Thấy Gì Qua Cọng Tóc Thiêng Được Thỉnh Về Ngự Ở Chùa Ba Vàng? (Phần 2)
Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh - Phan Châu Trinh.
Nelson Mandel, cố Tổng thống Nam Phi, người thấu hiểu dân trí thấp sẽ khiến đất nước đói nghèo, lạc hậu cùng với sự mờ mịt của tương lai đất nước đã từng nói:
"Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong thi cử'.
Và rất nhiều người thiển cận hiểu rằng ý của Nelson Mandel là chỉ cần nâng cao chất lượng giáo dục để cải thiện tài nguyên trí tuệ quốc gia nhưng họ đã không hiểu được, đó là sự nghiệp giáo dục Nelson Mandel nói đến không chỉ là việc học ở trường học mà là học cả ở trường đời.
Và việc thi cử ở đây không phải chỉ là việc thi thố sức học ở trường học mà là thi thố tài năng trong đời sống, ở việc phát triển bản thân và xây dựng xã hội. Sự thi cử ở trường đời càng không thể cho phép gian lận vì nó sẽ phá hủy sự thịnh vượng cũng như sự định hướng phát triển dân tộc. Một dân tộc được xây dựng hướng đến sự ngu dốt, sự ngu người toàn diện là một đất nước không hề có tương lai.
Thế nên một đất nước có nền dân trí thấp là một thảm họa cho quốc gia, cho dân tộc.
Một đất nước có tầng lớp lãnh đạo ngu người, có nhận thức, có tư duy, có tâm tầm kém cỏi thì càng tệ hại hơn nữa.
Sự dân trí thấp nơi thượng tầng sẽ kìm nén sự phát triển của đất nước, của dân tộc đó bởi lẽ những Ông Lớn chỉ muốn người dân càng ngu dốt, càng mê tín để các Ông Lớn dễ dàng sỏ mũi dắt đi.
Tư Tưởng Pháp Trị Trong Luận Thuyết Hàn Phi Tử
Cái khó trong việc thuyết trình không phải là ở chỗ biết những điều cần phải đưa ra nói. Cũng không phải ở chỗ người thuyết trình không giỏi biện luận. Cũng không phải ở chỗ không thể trình bày được rõ ràng ý của mình. Cũng không phải ở chỗ không dám nói ngang, nói dọc cho hết những điều mình muốn nói. Phàm cái khó trong việc thuyết trình chính là ở chỗ làm thế nào biết được cái mong mỏi ở con người mình muốn thuyết phục để dùng luận thuyết của mình mà ứng biến, đối phó.
Nếu tính cách của người mà mình muốn thuyết phục chỉ nghĩ đến cái danh cho cao, mà người thuyết trình lại đem cái lợi lớn ra thuyết với họ thì họ sẽ cho mình là bọn hèn hạ và đối xử người thuyết trình như đối với bọn ti tiện. Thế thì rõ thật là không ổn.
Nếu tính cách của người mà mình muốn thuyết phục chỉ nghĩ đến cái lợi cho lớn, mà người thuyết trình lại đem cái danh cao ra nói với họ thì họ sẽ cho ta không chú ý gì đến thế sự, nói chuyện viễn vông, không thực tế và họ cũng không tin dùng, xa cách người thuyết trình. Đồng nghĩa với việc thuyết phục bị thất bại.
Nếu tính cách của người mà mình muốn thuyết phục trong bụng nghĩ đến cái lợi cho lớn nhưng bên ngoài làm ra vẻ muốn cái danh cho cao, mà ta đem chuyện danh cao ra thuyết thì bên ngoài họ làm ra vẻ dung nạp kết thân với ta, nhưng thực ra thì đã bỏ qua ta rồi.
Nhưng nếu ta đem chuyện lợi lớn ra nói với họ thì trong lòng họ đã thuận theo lời nói của ta, nhưng bên ngoài họ sẽ ra vẻ xa cách ta. Đó là những điều mà kẻ sĩ thuyết trình không biết không được. Không biết là cầm chắc việc thuyết phục thất bại vậy.
Phàm việc làm mà thành là do ở chỗ bí mật. Lời bàn mà thất bại là do chỗ bị tiết lộ. Bản thân mình chưa chắc đã tiết lộ nhưng chỉ cần nói đến cái mà người ta giấu thì nguy đến thân rồi. Nhà cầm quyền có điều sai mà người thuyết trình lại dùng những lời nói rõ ràng, xác thực. Dùng cái lý lẽ, biện bác hay, chuẩn mực để biện luận ra những sai trái của nhà cầm quyền thì hẳn là nguy đến thân mạng.
Nếu ta chưa được nhà cầm quyền tin dùng đến mà lại đem hết những điều ta biết ra nói thì hoặc là các biện pháp, kế hoạch, sách lược của ta được áp dụng và thu được kết quả nhưng ta chẳng được công trạng. Hoặc là các sách lược cải cách của người thuyết khách không được dùng thì sẽ dẫn đến sự thất bại ở kế hoạch thuyết phục. Thế là người thuyết trình bị nghi ngờ, đố kỵ, ganh ghét. Như thế thì thật nguy đến thân.
Phàm nhà cầm quyền tin nhận và vận dụng cái sách lược, phương pháp của người thuyết trình nhưng họ muốn xem đó là công trạng của chính họ, mà người thuyết trình lại muốn cùng có công, thế thì nguy đến thân. Nếu nhà cầm quyền rõ ràng muốn làm một việc và cho đó là công lao của mình mà kẻ thuyết trình lại cùng biết điều đó thì cũng nguy đến thân. Nếu mình cưỡng ép nhà cầm quyền, buộc nhà cầm quyền phải làm những điều mà nhà cầm quyền không muốn làm, cố xóa bỏ những điều nhà cầm quyền quyết không muốn từ bỏ,… thì thật nguy đến thân.
Cho nên nếu ta đem những người được việc, hữu dụng trong giới lãnh đạo ra nói với nhà cầm quyền thì nhà cầm quyền sẽ cho là ta ly gián. Nếu ta đem những người thấp hèn ra nói với nhà cầm quyền thì nhà cầm quyền sẽ cho rằng ta muốn thâu tóm quyền lực. Ta bàn đến cái nhà cầm quyền thích thì nhà cầm quyền sẽ cho là ta xu nịnh, a dua. Ta bàn đến cái nhà cầm quyền ghét bỏ thì nhà cầm quyền sẽ cho là ta đang thăm dò, gián điệp.
Nếu ta nói tóm tắt, ít lời thì nhà cầm quyền sẽ cho rằng kiến thức ta kém cỏi nên rẻ rún, coi khinh. Nếu ta nói mênh mông, “bàn huyền, nói diệu”, lời lẽ phù phiếm thì nhà cầm quyền sẽ nhận định ta vẽ vời nên chán ghét. Nếu ta cứ trình bày sự việc theo ý muốn nhà cầm quyền thì nhà cầm quyền sẽ bảo ta "nhút nhát, không dám nói hết sự lý", không có chính kiến. Nếu ta rà soát kín kẽ sự việc rồi nói rộng ra thì nhà cầm quyền lại nói ta "lắm chuyện và ngạo mạn". Tất cả những điều khó này người thuyết trình không thể không biết đến.
Phàm việc thuyết phục là cốt ở chỗ biết tô điểm cho cái mà nhà cầm quyền coi trọng. Từ bỏ, tránh chạm đến cái mà nhà cầm quyền không muốn đề cập. Hễ nhà cầm quyền tự cho cái sách lược, kế hoạch người thuyết khách sai, hoặc không ổn thì ta chớ nói ra chỗ nói sai lầm ở nhận định nhà cầm quyền mà bắt bẻ đến cùng, là việc làm nguy hại đến thân.
Nếu nhà cầm quyền tự cho mình dũng mãnh ở chỗ quyết đoán một việc gì thì ta chớ đưa ý của ta ra chống lại mà làm cho nhà cầm quyền nổi giận. Nếu nhà cầm quyền cho rằng quyền lực của họ đủ để làm một việc gì thì ta chớ đem cái khó ra can gián, ngăn cản.
Nếu nhà cầm quyền muốn mưu toan việc gì cùng với một người khác, hay khi khen một người mà nhà cầm quyền đang cùng bàn mưu với họ thì ta nên tô điểm cho họ và chớ nói những lời có hại, không hay đến những người đó. Nếu nhà cầm quyền và người ấy thất bại thì hãy cố gắng tô điểm làm như họ không tạo ra sai lầm.
Kẻ đại trí không dùng lời lẽ làm trái ý nhà cầm quyền. Lời can gián cũng không cốt đả kích, gạt bỏ ai. Lời can ngăn hợp lẽ thì thế nào cũng được nghe. Người làm tôi phải biết kiên nhẫn và lựa lời. Sau đó mới đem cái tài biện luận và cái khôn của mình ra. Như thế cho nên gần gũi với nhà cầm quyền, không bị nhà cầm quyền ngờ vực, đề phòng, xa cách.
Biết hết cái đạo thờ nhà cầm quyền là rất khó. Phải chờ đến khi nào làm việc cùng nhau đã đủ lâu, được công trạng nhiều. Bày mưu kế sâu mà không bị nghi nan, mềm mỏng, tùy thuận, không xung đột trực diện lại ý muốn nhà cầm quyền và không bị gán ghép tội. Lúc bấy giờ mới bày rõ điều lợi hại. Muốn lập được đại công thì phải nói ra được điều phải, điều trái để cho nhà cầm quyền trọng dụng, tin yêu. Khi nào nhà cầm quyền và mình đối với nhau được như vậy lúc đó là lúc việc du thuyết sẽ thành công.
...
Ngạo Thuyết không là kẻ đại trí nên không thể có cái Dũng của bậc Đại Mưu theo lối Pháp gia chính khách. Ngạo Thuyết chỉ là kẻ ngờ nghệch nên chỉ có thể thấy sao nói vậy, đành lấy cái Bi của kẻ Đại Ngu khóc cười nhân thế.
Bây giờ, chúng ta hãy cùng làm một phép thử. Chúng ta hãy lấy cọng xá lợi tóc Phật mà sư Thích Trúc Thái Minh đi tận Myanmar đưa cho lũ trẻ xem, đám trẻ này be bé thôi, độ tuổi chưa thể đến trường, hoặc đám trẻ lớn hơn một chút nhưng không cần đám trẻ đã được đến trường học, tìm đám trẻ chăn trâu càng tốt.
Sau khi cho chúng xem kỹ cọng xá lợi tóc Phật mà sư Thái Minh khẳng định là tóc Phật, chúng ta nói với chúng đây là tóc Phật đấy, tóc Phật rất linh thiêng nên có thể xoay xoay, quay quay.
Có thể lũ trẻ sẽ có sự bất ngờ, có thể bọn chúng có chút hoang mang và hoài nghi về chính sự hiểu biết của chúng nhưng trong lòng chúng không dễ tin đấy là một cọng tóc người thật, tóc người làm sao mà ngo ngoe cho được. Có thể chúng sẽ thầm nghĩ tôi mà tin ông thì có mà điên khùng hết biết.
Và bây giờ, chúng ta sẽ hỏi:
- Đố các bé cái vật này là gì, có phải là tóc không?
Chúng sẽ trả lời:
- Có là lông chứ tóc gì cái cọng đó. Cha khùng vừa cha nội ơi!
Trong đám trẻ chăn trâu cũng sẽ có đứa nhận ra và nói:
- Mấy thằng bây ngu lắm, còn cái ông kia nữa, ông cũng ngu lắm, đó là cái cọng cỏ xoắn mọc ở bờ đê chứ cọng lông, cọng tóc cái gì. Mấy thằng mày đi chăn trâu chứ có phải đi chăn bò đâu mà ngu như bò vậy.
Thế đấy! Chúng ta là người lớn, là người Việt Nam ở thế kỷ 21 mà để đám trẻ trâu chưa được cắp sách đến trường mắng cho thì liệu có đáng không?
Tại sao người lớn Việt Nam ở thế kỷ 21 lại ngu người hơn cả đám trẻ trâu khi tin nhận, sì sụp lễ bái một cọng cỏ xoay xoay quay quay là xá lợi tóc Phật và rồi các Ông Lớn phải lập chuyên án xác minh cọng tóc Phật xoay xoay quay quay là cái thứ gì?
Tiếp nữa, là người lớn mà bị đám trẻ trâu chửi ngu lẽ dĩ nhiên cũng có sự cay cú. Người lớn có tiền có quyền nên móc trong túi ra bánh kẹo và nói với bọn trẻ rằng đứa nào nói đây là cọng tóc Phật ta sẽ cho bánh kẹo, các cháu ngoan nào.
Sẽ có không ít những đứa trẻ tham ăn, ngu dốt sẽ gật gù đây là tóc Phật thật á. Thế là có những đứa trẻ được bánh kẹo.
Vẫn có những đứa trẻ do dự và trước sự cám dỗ của bánh kẹo, chúng trở nên khôn lỏi đon đả "Dạ! Chúng con biết đây là tóc Phật thật ạ. Thằng ranh kia nói là cọng cỏ xoắn, nó ngu lắm. Nó chẳng biết gì đâu".
Những đứa trẻ biết rõ đấy là một cọng cỏ xoắn sẽ có sự dao động. Sẽ có những đứa trẻ do dự từ bỏ sự hiểu biết của mình để được nhận quà.
Những đứa trẻ biết rõ đấy là cọng cỏ xoắn khác sẽ bất an, bất chợt có một thằng bé ngang ngạnh quát:
- Mẹ kiếp! Quân khốn nạn! Một lũ hèn! Giáo dục mà thế này, tao thà thất học còn hơn.
Nói rồi, thằng bé bỏ đi. Và có thêm những đứa trẻ bỏ đi, chúng chấp nhận là những kẻ đứng ngoài cuộc chơi của sự nghiệp giáo dục. Chúng chấp nhận trở thành những đứa trẻ lạc loài hơn là được giáo dục trong một môi trường dối trá, ngu dốt, vô sỉ, bẩn thỉu và hèn hạ.
...
Thế đấy! Vì sao đông đảo những người lớn, những Ông Lớn, Bà Lớn ngày nay, đặc biệt là những người đi tìm về các hệ thống tín ngưỡng tâm linh, tôn giáo miền Bắc lại trở nên ngu người một cách có hệ thống và toàn diện như thế?
- Ngày nay qua phương tiện truyền thông đại chúng chúng ta không khó bắt gặp rất nhiều những Ông Lớn, Bà Lớn lấy danh nghĩa công vụ lẫn tư vụ đến các nơi được gọi là Thánh Tích linh thiêng để ngồi phủ phục, lễ bái cầu mong thăng quan tiến chức, cầu mong việc dối trên lừa dưới, mị dân được Bề Trên che mắt cho qua. Những hình ảnh đó có phải thật sự chỉ là một nét giao lưu văn hóa trong sáng trên tinh thần ban giao giữa hai nước không?
Hẳn là không rồi. Thực tế là gốc rễ của chủ nghĩa vô thần ở tín đồ vô thần miền Bắc đã thật sự gãy đổ. Thế nên những tín ngưỡng truyền thống đã từng là được coi là hang ổ của tệ nạn mê tín dị đoan đã được hợp thức hóa với một cái mỹ miều là một nét văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn. Thế nên việc các Ông Lớn tìm về tâm linh một cách cuồng tín là điều không hề khó hiểu. Những Ông Lớn đi đền chùa miếu mạo, nương tựa Mật Tông, học chú thuật, ấn quyết Kim Cang Nội Phọc Quyền để giữ tâm an định là điều mà chỉ cần lưu tâm chúng ta sẽ rõ biết.
Và con người một khi sùng tín, cuồng tín, mê tín thí sẽ rất mau chóng trở nên ngu người, chính họ sẽ tự múc não bỏ đi để theo đuổi Đức Tin mà họ tham luyến.
Chúng ta đã thấy Pháp Luân Công, Hội Thánh Đức Chúa Trời và Pháp Thỉnh Oan Gia Trái Chủ, cọng tóc thiêng ngự ở Chùa Ba Vàng lũng đoạn, thao túng tín đồ tâm linh miền Bắc đến nghiêng ngã bao lần.
Vì sao?
Vì người dân miền Bắc đang bế tắc, đặc biệt là bể tắc về những vấn đề tâm linh mà họ không thể thoát ra. Đại nạn dẹp loạn mê tín dị đoan ở miền Bắc cách đây non 100 năm đã khiến tất cả những giai tầng xã hội con người miền Bắc rơi vào vùng trũng của tâm linh, một sự trống rỗng của tâm hồn khi lao vào việc lao động là vinh quang, lao động là tất thắng. Những thể hệ trống rỗng tâm linh ra đời giúp miền Bắc xây dựng kinh tế, lập lại trật tự xã hội theo lối cuồng tín Mác - xít. Chính trị - Kinh tế - Xã hội dần cải thiện nhưng lối sống thực dụng leo thang và đào sâu một khoảng trống nơi tâm thức mỗi người không thể lấp đầy. Rất nhiều người mục rỗng linh hồn ngay trên nền tảng vật chất mà họ không từ mọi thủ đoạn gom góp, vơ vét.
Lòng bất an kéo theo việc cần một Đức Tin, một Đức Tin vượt trội hơn hẳn bởi lẽ Đức Tin về Đảng cộng sản, về chủ nghĩa vật chất không đủ để lấp đầy khoảng trống nơi tâm hồn con người miền Bắc.
Có cầu tất có cung. Các tín ngưỡng dân gian truyền thống được dịp manh nha phát triển. Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng lâu đời của người miền Bắc. Và tín ngưỡng hiện nay được xem là một nét văn hóa truyền thống phi vật thể của người Việt Nam thật ra là sản phẩm lỗi do dã tâm đồng hóa người Việt từ người Trung Quốc cổ xưa. Đây là một dạng tín ngưỡng thờ Thần mang đậm những hủ tục dị đoan, chứa giữ những điều mê tín huyền hoặc.
Và khi con người không còn tin vào chính mình, không còn tin vào đời thật thì họ tìm đến tâm linh trong sự mê mờ, sùng tín những điều huyền hoặc, hoang đường. Đây là cơ hội làm giàu của các Đồng Cô, Đồng Cậu. Tín đồ càng ngu dốt, càng mê tín thì Đền Chùa Miếu Mạo càng hoành tráng, xa hoa. Tín ngưỡng thờ Mẫu từ ngàn xưa không có vai trò giúp con người hiểu đúng về tâm linh, về chánh kiến. Thế nên các Đồng Cô, Đồng Cậu, Đồng Trùm mặc tình bày ra lễ nghi đượm màu huyền bí, hư thực để nhiếp hồn tín đồ, những tà kiến được nhồi sọ tín đồ thờ Mẫu và cảm nhiễm ra mọi ngóc ngách xã hội miền Bắc.
Đạo Phật miền Bắc cũng bị tín ngưỡng thờ Mẫu thâm nhập, thao túng, lũng đoạn ở phần lớn chùa chiền. Tà kiến mê tín cứ thế len lõi vào các sư sãi ở chùa, thâm nhập sâu vào Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, vào Ban Tôn Giáo Chính Phủ cũng như mọi thành phần, mọi tầng lớp xã hội miền Bắc. Thế nên Phật giáo miền Bắc chỉ mang danh nghĩa đạo Phật còn trái tim, khối óc của đạo Phật miền Bắc chính thật là linh hồn của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Thế nên tín đồ Phật tử miền Bắc si mê nhìn cỏ Pili ra tóc và cách hành xử giữa các bên liên quan để chúng ta thấy rằng sự ngu dốt tâm linh ở tín đồ Chùa Ba Vàng thật sự không phải là hiện tượng mà đấy là bản chất của Phật giáo miền Bắc.
Tất nhiên là ngay nơi mê tín ở đạo Phật miền Bắc sẽ có không ít người học Phật phản tỉnh lội ngược dòng. Đáng tiếc! Chính họ cũng không thật sự biết đâu là giềng mối để thoát ra những khủng hoảng trong tâm hồn họ.
Họ phẫn nộ khi thấy sư Thái Minh dùng cọng cỏ Pili lừa gạt tín đồ, những tín đồ bị Chùa Ba Vàng bị lừa gạt chính là người thân của họ nên họ rất đau xót, thương cảm
Song có lẽ họ không thể nghĩ ra được bản chất của vấn đề không chỉ là sự lừa mị tín đồ của sư Thái Minh mà đây là một sự phổ truyền mê tín dị đoan trên diện rộng để tín đồ Phật tử, mục đích của sự phổ truyền mê tín dị đoan trên diện rộng là khiến người dân Việt Nam trở nên ngu dốt, cuồng tín ngõ hầu dễ lũng đoạn, dễ thao túng.
Hiển nhiên với cách hành xử chôn vùi dân trí người dân Việt Nam theo lối này thì không thể bắt nguồn từ những Ông Lớn có tâm, có tài và có tầm.
Thật sự là một đất nước Việt Nam không thể giàu mạnh, một dân tộc Việt Nam không thể thịnh vượng với mọi thành phần, mọi giai tầng xã hội đều ngu dốt và tự múc não bỏ đi.
Nếu sư Thích Trúc Thái Minh và hệ thống truyền thông bẩn, truyền thông bóng ma không ra sức thao túng tâm lý thì tín đồ Phật tử, người dân Việt Nam không dễ nhìn cọng cỏ Pili mà ra cọng xá lợi tóc Phật được. Sự ngu người trên diện rộng này ở đất nước Việt Nam ai sẽ là người chịu trách nhiệm đây?
Lẽ nào đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ rơi vào sự tối tăm, mịt mờ, một tương lai ảm đạm khi dân trí Việt Nam không bằng những đứa trẻ chăn trâu, những đứa bé thất học.
Nền giáo dục Việt Nam kiến tạo ra những con người Việt Nam khốn nạn, dốt nát, dối trá, vô sỉ và hèn hạ là vì đâu?
...
Thật sự là Ngạo Thuyết không quen việc mắng người. Ngạo Thuyết thấy lợm giọng và chán ngán việc phải mắng người nhưng do đại cuộc quá thấp hèn nên Ngạo Thuyết phải miễn cưỡng buông lung.
Ở phần 3 bài viết Ngạo Thuyết sẽ bớt bớt việc mắng người và nhân đó cũng mở cho sư Thích Trúc Thái Minh một con đường sống. Hy vọng là mọi chuyện sẽ an yên!
Ngạo Thuyết cũng không mong việc phải viết ra những bài viết có tính trực chiến thế này. Thế nên mỗi người cố gắng một chút,
Ngạo Thuyết chấp nhận việc sống trong dối lừa nhưng đừng để Ngạo Thuyết biết Ngạo Thuyết đang sống trong dối lừa.
Còn nếu cần Ngạo Thuyết phải trả giá cho việc đâm bị thóc, chọc bị gạo thì Ngạo Thuyết vẫn chờ đây, Ngạo Thuyết chọn lựa lối đi này nên cũng đã sẵn sàng cho việc trả giá đến nay những hơn 10 năm.
Ngạo Thuyết vẫn là người độc bộ độc hành, Ngạo Thuyết cũng không kêu gọi đấu tranh hay tán dương việc nổi loạn. Vì lẽ khi trình độ dân trí thấp trên diện rộng, sự dân trí thấp ngay chính nơi kiến trúc thượng tầng thi bất luận là ai cầm cờ cũng chỉ là bình mới, rượu cũ. Vậy đấu tranh, xung đột để làm gì, có chăng chỉ thêm sự tang thương.
Do đó, việc mỗi người cần làm là tự nâng cao dân trí của chính mình để không trở thành con rối mặc cho người giặt dây.
Và nếu có thế thì hãy lan tỏa những tri thức có chất liệu khai dân trí để dân tộc Việt, đất nước Việt Nam còn có một tương lai thịnh vượng, đẹp giàu. Trân trọng!
...
#Nikaya_Đốn_Ngộ
#Đạo_Tràng_Mặc_Thế
#Xé_Nát_Xưa_Nay
#Giải_Mã_Đạo_Phật
- Đôi Mắt (P.3)
- Đôi Mắt (P.2)
- Đôi Mắt (P.1)
- Bọt Biển (P.2)
- Bọt Biển (P.1)
- CHẲNG LÌA PHÁP THẾ GIAN
- Chạm đến cõi vô hình
- Lưới vô minh
- Dùng nhị nguyên luận cổ, giải kim (P.2)
- Dùng nhị nguyên luận cổ, giải kim (P.1)
- Thấy Gì Qua Cọng Tóc Thiêng Được Thỉnh Về Ngự Ở Chùa Ba Vàng? (Phần 3)
- Thấy Gì Qua Cọng Tóc Thiêng Được Thỉnh Về Ngự Ở Chùa Ba Vàng? (Phần 1)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét