Thực Tướng Như Lai
Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021
Đèn có khêu mới rạng
Ngọc bất trát bất thành.
Nếu các bạn đã từng xem loạt bài viết liên quan đến Tam Minh, Lục Thông, Tứ Quả Vị Thánh,... thì các bạn sẽ dễ dàng nhận ra cơ hồ như Ngạo Thuyết đã từng bước thu thập lại tất cả thần thông của các vị A la hán.
Và người học Phật đều biết Phật Thích Ca cũng là một vị A la hán. Vậy liệu Phật Thích Ca có là sự ngoại lệ?
...
Không có một sự ngoại lệ nào cả.
Thông qua loạt bài viết thuộc danh sách phát Thực Tướng Như Lai ở kênh Youtube Giải Mã Đạo Phật, Ngạo Thuyết đã từng bước bóc tách, phơi bày ra những quyền phép giả trá của Ngũ Thông ở ngoại đạo.
Cụ thể là một mặt Ngạo Thuyết thừa nhận sự tồn tại của những cõi giới vô hình nhưng mặt khác Ngạo Thuyết khẳng định không phải bùa chú, ngải thuật vô vi có thể chi phối triệt để đến đời sống của con người.
Không chỉ vậy, Ngạo Thuyết còn khẳng định và chứng thực cho mọi người được sáng rõ rằng có rất nhiều sự hư cấu, giả trá không thật ở bùa chú, ngải thuật, thần thông của ngoại đạo và ở cả tri kiến Phật học mê lầm của người học Phật lạc lối.
Vậy Tam Minh, Lục Thông theo lối đầy quyền phép ở Phật Thích Ca liệu có thật không?
Rõ thật là kinh sách Phật học ghi nhận Phật Thích Ca có Tam Minh, Lục Thông bao hàm cả Ngũ Thông của ngoại đạo.
Nhưng sau tất cả, đó chỉ là phương tiện xảo diệu mà người sáng mắt giả lập ra nhằm tạo điều kiện giúp cho nhân loại tiệm cận và có cơ duyên tiếp nhận, thọ trì giáo lý chánh pháp giác ngộ giải thoát.
Vậy Phật, người chứng ngộ giác ngộ giải thoát khác gì với chúng sinh chi loại, với loài người trầm luân trong lưới vô minh?
Đó là Phật có trí tuệ sáng suốt, thấu đáo mọi ngóc ngách luân hồi sinh tử, Phật có một sự hiểu biết khách quan tổng thể về vạn pháp. Từ đó, Phật chỉ bày cho con người thấy rõ sự vô minh và cách thức để con người dần thoát rất khỏi vòng luân hồi sinh diệt, chạm đến việc giải thoát hoàn toàn.
Thực tế là Phật Thích Ca, người giác ngộ giải thoát chỉ vượt trội hơn con người ở trí tuệ viên dung khách quan chứ không phải Phật có phép thuật, có thần thông biến đất đá thành vàng, biến cát thành cơm,...
Sự thật là Phật không thể đi trên nước, ẩn trong mây, thu mình vào trong núi. Phật cũng không thể chữa trị người câm, giúp người câm có thể nói được, Phật cũng không có khả năng chữa trị người tật nguyền trở thành những người mạnh khỏe, cường tráng, Phật cũng không thể hóa hiện ra bánh trái, quần áo,... cho tặng những người nghèo đói, khốn cùng.
Ngược lại, khi khách quan chúng ta dễ dàng nhận biết được rằng Phật Thích Ca là người đã tiếp nhận sự bố thí vật thực từ người dân ở các nước quanh lưu vực sông Hằng nhằm duy trì mạng sống trên bước đường tìm đạo và hoằng pháp.
Điều này cho thấy Phật Thích Ca không thể tự hóa hiện ra thức ăn, nước uống để duy trì mạng sống của chính mình và Chúa Jesus cũng thế.
Về sau, người học Phật đã hoa mỹ dùng cụm từ cúng dường vật thực cho Phật cùng Tăng đoàn nhưng sau rốt về mặt bản chất thì đó cũng chỉ là một hình thức cho và nhận bố thí.
Thực tế là trên bước đường tìm đạo, hành đạo Phật Thích Ca từng trải qua biết bao lần đói no, nóng lạnh, Phật phải dấn thân trên đôi chân trần. Đây là sự thật chứ không phải là những vở tuồng mà Phật đã thị hiện diễn cho người đời xem như cách nghĩ ấu trĩ của không ít người học Phật xưa nay.
Cách đây khoảng 10 năm, khi lần đầu tiên Ngạo Thuyết cầm trên tay những bộ kinh Phật, Ngạo Thuyết rất kính cẩn và nâng niu.
Khi tham khảo kinh Phật Ngạo Thuyết cứ như là nhai ngấu nghiến từng chữ một. Nguyên nhân khiến Ngạo Thuyết có lối hành xử kỳ lạ như thế là vì Ngạo Thuyết sợ rằng việc xem kinh Phật không chu đáo, không tỉ mỉ sẽ bị mang tội trước Phật, điều này sẽ gây ra sự tổn hại cho chính mình.
Thế nên đã từng có giai đoạn Ngạo Thuyết xem kinh Phật không làm rơi rớt một chữ, Ngạo Thuyết đã cố gắng nhặt nhạnh từng chữ một như thế.
Sự cẩn thận thái quá của Ngạo Thuyết khiến Ngạo Thuyết chướng ngại ít nhiều trong việc lĩnh hội ý kinh.
Nhất là khi Ngạo Thuyết tham khảo Kinh Tạng Nikaya. Lối viết tam đoạn trùng tuyên của Kinh Tạng Nikaya khiến Ngạo Thuyết như người ăn cơm bị mắc nghẹn.
Ngạo Thuyết không nhớ rõ là khi xem bộ Kinh Phật nào nhưng trong nội dung bộ kinh đó Phật Thích Ca hay đề cập và tán thán các cõi Phật ở khắp 10 phương.
Những lúc ấy Ngạo Thuyết phải xem đi xem lại cụm từ "... Có một vị Phật đủ 10 hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Đọc tới, đọc lui cụm từ đó khiến Ngạo Thuyết đổ quạu, mắc chi mà Phật cứ phải tán thán 10 hiệu của chư Phật 10 phương, pha xử lý này quá cồng kềnh, nói lần 1, lần 2 là người ta hiểu rồi, nói tới nói lui hoài khác gì "Mèo khen mèo dài đuôi".
Hiển nhiên là dị tâm này của Ngạo Thuyết không diễn nói thành lời, nó âm thầm hình thành như một phản xạ phòng vệ đến từ vô thức, đó là một hình thức tự nội hóa mọi tri kiến góp nhặt thường thấy nơi mỗi người.
Ngạo Thuyết cũng đã từng mài mò tìm hiểu về 10 danh hiệu của một vị Phật, hiểu rồi thì thôi, Ngạo Thuyết thật sự không ấn tượng về 10 hiệu của chư Phật cho lắm. Việc qua rồi ngỡ rằng sẽ thôi.
...
Cách đây khoảng 10 năm Ngạo Thuyết đủ duyên chạm đến suối nguồn an lạc, kể từ đó quả thật là sự hiểu biết của Ngạo Thuyết có chút mở mang.
Ngạo Thuyết tự biết mình thọ ơn giọt nước nên tùy thời báo ân suối nguồn.
Do đó, Ngạo Thuyết vẫn thường viết những bài viết có xu hướng trạch pháp minh định lại chánh pháp. Việc làm đấy vừa hay trở thành việc Ngạo Thuyết giải mã đạo Phật.
Sau cùng Ngạo Thuyết dần nhận diện được rằng kinh Phật lưu truyền cho đến ngày nay không chỉ do mỗi Phật Thích Ca tuyên thuyết.
Và Kinh Nikaya cũng không hoàn toàn chứa đựng chỉ những lời Phật Thích Ca thuyết. Người học Phật thuộc hệ phái Nam Truyền đã dung nạp những tri kiến Phật học về sau vào kinh Tạng Nikaya, họ dung nạp những tri kiến Phật học mà họ cho rằng phù hợp với giáo lý nguyên thủy của Phật Thích Ca.
Nhìn vào các bài kệ khai kinh, tán hương, thỉnh chuông,... Ngạo Thuyết biết rằng đấy là sản phẩm của người đời sau.
Việc Tam sao, Thất bản quả thật là đã khiến pho kinh Phật trở nên đồ sộ hơn rất nhiều lần so với nguyên gốc.
Tương tự như vậy, việc xưng tán Phật với đầy đủ 10 hiệu cũng là sản phẩm của người đời sau, những người kính tin và yêu quý Phật. Tri kiến nhân gian đã từng bước xen lẫn vào kinh Phật bằng vào lối này.
Chúng ta đều biết khi Phật thuyết pháp, nhẫn đến khi kinh Phật được kết tập lần thứ nhất thì giáo lý đạo Phật chỉ được lưu truyền bằng phương thức truyền miệng.
Do đó, cho đến khi kinh Phật được chuyển đổi sang phương thức chữ viết nhẫn đến vài trăm năm sau thì kinh sách Phật học hẳn nhiên không thể chứa đựng vẹn nguyên những lời Phật thuyết.
Những người yêu kính Phật Thích Ca đã lồng vào kinh Phật những tư kiến cá nhân xen lẫn những lời tán thán công đức bất khả tư nghì của Phật.
Hẳn nhiên là những người ra sức kết tập, gìn giữ kinh Phật lúc bấy giờ ngỡ rằng những sự thêm thắt đấy không di hại gì đến những lời Phật thuyết.
Những sự thêm thắt đó người đương thời ít nhiều sẽ biết, sẽ rõ chỉ tiếc là người đời sau do không thấu tỏ nội tình nên cả tin, cạn nghĩ xác quyết kinh Phật nhất định chỉ chứa đựng lời Phật Thích Ca thuyết. Ôi! Những sự ngộ nhận rất đỗi mê lầm và hoang đường.
...
Do không hiểu tận tường gốc ngọn Kinh Phật nên người học Phật ngày nay chia ra làm hai hay nhiều nhóm có xu hướng chống trái, xung đột lẫn nhau.
Một nhóm cho rằng Phật Thích Ca đã là Phật từ rất lâu xa, việc Phật hạ sinh làm Thái tử Tất Đạt Đa chỉ là việc thị hiện con đường tìm đạo, học đạo, thành đạo và truyền pháp nhằm gieo duyên giác ngộ cho người học đạo.
Nói một cách khác thì cuộc đời của Phật Thích Ca được ghi nhận trong lịch sử chỉ là một vở tuồng có thật được dàn dựng bởi Trời Phật, bởi Ơn Trên.
Và một nhóm học Phật khác không thừa nhận việc Phật vốn đã sẵn là Phật, họ không chấp nhận việc Phật Thích Ca nhập thế chỉ là một vở tuồng.
Nhóm học Phật này cho rằng Phật Thích Ca chỉ là một con người bằng xương, bằng thịt, do khổ não mà con người này phát tâm cầu đạo và dấn thân đi tìm sự giác ngộ giải thoát. Trải qua bao lao nhọc, đoạn trường người dũng mãnh xả ly tìm đạo đã chứng ngộ giác ngộ giải thoát.
...
Thế là hai nhóm người học Phật này trải qua rất nhiều cuộc tranh luận, xung đột, chống trái, chẳng ai nhường ai, cứ tôi đúng, anh sai và ngược lại.
...
Vậy sau rốt ai đúng, ai sai?
Nhóm người lập luận Phật Thích Ca chỉ là người thành Phật ở hiện kiếp đúng hay nhóm người ôm giữ tri kiến Phật Thích Ca đã là Phật từ rất lâu xa đúng?
Câu trả lời cuối cùng đúng mực nhất cho sự tranh luận chừng như không hồi kết này là gì?
Nếu người học Phật mở lòng ra thâm nhập vào giáo lý Kinh Phật sẽ dễ dàng nhận ra chân tướng của vấn đề.
Vấn đề này liên quan đến Thực Tướng Như Lai.
Bây giờ chúng ta hãy xét lại 10 danh hiệu của một vị Phật, việc Phật Thích Ca chứng đắc pháp vô sanh.
- Như Lai,
- Ứng Cúng,
- Chánh Biến Tri,
- Minh Hạnh Túc,
- Thiện Thệ,
- Thế Gian Giải,
- Điều Ngự Trượng Phu,
- Thiên Nhơn Sư,
- Phật,
- Thế Tôn
Mọi người xin hãy lưu ý cho rằng với Ngạo Thuyết Phật Thích Ca không là người đưa ra thông tin về việc một vị Phật phải có đầy đủ 10 hiệu theo lối "Mèo khen mèo dài đuôi".
Tri kiến Phật có đầy đủ 10 hiệu đích thực là sản phẩm của những người yêu kính Phật đã xưng tán công hạnh, trí tuệ của một vị Giác Giả Toàn Giác.
Và chỉ cần hiểu đúng về hai danh hiệu Phật và Như Lai thì vấn đề tranh cãi lâu xa ở hai nhóm học Phật bên trên dễ dàng được hóa giải.
Trong đó, Phật đơn giản chỉ là một người bằng xương, bằng thịt chứng ngộ giác ngộ giải thoát và dấn thân phổ truyền giáo lý chánh pháp. Phật thuộc về dụng nên là đại diện cho sự tạo tác.
Và Như Lai được diễn nghĩa rất rạch ròi rằng là không đến, không đi, như như bất động. Vậy nên Như Lai thuộc về thể, là bản thể của vạn pháp.
Nếu người học Phật thấu đáo thì sẽ rõ Dụng thuộc về tạo tác, vận động còn Thể thuộc về sự tĩnh tại, bất sinh, bất diệt.
Phật Thích Ca là người chứng pháp vô sanh tức là trở về gốc, trở về bản thể nguyên vẹn.
Dụng của Phật Thích Ca trên bước đường truyền đạo cũng chỉ là Tùy Duyên Tiêu Nghiệp Cũ, làm mà không làm, làm mà lặng lẽ hợp nhất với bản thể như nhiên.
Vậy nên người dịch giải kinh Phật nếu thấu tỏ ngữ nghĩa của 10 danh hiệu của Phật sẽ phải lưu ý cách dùng từ, những hành vi có tính tạo tác thì nên dùng từ Phật, những gì thuộc về bản thể thì nên dùng cụm từ Như Lai ngõ hầu tránh đi việc gây ngộ nhận nơi người tham cứu kinh Phật.
Cụ thể là Phật thuyết pháp không nên diễn giải Như Lai thuyết pháp. Như Lai 49 năm không nói một lời nào, chớ nên diễn giải Phật 49 năm không nói một lời nào.
...
Vậy nên khi người học Phật thấu tỏ Phật, Như Lai và việc chứng ngộ pháp vô sanh thì sẽ rõ dụng ý của người xưa, cụ thể:
Nói Phật Thích Ca đã là Phật từ muôn ức kiếp là không sai, đấy là lối chơi chữ ám thị Tất Đạt Đa hạ sinh từ bản thể vạn pháp - Như Lai, Tất Đạt Đa khởi từ ý niệm vô minh ban đầu mà trôi lăn với hà sa muôn vàn ức kiếp luân hồi, rất lâu xa mới có được thân người, có được thân người rồi lại trải qua muôn ức kiếp lâu xa cầu đạo, tầm đạo, hành pháp mới thấu tỏ vô minh và rồi trở về bản thể bổn lai vô nhất vật.
Ở chiều kích ngược lại, nhóm người cho rằng Phật không từng thành Phật từ lâu xa, Tất Đạt Đa chỉ chứng ngộ giác ngộ giải thoát nơi hiện đời cũng không hề sai vì đấy là sự thật mà chúng ta có thể nhìn thấy bằng vào đôi mắt thịt.
Và dù cho người học Phật có nhìn nhận Phật Thích Ca vừa mới thành Phật hay đã là Phật từ rất lâu xa thì điều này chẳng còn dính dáng chút gì đến đến sự giải thoát hoàn toàn của Phật Thích Ca cả. Đấy sau rốt cũng chỉ là những lạm bàn, hý luận của những kẻ nhìn thấy Phật thông qua những cặp mắt kính sẫm màu.
Thực Tướng Như Lai là bản thể vạn pháp không đến, không đi, bất sinh, bất diệt. Chúng sinh thành Phật tức là chúng sinh tỏ vọng về chân, trở về sự phẳng lặng vô sanh, dứt bặt tình thức minh hay vô minh kiên cố.
...
Bài liên quan
- Sự Thật Về Tam Minh - Lục Thông Của A La Hán Và Hơn Thế Nữa...
- Đôi Nét Về Tam Minh - Lục Thông Của A La Hán
- Bạn Biết Gì Về Tứ Quả Thánh Và Tam Minh, Lục Thông?
- Ngạo Thuyết Chứng Ngộ Gì? (Lược trích)
- Có Một Ông Phật Như Thế!
- Đạo Phật Đã Phân Hóa Kể Từ Bao Giờ? (P. 2)
- Trả Lời Cho Ông Robert Bigelow Về Sự Sống Sau Cái Chết
- Có Không Sự Tồn Tại Của Sự Sống Sau Cái Chết?
- Đạo Phật Đã Phân Hóa Kể Từ Bao Giờ (P. 1)
- Hãy Là Người Học Phật Có Tư Duy
- Mời Các Bạn Tham Khảo Thêm Chút Tư Liệu Về Các Cuộc Kết Tập Kinh Phật
- Những Ngộ Nhận Về Vaccine và Trùm Cuối Tạo Ra Những Antivaccine Covid (P.2)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét