
Ngạo Thuyết Nói Về Sự Sống Sau Cái Chết - Tri Kiến Khởi Tri (P. 1)
Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021
Trước khi nói đến Sự Sống Sau Cái Chết, chúng ta mạn đàm một chút về Cận Tử Nghiệp.
Người học Phật ngày nay dễ thường sẽ được nghe chư thầy và bạn đạo giảng dạy về Cận Tử Nghiệp.
Cận Tử Nghiệp ngày nay đã được diễn giải như là một nấc thang "khó nhằn" mà con người không dễ vượt qua.
Theo sự trình bày có phần rất chủ quan dựa trên nền Tri Kiến Lập Tri truyền đời thì đứng trước thời khắc sinh tử con người sẽ bị những tập khí huân tập ở kiếp sống hiện đời xen lẫn những chủng tử thiện ác ở những kiếp sống trước đó nhấn chìm, điều này khiến cho tinh thần và định lực người sắp chết tán loạn. Từ đó dẫn đến việc con người đánh mất sự tự chủ khi tái sinh, kết quả là người chết sẽ tái sinh vào những nẻo giới xấu tệ.
Rất nhiều chư Tăng Bảo đã khẳng định chắc như đinh đóng cột về mối nguy khôn lường và rất khó vượt qua của Cận Tử Nghiệp đối với việc tái sinh.
Và rất nhiều người học Phật đã rất lo sợ khi nghĩ đến giây phút Cận Tử Nghiệp của chính mình. Với nhiều người học Phật thiếu chánh kiến Cận Tử Nghiệp trở nên là một Ác Mộng mà họ không có đủ niềm tin và định lực để vượt qua.
Có rất nhiều người học Phật theo lối truyền thống dù rằng học Phật đã rất lâu năm và họ cũng đã tích lũy được rất nhiều thiện nghiệp nhưng họ vẫn không có một chút mảy may niềm tin rằng sẽ vững vàng đối mặt với Cận Tử Nghiệp.
- Tại sao? Tại sao người học Phật theo lối truyền thống lại trở nên yếu đuối, bạc nhược trước vô thường, trước việc Sinh Tử - Tử Sinh?
Phải chăng Cận Tử Nghiệp, Địa ngục và những nẻo xấu nơi 6 nẻo luân hồi thật sự đáng sợ hay đấy chỉ là những chiêu bài dọa dẫm nhằm vào mục đích khuyến tu, gieo duyên thực hành thiện nghiệp cho người học Phật?
Đây là kết quả của việc tu hành trên lý của người học Phật cả Tăng lẫn tục ngày nay.
Trên thực tế Phật Thích Ca không từng nói đến Cận Tử Nghiệp.
Vậy nên tri kiến Cận Tử Nghiệp là tri kiến có từ nguồn Phật giáo dân gian. Do Đang No Lo Đói, Đang Sống Lo Chết mà người học Phật đời sau đã cố dò dẫm, tìm hiểu về Sự Sống Sau Cái Chết cùng với việc suy lường, ước đoán thời khắc oằn mình giành giật những hơi thở cuối của người sắp chết mà con người bày vẽ ra tri kiến Cận Tử Nghiệp.
Và do những người học Phật còn trong lưới vô minh không thấu tỏ vấn đề nên đã ghi nhận và từng bước hợp thức hóa tri kiến Cận Tử Nghiệp vào giáo lý đạo Phật.
Tiếp đến người học Phật mà nhất là giới Tăng Bảo hám danh đã dùng Cận Tử Nghiệp như là một công cụ chiêu mộ tín đồ, tạo lập nên những đạo tràng hộ niệm không đúng với tinh thần của đạo Phật chính thống.
Tham khảo tri kiến Cận Tử Nghiệp chúng ta sẽ thấy có những điểm trùng khớp với sách Tử Thư Tây Tạng.
- Vì sao?
Vì Cận Tử Nghiệp và sách Tử Thư Tây Tạng đều có chung nguồn gốc là những tri kiến dân gian nói về khoảng khắc Cận Tử và Sự Sống Sau Cái Chết.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc ở đây chính là tri kiến Cận Tử Nghiệp và sách Tử Thư Tây Tạng không phải là tri kiến do những người chứng ngộ giác ngộ hoàn toàn tuyên thuyết.
Chính vì lẽ đó, trước lăng kính của đạo Phật chính thống thì tri kiến Cận Tử Nghiệp, sách Tử Thư Tây Tạng là tà thuyết, tà kiến và nguồn tri kiến đó không thật sự đúng với thực tướng của quy luật luân hồi.
Tuy nhiên, với những người mắc kẹt ở những khối Tri Kiến Lập Tri lầm lạc đó, họ cũng sẽ rơi vào tình cảnh Tâm Sinh, Cảnh Hiện - Điều này sẽ xảy ra cho đến khi họ bừng tỉnh và thoát ra.
...
Ngày nay, chúng ta sẽ không khó trong việc bắt gặp những vị học giả, hành giả Phật học nói về Cận Tử Nghiệp. Họ nói rất say sưa về Cận Tử Nghiệp như thể là họ biết tất, biết tuốt.
Khi hữu duyên được gặp họ thì bạn hãy khẩn khoản hỏi rằng liệu họ có đủ niềm tin khi đối mặt với Cận Tử Nghiệp không?
@ Nếu họ trả lời rằng Không thì đây chỉ là hàng sa môn nghĩa học, là hạng môn đồ tri giải. Với những hạng học Phật bất luận là học giả hay hành giả còn hạn cuộc ở những khối Tri Kiến Lập Tri này thì lời nói của họ thật sự không đáng tin. Vì lẽ đó bạn nên gạn lọc những thông tin mà họ chia sẻ trên tinh thần 10 Điều Chớ Vội Tin. Việc học Phật thận trọng và đúng pháp này sẽ giúp bạn tránh khỏi việc học Phật lạc lối, dẫn đến việc hiểu sai chánh pháp Phật môn.
@ Nếu họ trả lời là Có thì bạn hãy hỏi họ rằng sau khi vượt thoát Cận Tử Nghiệp một cách an toàn họ sẽ về đâu?
- Phải chăng họ sẽ chờ đợi 49 - 100 ngày rồi mới tái sinh hay sẽ tái sinh lập tức ngay khi vừa trút hơi thở cuối cùng?
* Và bạn hãy hỏi họ rằng họ có hoàn toàn tự chủ trong việc tái sinh của chính họ hay không?
+ Nếu họ trả lời rằng "Hãy tu đi! Hãy hành đi để rồi như người uống nước nóng lạnh tự biết" thì bạn hoàn toàn có thể tự khẳng định rằng đây không phải là một vị hành giả Phật học chân chính, họ chỉ là một người học Phật theo lối học giả, nhà nghiên cứu Phật học và là hạng môn đồ tri giải. Do hám danh chứng đắc họ đã không dám thành thật đối diện với chính họ và họ đã giảo hoạt khi trả lời bằng lối nói ỡm ờ bằng vào việc nhai lại đàm dãi của người xưa.
+ Nếu họ trả lời rằng Không thì câu trả lời này cho thấy họ chưa chứng ngộ, họ vẫn là một chúng sinh đang trôi lăn bất định nơi lưới mộng luân hồi và Chánh Trí của họ hãy còn chưa sinh khởi. Họ vẫn đang vô minh như bao chúng sinh vô minh khác.
+ Nếu họ trả lời rằng Có thì bạn sẽ hãy hỏi tiếp rằng "Vậy họ sẽ sẽ chọn lựa nẻo giới nào cho kiếp sau - Cõi Phật, nẻo người, nẻo Trời, nẻo Atula, nẻo Ngạ quỷ, nẻo Địa ngục hay nẻo Súc Sinh?"...
@ Ngạo Thuyết tin rằng bạn sẽ không dám hỏi sư thầy Tăng Bảo mà nhất là vị Tăng Bảo bổn sư cũng như những vị thiện tri thức quanh bạn những câu hỏi tương tự như thế.
@ Và Ngạo Thuyết cũng tin rằng cho đến thời điểm hiện tại giới học Phật trong nước cũng như giới học Phật ở phạm vi thế giới không thể trả lời đúng chuẩn những câu hỏi xác tín rất cần thiết, rất minh bạch, rất đúng pháp về chánh pháp Phật môn.
Thực tế là đã rất lâu xa cho đến ngày nay giới học Phật, hành giả Phật học trên toàn thế giới không có người chứng ngộ Toàn Giác thế nên giáo lý giác ngộ giải thoát đã bị đóng khung và trở thành nguồn Tri Kiến Lập Tri.
Cùng với việc xen tạp tri kiến ngoại đạo và tri kiến dân gian đạo Phật đang dần trở nên là một kho giáo lý hỗn độn, mông lung đến mức bất khả tri.
Ngày nay, trải qua hơn 2550 năm tiếp nhận, thọ trì giáo lý đạo Phật mà người học Phật tín tâm, hành giả học Phật chân chính nhất cũng không thể xác định được sau khi chết mình sẽ tái sinh về đâu hay sẽ chấm dứt luân hồi.
Đây là một sự thật bày ra hiện trạng người học Phật tín thành dù là Tăng hay tục ngày nay đều không thể tự chủ trong việc chấm dứt luân hồi hay tiếp tục tái sinh.
Việc luân hồi, giải thoát, vãng sanh ở người học Phật ngày nay đều phó mặc cho duyên phận may rủi hoặc việc ảo tưởng nhờ vào đạo tràng hộ niệm hoặc sự hy vọng cầu mong một thành phần siêu nhiên vô hình nào đó sẽ sắp xếp cho mình những nẻo tốt nơi đời sau bằng vào việc đánh đổi những thiện nghiệp, những công đức, phước báu cùng sự tín tâm không kém phần bảo thủ, cực đoan.
@ Vậy ra trí tuệ có được từ sự học Phật không có giá trị gì cả trong việc tái sinh hay việc chấm dứt luân hồi. Vì thế người học Phật ngày nay có hậu kiếp cơ hồ như không khác gì với người đời, với ngoại đạo... vẫn cũng chỉ là những trôi lăn bất định khôn lường.
Đây là kết quả của việc học Phật theo lối truyền thống xưa nay. Và điều này thật là sự phỉ báng đối với giáo lý giác ngộ giải thoát hoàn toàn sau khi trải qua hơn 2550 năm.
...
Ngạo Thuyết mời các bạn tiếp tục tham khảo phần 2 của bài viết để tự mình chạm đến nguồn Tri Kiến Khởi Tri về Cái Chết và Sự Sống Sau Cái Chết. Trân trọng!
...
Bài liên quan
- Có Một Ông Phật Như Thế!
- Đạo Phật Đã Phân Hóa Kể Từ Bao Giờ? (P. 2)
- Trả Lời Cho Ông Robert Bigelow Về Sự Sống Sau Cái Chết
- Có Không Sự Tồn Tại Của Sự Sống Sau Cái Chết?
- Đạo Phật Đã Phân Hóa Kể Từ Bao Giờ (P. 1)
- Hãy Là Người Học Phật Có Tư Duy
- Mời Các Bạn Tham Khảo Thêm Chút Tư Liệu Về Các Cuộc Kết Tập Kinh Phật
- Những Ngộ Nhận Về Vaccine và Trùm Cuối Tạo Ra Những Antivaccine Covid (P.2)
- Những Ngộ Nhận Về Vaccine và Trùm Cuối Tạo Ra Những Antivaccine Covid (P.1)
- Những Nhập Nhằng Xoay Quanh Vaccine Covid Và Antivaccine Covid Fan
- Sài Gòn Chừng Nào Mở Cửa?
- Trật Con Tán, Bán Con Trâu Trong Chiến Lược Phòng Chống Dịch Covid Ở Việt Nam
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét