang Sống Lo Chết ở loài người.
Có thể sẽ có người hoài nghi rằng làm gì có một tôn giáo nào tin nhận Chết Là Hết?
Thật ra chủ thuyết duy vật biện chứng non trẻ đời trước đã từng cực đoan tin nhận Chết Là Hết và lôi kéo tín đồ cũng như tìm mọi cách tiêu diệt những người không tin nhận vào việc Chết Là Hết, họ cũng đã cho rằng không hiểu giống như họ đều sẽ là Tà giáo, là Mê Tín Dị Đoan.
...
Rất chuẩn mực Chủ Nghĩa Duy Vật cũng là một tôn giáo bất luận những người theo chủ thuyết duy vật có thừa nhận hay không thừa nhận điều đó.
Không chỉ vậy. Ngay trong cụm tôn giáo tin nhận việc Chết Là Hết cũng phân hóa thành 5, 7 đường và tự chúng cũng có những mâu thuẫn nội tại không thể giải quyết.
...
Bởi do sự hiểu biết không đồng và không chung cùng một niềm tin nên Cái Chết và Sự Sống Sau Cái Chết được loài người thêu dệt nên muôn hình vạn trạng và từ đó chi phối ngược lại đời sống con người trên những nền tảng Tri Kiến Lập Tri cùng với những canh tân, những ước đoán suy lường.
Ngạo Thuyết tin rằng sẽ không có bất kỳ ai có đủ khả năng thống kê về Cái Chết và Sự Sống Sau Cái Chết của nhân loại dựa trên tư liệu dân gian, tín ngưỡng tâm linh và sự khắc họa từ các loại hình tôn giáo.
Nhiều quá dễ hóa loạn nên để cô động để giản đơn cho việc nhận diện về Cái Chết và Sự Sống Sau Cái Chết Ngạo Thuyết sẽ chọn nguồn Tri Kiến đạo Phật làm nền tảng cho việc Mạn Đàm Về Cái Chết.
Ngạo Thuyết chọn lựa tri kiến đạo Phật cho việc luận giải bởi nguyên do gì?
Thực tế tri kiến của Ngạo Thuyết đang trình làng vốn không tin thuần đạo Phật. Ngạo Thuyết sở hữu và thuộc về Bá đạo chứ Ngạo Thuyết không phải là một tín đồ đạo Phật ngoan hiền.
Do đó Ngạo Thuyết không phải là người nối pháp cũng như ra sức truyền giữ lửa cho đạo Phật.
Và Ngạo Thuyết là người tôn trọng lẽ thật và sự khách quan.
Thế nên sau khi tham khảo ít nhiều về bá đạo đối với Cái Chết và Sự Sống Sau Cái Chết thì Ngạo Thuyết nhận diện được rằng Tri Kiến Lập Tri về Cái Chết và Sự Sống Sau Cái Chết ở đạo Phật là bài bản, rạch ròi hơn cả dù rằng vẫn còn nơi đấy rất nhiều những mê lầm do người học Phật không hiểu đúng về ngữ nghĩa lời nói của vị Giác Giả Toàn Giác.
...
Cái Chết và Sự Sống Sau Cái Chết của quan niệm tôn giáo phương Tây giản đơn chỉ có nước Trời - cõi Thiên Đàng tràn ngập ánh sáng ân sủng của Đấng Chúa Trời, điều này quá hạn hẹp không thể lột tả được sự muôn hình vạn trạng của thế giới Sự Sống Sau Cái Chết, Quỷ Satan là cõi giới nào, Địa ngục, Hỏa ngục tồn tại và vận hành ra sao người phương Tây, tín đồ con Chúa tin nhận một cách mông lung và đắm đuối.
Vì lẽ đó Ngạo Thuyết đặt Tri Kiến Lập Tri về Cái Chết và Sự Sống Sau Cái Chết của người phương Tây ra khỏi sự mạn đàm về Cái Chết và Sự Sống Sau Cái Chết trong khuôn khổ bài viết này.
...
Tri Kiến Lập Tri của đạo Phật về Cái Chết và Sự Sống Sau Cái Chết gồm những gì và có đồng nhất không?
Thực tế là chính nơi đạo Phật sự hiểu biết của người học Phật về Cái Chết và Sự Sống Sau Cái Chết cũng không đồng.
Thậm chí là điên đảo đến trái ngược và phần nhiều chính họ cũng không thật biết họ đang nói gì cũng như đang cố gắng bảo vệ một điều gì.
Do chỉ dựa vào tri kiến góp nhặt và dùng sự suy lường để tin nhận nên người học Phật, kẻ nói có linh hồn, người nói không có linh hồn, kẻ nói có Thân Trung Ấm, người nói không có Thân Trung Ấm, kẻ nói Chết sẽ tái sinh ngay lập tức, người nói sự tái sinh sẽ diễn ra 49 - 100 ngày...
Và tiếp đến người học Phật sẽ không ngừng tranh luận và công kích lẫn nhau nhằm chứng minh rằng họ đúng, người sai.
Để khẳng định mình đúng người học Phật sẽ viện dẫn kinh này, sách Phật nọ nhưng điều đáng tiếc là họ không nhận thức được rằng họ đang cãi vả nhau bằng Tri Kiến vay mượn và sau tất cả là họ xem kinh Phật mà không hiểu được ý Phật.
Thực tế là người học Phật ngày nay phần nhiều không lĩnh hội được kinh Phật. Vì thế họ thường ra mặt bảo vệ đạo Phật nhưng do thiếu hiểu biết và hiểu không đúng về chánh pháp mà họ trở thành những kẻ phỉ báng đạo Phật một cách hăng say, và họ điên cuồng trong những Tham Sân Si.
Y tựa hoàn toàn vào kinh Phật thực tế là sự mắc kẹt ở Tri Kiến Lập Tri, như thế là "Hỏng" rồi. Phật đâu từng nói Lời Ta Là Luôn Đúng. Phật đã khéo nhắc đồ chúng về 10 điều chớ vội tin. Phật đã thêm lần nữa bi mẫn sách tấn người học Phật Hãy Tự Thắp Đuốc Mà Đi... Thế mà người học Phật lại mãi hoài nương tựa, dựa dẫm vào nguồn Tri Kiến Lập Tri đến mức Bảo Thủ và Lệ Thuộc.
Sự mê muội của người học Phật đã khiến vị Giác Giả Toàn Giác thứ hai trong nhân loại đã phải nhập thế cảnh tỉnh rằng Người Nào Lấy Sắc Tướng, Lấy Âm Thanh Cầu Ta, Kẻ Ấy Hành Đạo Tà Chẳng Thể Thấy Như Lai.
Vậy mà người học Phật vẫn ra sức chấp thủ y kinh là vì lẽ gì?
...
Tiếp đến, Ngạo Thuyết sẽ chiết giải chỗ tối tăm của Tri Kiến Lập Tri Không Có Linh Hồn.
Nếu người học Phật thông suốt đạo Phật thì một khi nói đến việc Không Có Linh Hồn sẽ phải hiểu rõ rằng là không có bất cứ một thứ gì cả - Tính Vô Ngã.
Không có tất tần tật từ Sắc Thọ Tưởng Hành Thức, không có Sum la vạn tượng, không có Ta - Người, không có chúng sinh, không có Phật, không có già chết, sinh diệt.
Điều đó có nghĩa là không có cả những người học Phật chấp giữ có hay không có linh hồn.
Nói một cách khác là chỉ khi thông đạt Phật đạo người học Phật sẽ thật sống với cái biết vạn pháp vô ngã chứ không riêng gì Linh Hồn không có.
Nhược bằng không thông hiểu Phật pháp thì việc mở lời ra nói Không Có Linh Hồn thì liền đó đã rơi vào Chấp Ngã, đối với đạo Phật mà nói rơi vào chấp ngã tức là đã rơi vào bại địa, là chìm nổi luân hồi.
Những người chấp giữ tri kiến Không Có Linh Hồn một khi chạm mặt những người thấu đạt chánh pháp Phật môn cang cường, những người thấu đạt sẽ tát thẳng vào mặt người chấp thủ.
Việc này sẽ khiến người chấp thủ sân si lên và động tay động chân, lúc bấy giờ người cang cường mở lời điểm hóa - Không Có Linh Hồn thì cái gì đang sân si muốn động tay động chân ấy? Phải chăng cái đó là cái tôi, cái bản ngã không?
Nếu người chấp thủ còn đủ tỉnh táo thì sẽ trả lời - Đúng vậy.
Khi đó, người điểm hóa sẽ khéo nhắc - Không sai. Và chính cái ngã, cái tôi đó là linh hồn của mỗi người đấy. Vì chấp thủ nhân ngã mà linh hồn - bản ngã người chết không tan và theo tập nghiệp sẽ tái sinh nơi muôn nẻo luân hồi.
...
Về mảng Thân Trung Ấm, việc tái sinh ngay lập tức hoặc trải qua 49 - 100 ngày nên hiểu làm sao, trúng trật thế nào?
Thực tế là chánh kinh do Phật Thích Ca thuyết không có tri kiến Thân Trung Ấm, không có cả tri kiến tái sinh sau 49 - 100 ngày.
Vậy những tri kiến lập tri đó từ đâu mà có?
Có thể nói đấy là nguồn tri kiến Phật giáo kết hợp với nguồn tri kiến dân gian.
Cụ thể là bên cạnh những người học Phật cực đoan Không Có Linh Hồn thì vẫn có những người học Phật tín nhận sự tái sinh, tin nhận vào Sự Sống Sau Cái Chết, tin nhận con người chết rồi sẽ luân chuyển ở nơi 3 cõi 6 đường.
Khi tin nhận như thế người học Phật sẽ suy tư, tò mò và nghe ngóng.
Trải qua rất nhiều thế hệ góp nhặt thông tin từ dân gian, từ bạn đạo người học Phật ham hiểu biết được nghe đến sự việc người chết về báo mộng với nguyên vẹn vóc hình như khi còn sống, việc vong nhập vào người sống với những ngữ điệu, kiểu cách của người đã chết, việc những người hành thiền xuất thần thức rời thân và chạm mặt những người đã chết với vóc dáng, hình hài khi sống,...
Những điều này được người học Phật, người đời ghi nhận và truyền đời. Những người học Phật đã suy lường "Quái lạ! Chủng loài chúng sinh giống y với hình dạng, kiểu cách người sống này là chủng loài nào? Bốn nẻo vô hình mà kinh Phật miêu tả đâu có dạng chúng sinh có vóc hình y tựa người sống như thế?".
Lại trải qua rất nhiều sự suy lường thao thức, ước đoán sau cùng người suy tư đã đặt cho dạng chúng sinh này một cái tên - Thân Trung Ấm ra đời và được lan tỏa vào sự hiểu biết của người học đạo và người đời.
Và có người tin nhận rằng giai đoạn Thân Trung Ấm là giai đoạn Chờ Tái Sinh. Dần dà quy ước 49 - 100 ngày người chết sẽ tái sinh được định hình và lan tỏa.
Sở dĩ người xưa chọn 49 - 100 ngày người chết sẽ tái sinh là vì đó là những con số đẹp.
Tương tự như thế những con số liên quan đến việc chứng đạo, thời gian hoằng pháp, thậm chí tuổi tác của Phật Thích Ca cũng chỉ là những con số đẹp và một người xa xưa nào đó đã chọn lựa vì sự tròn vành và được nhiều người ủng hộ.
Nói tóm lại tri kiến về Thân Trung Ấm, về việc tái sinh trong khoảng thời gian 49 - 100 ngày là tri kiến dân gian du nhập vào đạo Phật.
Và những người học Phật đã đón nhận những Tri Kiến Lập Tri của dân gian rồi từng bước hợp thức hóa vào những trang kinh Phật.
...
Có một điều chúng ta cần phải chú ý và khách quan lưu tâm rằng phần nhiều kinh sách Phật học ngày nay đều kết tập từ nguồn tri thức dân gian. Ngay cả các cuộc kết tập kinh Phật tử lần đầu tiên đến những lần sau cũng đều là tri thức dân gian.
Thực tế là khi kinh Phật chưa được in ấn lưu truyền thì kinh Phật tồn tại chủ yếu là nhờ vào truyền miệng. Và dân gian chính là kho lưu trữ thông tin truyền miệng khổng lồ. Chính vì lẽ đó tri kiến dân gian du nhập vào đạo Phật không phải là điều khó thể lý giải.
Trên thực tế chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy không phải cứ là người học Phật, là Tăng bảo mới có cơ may lĩnh hội được tâm yếu đạo Phật.
Khi những người học Phật chưa thông tỏ Phật pháp lại có dịp nghe những tri kiến Phật giáo dân gian phù hợp thì họ sẽ chấp nhận, thừa nhận và lan tỏa cái mặc nhiên được xem là tri kiến Phật.
Và đạo Phật lại lan tỏa khắp mọi vùng miền, thế nên những tri kiến dân gian phù hợp với tri kiến Phật học sẽ có nhiều hơn cơ may du nhập vào đạo Phật và trở nên là giáo lý Phật giáo được muôn người tin nhận, tán thán cùng đọc tụng.
Vậy tri kiến Thân Trung Ấm là đúng hay sai khi tham chiếu với đạo Phật? Và việc tái sinh sau 49 - 100 ngày liệu có đựng sự mê lầm?
Tri Kiến Lập Tri Thân Trung Ấm vốn không sai với tri kiến đạo Phật. Có chăng là do người học Phật y tựa vào kinh mà nhận thức sai lạc, không rành rõ vấn đề.
Người học Phật y kinh sẽ tin nhận chúng sinh bị đọa Địa ngục sẽ bị giam hãm nơi địa ngục, chịu muôn điều trừng phạt, không có cơ may gặp lại người thân và thân hình tả tơi, tàn tạ, chẳng ra hình người.
Người học Phật y kinh sẽ tin nhận chúng sinh nẻo Ngạ quỷ đầu to, bụng bự, cổ và tay chân bé như cọng bún, hình thù quái dị chẳng ra vóc dáng của một con người.
Người học Phật y kinh tin nhận chúng sinh nẻo Atula sẽ có nhan sắc đẹp tuyệt trần hoặc có thân hình khôi vỹ, giỏi ca hát, đánh đàn, ham đánh giết và vóc hình sẽ xịn xò hơn con người rất nhiều lần.
Tương tự như thế người học Phật y kinh cũng sẽ tin nhận chúng sinh ở nẻo Trời cao quý, mỹ mạo như hoa, như ngọc hoàn toàn không giống với chúng sinh nẻo người.
Chính vì những dính mắc như thế nên khi người học Phật tiếp nhận những thông tin về việc chạm mặt Sự Sống Sau Cái Chết có hình dáng, khuôn mặt của con người thì họ đã nông cạn cho rằng vậy là người đó chết nhưng chưa tái sinh, đang chờ tái sinh. Và đó là trạng thái Thân Trung Ấm.
Song thực tế là con người và loài vật cũng như chúng sinh chi loại ngay khi chết sẽ liền tái sinh.
Và nếu người đó hay chúng sinh đó tâm tánh thuần lương, trong sáng thì khi tái sinh ở những nẻo giới vô hình thường mang vóc hình tương tợ như vóc hình, kiểu cách của kiếp sống trước đó, đấy là tập nghiệp của Tàng Thức.
Bởi do xem kinh Phật mà mắc kẹt ở sắc tướng nên người học Phật đã khắc họa chủng chúng sinh ma đói phải bụng to, đầu bự nhưng cổ bằng cọng bún nên chẳng thể thọ thực được.
Tương tự như thế các nẻo giới vô hình khác cũng vì đuổi hình bắt chữ ở người học Phật mà dựng lên những cõi giới Tri Kiến Lập Tri mê mờ, sai lầm.
Và tất nhiên là những người mắc kẹt ở những lập tri mê lầm như thế một khi chết đi hoàn toàn có thể bị rơi vào hiện cảnh như thế vì Tâm Sinh, Cảnh Hiện.
Trong khi với những người không bị mắc kẹt ở những Tri Kiến Lập Tri đó khi chết đi, dù rằng họ không thể mang vác xác thân vật chất đang tàn hoại dần nhưng họ vẫn giữ nguyên những vóc hình, kiểu cách quen thuộc của chính họ và lẩn quẩn tới lui ở những nơi quen thuộc,...
Với những người tạo tác nghiệp thiện ác rõ ràng, phân biệt hơn thì cũng với vóc hình đó nhưng tâm của họ sẽ ngự ở nẻo giới cao thấp khác nhau.
Và Ngạo Thuyết có thêm một lưu ý đến với mọi người là những hình tượng về các nẻo giới vô hình phần nhiều cũng do tri kiến Phật giáo dân gian khắc họa nên.
Thêm nữa, phần nhiều kinh sách Phật học mà người học Phật ngày nay có duyên tham khảo là kết quả của sự ghi nhận của những vị học giả Phật học. Những vị hành giả Phật học chân chính thường sẽ chăm chút vào việc hành trì, tìm lối thoát cho chính họ nên họ không có quá nhiều thời gian dành cho việc sắp xếp những con chữ. Và một khi chưa triệt ngộ họ sẽ kiệm lời khi nói về những điều không rõ biết. Đấy mới là một hành giả Phật học chân chính.
Ngược lại, những người học Phật theo lối rộng cầu tri kiến sẽ lượm lặt, góp nhặt, ước đoán, suy lường về những tư liệu thông tin. Và do sự nông cạn nội hàm họ sẽ thường nhét chữ vào miệng Phật, nói Phật đã từng thuyết như thế để mọi người, người học Phật dễ dàng đón nhận những điều mà họ tin rằng chắc đúng.
Và loài người xưa nay luôn tồn tại một hiện trạng Người Biết Thì Không Nói, Người Nói Thì Không Biết.
Thật vậy xưa nay người biết thường ít nói, kiệm lời. Người không biết thì luôn thích thể hiện việc đã biết, đã hiểu dù rằng họ không thật biết.
Những nhà nghiên cứu Phật học, những học giả Phật học phần nhiều là những người không thật biết về đạo Phật, trong đó có cả một lượng đông đảo những vị Tăng Bảo sa môn nghĩa học xưa nay.
Và giới hành giả ngày nay ít người triệt ngộ nên việc hành trì duy sự thiếu lý vì thế đối với đạo Phật mà nói thì họ cũng chỉ là những người đứng ngoài cửa, họ cũng không thật biết về đạo Phật.
...
Mời các bạn đón xem bài viết Ngạo Thuyết Nói Về Cái Chết - Tri Kiến Khởi Tri!
...
Bài liên quan
- Đạo Phật Đã Phân Hóa Kể Từ Bao Giờ? (P. 2)
- Trả Lời Cho Ông Robert Bigelow Về Sự Sống Sau Cái Chết
- Có Không Sự Tồn Tại Của Sự Sống Sau Cái Chết?
- Đạo Phật Đã Phân Hóa Kể Từ Bao Giờ (P. 1)
- Hãy Là Người Học Phật Có Tư Duy
- Mời Các Bạn Tham Khảo Thêm Chút Tư Liệu Về Các Cuộc Kết Tập Kinh Phật
- Những Ngộ Nhận Về Vaccine và Trùm Cuối Tạo Ra Những Antivaccine Covid (P.2)
- Những Ngộ Nhận Về Vaccine và Trùm Cuối Tạo Ra Những Antivaccine Covid (P.1)
- Những Nhập Nhằng Xoay Quanh Vaccine Covid Và Antivaccine Covid Fan
- Sài Gòn Chừng Nào Mở Cửa?
- Trật Con Tán, Bán Con Trâu Trong Chiến Lược Phòng Chống Dịch Covid Ở Việt Nam
- Giải Pháp Phòng Chống Dịch Covid Cho Hiện Tại Và Tương Lai - Phá Kiến Thức
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét