Tâm ở đâu?
Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015
II.
Tâm Ở Đâu?
Nhân loại đang
nhốt tâm trong tấm thân máu thịt luôn luôn biến chuyển và tàn hoại nên phần lớn
câu trả lời sẽ là: “Tâm ở trong thân”.
Tôi sẽ mượn câu
trả lời của Phật trong kinh Thủ lăng nghiêm mà trả lời: Ví như một người đang ở
trong nhà thì người đó sẽ nhìn thấy những đồ vật trong nhà rồi mới nhìn thấy những
món đồ ở ngoài nhà thông qua những cánh cửa. Như vậy, nếu tâm thật sự ở trong
thân thì lẽ ra tâm phải thấy được tim gan, máu thịt, con mắt,… trước khi nhìn
thấy cảnh vật bên ngoài. Nhưng thực tế không phải vậy - Rõ thật là không ai nhìn
thấy được nội tạng của mình. Vậy tại sao chấp tâm ở trong thân?
Bạn chống chế:
Tâm thật ở trong thân nhưng vì trong thân không có ánh sáng nên tâm không nhìn
thấy được nội tạng. Tâm nhận biết được mọi vật bên ngoài là vì có ánh sáng.
Tôi nói: Vậy
khi đưa ánh sáng vào trong cơ thể, bạn sẽ nhìn thấy được nội tạng của chính mình,
có đúng như vậy không?
Bạn nói: Tâm không
trong thân, tâm sẽ nằm ngoài thân.
Tôi nói: Nếu tâm
thật nằm ngoài thân thì khi có một ai đó vỗ vai bạn thì tâm biết hay thân biết?
Nếu là tâm biết thì thân chẳng thể biết vì trong ngoài khác nhau. Như thế thì làm
sao bạn biết có người vỗ vai? Nếu là thân biết thì đâu cần có tâm nhận biết bạn
vẫn biết có người vỗ vai. Vậy khi tâm ở ngoài thân thì bạn và tâm đâu có can hệ
gì; Việc có hay không có tâm nào có quan trọng?
Bạn nói: Tâm không
nằm trong thân, không nằm ngoài thân. Có lẽ tâm ở nơi con mắt. Vì ở nơi con mắt
nên tâm không nhìn thấy trong thân mà chỉ nhìn thấy ở ngoài thân.
Tôi nói: Thật
không có lẽ đó! Vì bởi nếu tâm ở nơi con mắt thì tâm sẽ ở trước, ở giữa hay ở
sau con mắt? Nếu ở sau con mắt lẽ ra để nhìn thấy mọi vật trước tiên tâm phải
thấy con mắt trước. Ở giữa con mắt thì phải nhìn thấy nửa phần ngoài của con mắt.
Còn ở ngay trước con mắt thì tại sao tôi vỗ vai bạn từ phía sau bạn lại biết.
Bạn nói: Vậy ra
tâm ở đoạn giữa, không ở trong thân cũng không phải ở ngoài thân.
Tôi nói: Lại không
đúng. Vì khi bạn nhìn thấy quả táo thì đồng nghĩa với tâm nhận biết quả táo. Nếu
tâm ở đoạn giữa thì tâm sẽ từ đoạn giữa đến mắt hay từ đoạn giữa đến quả táo? Nếu
tâm từ đoạn giữa đến mắt hoặc tâm từ đoạn giữa đến quả táo thì bạn đều không thể
nhìn thấy quả táo. Chỉ khi tâm đồng thời đi đến mắt và cùng đi đến quả táo thì
bạn mới nhìn thấy quả táo. Nếu điều đó xảy ra thì từ một tâm sẽ chia thành hai
tâm đi theo hai hướng khác nhau. Đồng nghĩa với việc bạn lúc thì có một tâm, lúc
thì lại có hai hay nhiều tâm. Sao kỳ lạ vậy?
Xem đến đây, hẳn
là có không ít người rối trí. Bởi lẽ họ không xác định được tâm ở đâu? Vì thế họ
không thể nhận biết sẽ dùng “cái gì” để mà sống, mà tu hành, học Phật, thoát khổ,
giải thoát hoàn toàn,…
Không ít người
tu học sơ cơ và cả những người tu học lâu năm nhưng chưa đạt được sự tỏ ngộ giải
thoát sẽ chấp trước y kinh trả lời: Tâm không ở trong, không ở ngoài, không ở đoạn
giữa. Tâm bao trùm khắp cả vũ trụ, nơi nào cũng là tâm. Tâm là hư không, là Phật,
là như như bất động.
Tôi nói: Bạn đang
bị kinh Phật trói, vướng vào sở tri chướng. Vì sao? Vì cái tâm như như bất động
của bạn sao lại còn sự phân biệt trong ngoài.
Bạn nói: Thật
không có sự phân biệt.
Tôi nói: Bạn không
còn có sự phân biệt trong ngoài thì lẽ ra khi nhìn người khác giết chết con gà
thì bạn sẽ phải chết.
Bạn khỏa lấp: Tâm
là như như bất động. Không có gì gọi là sống hay chết cả? Đó chỉ là vọng tâm.
Tôi nói: Vậy tại
sao khi bạn thấy người khác chặt cây rừng, giết gà mổ trâu bạn lại không thấy đau
bằng việc người ta đánh đập, xúc phạm bạn. Tại sao bạn cảm thấy đói bụng? Sao bạn
lại phải ăn khi đói? Cái tâm như như bất động đã đi đâu rồi? Phải chăng bạn đang
học đòi làm “Thánh nhân văn tự”?
Số người học Phật
khác sẽ không trả lời câu hỏi “Tâm ở đâu?”. Bởi lẽ họ chấp chặt vào tông chỉ của
thiền tông, dùng “Tâm truyền tâm”, “Im lặng là vàng”. Họ quên rằng họ chưa là Tổ,
chưa từng qua sông. Nếu thật sự họ đã đạt được sự tỏ ngộ thì lẽ ra phải rõ biết
nguyên nhân Phật Thích Ca nhập thế thuyết pháp, độ sinh. Phật đã quán chiếu nhận
biết chúng sinh 3 cõi căn tánh muôn ngàn sai biệt như hoa sen trong hồ. Có một
số hoa nở xoè cánh sen rực rỡ, một số búp sen vừa chạm đến mặt nước, số hoa sen
khác vừa mới hé hàm tiếu, có số khác còn trong bùn, số khác đang ngoi lên,… Vì
căn tánh chúng sinh có sự sai biệt lớn nên Phật mới phải thuyết muôn pháp và tùy
theo căn tánh của từng đối tượng,… Và có một điều rõ thật là Phật vì người sống,
giúp người sống thoát ra mọi sự khổ, đạt được sự giải thoát hoàn toàn mà thuyết
pháp chứ không phải vì người chết mà thuyết pháp. Nếu chưa nhận biết được nguyên
nhân Phật nhập thế, độ sinh thì đừng ra vẻ là người có sự hiểu biết, gây ngộ nhận
cho người học Phật. Lẽ ra người học Phật phải tùy thuận căn tánh của người cầu đạo
mà truyền pháp và trao đổi sự hiểu biết một cách chân thật nhằm tìm ra con đường
giác ngộ, giải thoát. Nếu người học Phật không mở lòng học hỏi, hướng dẫn người
khác tu học, cứ chấp chặt vào sự im lặng
là chân lý thì có lẽ con đường giải thoát còn xa muôn kiếp. Nếu việc im lặng giúp
con người có thể thành Phật thì những người bị khuyết tật không nói được phải
chăng đều sẽ thành Phật?
Điều quan trọng
bậc nhất của người học Phật là phải xác định được: Tâm ở đâu? Tâm là gì?
Bài liên quan
Kính thưa tác giả bài viết. Nếu bạn hỏi Tâm ở đâu, xin thưa Tâm ở trong cơ thể. Cả Tâm và Trí đều có chứng năng suy nghĩ. Nhưng Tâm ko nằm ở vị trí đỉnh đầu như Trí. Tâm trãi dài khắp cở thể. Bất cứ nơi nào trên cơ thể cũng đều có sự xuất hiện của Tâm. Và đương nhiên với 2 con mắt thường cũng cộng thêm suy nghĩ của Trí não chưa thể nhìn thấy Tâm. Người thông minh có trí tuệ, người thông thuệ mới thấy được Tâm. Trí tuệ chỉ là suy nghĩ của bạn, nhưng Tâm của bạn là chính con người của bạn. Đễ có thể dùng Tâm suy nghĩ hay nhìn hay nghe hay cảm nhận, thì xin thưa với bạn với trí tuệ bạn chưa đủ khả năng đễ mở Tâm. Đễ khai mở được Tâm bạn cần có sự thông tuệ. Sự thông tuệ này chỉ có ở những người đã giác ngộ hay các bật thầy của đạo. Chỉ khi nào khai mở được Tâm thì bạn mới cảm nhận được sức mạnh của Tâm nó lớn thế nào, nó rõ thế nào. Còn với hiện tại, bạn chỉ dùng dùng trí đễ suy luận thì bạn chưa thể nới đến Tâm. Vd: với trí tuệ thông minh bạn sẽ trả lời câu hỏi: 1 + 1 = ? Nhưng với sự thức tỉnh Tâm bạn sẽ trả lời đc câu hỏi lớn hơn gắp nghìn lần: ta là ai? Vì sao ta được sinh ra? Và ta sinh ra đễ làm gì? Nói tóm lại, người thường chỉ cảm nhận được trí tuệ của suy nghĩ. Nhưng với các bật thầy sẽ cảm nhận được sức mạnh đến từ Tâm thức.
Trả lờiXóaBạn tin vào những điều mình nói hoàn toàn đúng chứ?
Xóa